Gần đây, chuyện áp dụng “giáo án điện tử” vào dạy và học trong trường phổ thông trở thành vấn đề thời sự của ngành giáo dục. Sau một thời gian sử dụng, nhưng ưu - khuyết của “giáo án điện tử” đã được chỉ ra, trong đó có cả chuyện đáng bàn là tên gọi của loại giáo án này.
CHỈ KHÁC VỀ HÌNH THỨC
Hầu hết, các “giáo án điện tử” đều sử dụng chương trình PowerPoint của Microsoft hoặc là Violet (tương tự như PowrePoint, nhưng hỗ trợ hình ảnh, âm thanh, flash mạnh hơn, do Công ty Bạch Kim sản xuất) để trình chiếu nội dung dạy học có kèm theo video, audio, hình học động của SketchPad, Geometry Cabri hoặc sản phẩm của Macromedia Flash MX, Paint, Corel, Snap, Xara 3D... Một số ít giáo viên chỉ sử dụng Sketchpad, Maple, Excel nhưng cũng không khác gì sử dụng PowerPoint để trình chiếu.
Giáo án điện tử hiện nay chỉ ứng dụng trong vài tiết hội giảng, thao giảng chứ chưa được nhiều giáo viên sử dụng rộng rãi - Ảnh: K.DUY
Phải công nhận rằng các tiết học có “giáo án điện tử” thường sinh động hơn, học sinh học tập hào hứng và dễ hiểu bài hơn; giáo viên cung cấp được nhiều kiến thức, thể hiện sơ đồ biểu bảng, kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm tốt hơn... Tuy nhiên các giáo án loại này cũng không phải là không có khuyết điểm, đặc biệt là việc trình chiếu thường quá nhanh làm cho học sinh không ghi chép được, hoặc là quá mải mê xem giáo viên trình chiếu mà quên đi việc ghi chép nội dung bài học. Mặt khác việc soạn “giáo án điện tử” rất mất thời gian trong việc chọn màu, kiểu chữ, font, size, màu chữ, hiệu ứng chữ, hiệu ứng âm thanh, màu nền, độ tương phản... nên các giáo viên thường chỉ soạn ra để thao giảng là chính, những tiết bình thường thì không thể thực hiện được hoặc có soạn thì cũng được vài tiết là hết hơi. Mặc dù “giáo án điện tử” có những thay đổi “choáng ngợp” so với giáo án truyền thống, nhưng kiểu dạy “giáo án điện tử” vẫn là kiểu truyền thụ một chiều từ thầy giáo đến học sinh. Các giáo án này chỉ có người soạn ra nó mới sử dụng tốt được, hay nói cách khác, trong tiết dạy bằng “giáo án điện tử”, nhất thiết phải được dạy bởi giáo viên soạn ra nó, một giáo viên khác khó có thể biết được cách sắp đặt các nội dung trong giáo án.
GIÁO ÁN ĐIỆN TỬ PHẢI “THÔNG MINH”
Đã nói “điện tử”, theo tôi, các “giáo án điện tử” phải thông minh tối thiểu là phản ứng lại tác động của học sinh, nghĩa là có tác động hai chiều. Ví dụ như, bắt đầu một bài học bằng “giáo án điện tử”, sau khi đã nêu ý nghĩa, tác dụng, vị trí bài học... giáo án nêu ra phần kiểm tra bài cũ bắt buộc, hoặc kiến thức cần có để tiếp thu bài mới mà học sinh không vượt qua được thì giáo án không cho học sinh học bài mới. Trong bất kỳ phần nào của giáo án điện tử cũng có chỗ để học sinh không hiểu Click vào đó để được giảng kỹ hơn hoặc nhắc lại bài cũ đã học – giống như ở lớp, học sinh không hiểu thì hỏi và được giáo viên trả lời vậy. Hoặc nếu soạn được giáo án điện tử tốt hơn sao cho học sinh có thể tự học, tự ôn, tự kiểm tra; học sinh có thể mang giáo án đi bất kỳ đâu và học bất kỳ lúc nào cũng được, không cần tới giáo viên nữa. Chính những giáo án như vậy mới có tác dụng đổi mới phương pháp dạy và học. Chẳng hạn nó đáp ứng sự học hỏi của học sinh chứ không phải áp đặt kiến thức từ thầy giáo. Và các giờ dạy trên lớp cũng khác, có thể là giải đáp những thắc mắc của học sinh mà trong giáo án điện tử chưa giải đáp được. Những “giáo án điện tử” lâu nay chúng ta thường gọi, chính xác chỉ là giáo án có ứng dụng công nghệ thông tin, chưa thể gọi là “điện tử” được.
Muốn có được những giáo án điện tử đúng nghĩa, phải có sự kết hợp giữa các nhà giáo dục, chuyên môn và các nhà lập trình. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, trình độ Tin học của giáo viên và học sinh còn hạn chế, để có hoàn chỉnh một giáo án điện tử đúng nghĩa cho một chương trình các môn học cho các lớp học thì trong một tương lai gần chưa thể có được. Trước mắt, các giáo viên có thể sử dụng các phần mềm cho thật sự có hiệu quả chứ không nhất thiết “giáo án điện tử” phải là PowerPoint, hoặc thay bảng bằng màn hình trình chiếu là giáo án điện tử như một số giáo viên quan niệm.
ĐÀO VĂN CHÁNH
(Giáo viên trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Phú Hòa)