Thứ Sáu, 04/10/2024 16:19 CH
Giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong trường học:
Cần “mưa dầm, thấm lâu”
Thứ Hai, 29/05/2006 08:15 SA

Giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho  học sinh không thể chỉ bó hẹp trong các tiết học chính khoá mà phải bằng nhiều hình thức, thông qua các hoạt động phong phú và phải làm thường xuyên, liên tục theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu“ thì mới có hiệu quả.

 

060529-cs.jpg

Hội thi An toàn giao thông trong các trường mầm non ở TP Tuy Hòa – Ảnh: T.Hằng

 

Việc đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) vào các trường học đã được Bộ GD – ĐT thực hiện trong những năm gần đây ở bộ môn Giáo dục công dân trong giờ học chính khóa và qua hoạt động giáo dục ngoài giờ. Đây là một hướng đi, nhằm trang bị cho học sinh có những kiến thức cơ bản để tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT. Tuy nhiên số tiết trong giờ học chính khóa về ATGT này không đồng bộ ở các cấp học. Từ năm học 2000 – 2001, Phú Yên được Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ GD - ĐT chọn triển khai thí điểm giáo dục về trật tự ATGT ở bậc tiểu học với thời lượng 8 tiết cho mỗi lớp học. Có sách giáo khoa, sách giáo viên, đồ dùng dạy học thay vì trước đây ATGT chỉ được giáo dục thông qua việc lồng ghép, tích hợp các môn học như Đạo đức, Sức khoẻ. Ở bậc THCS, thời lượng dạy an toàn giao thông thu hẹp rất nhiều, toàn cấp chỉ có 4 tiết học chính khóa ở môn Giáo dục công dân. Trung học phổ thông không có tiết học riêng mà dạy lồng ghép nội dung trật tự an toàn giao thông vào các bài học về pháp luật ở môn Giáo dục công dân. Trong khi đó lượng kiến thức cơ bản của pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ và đường sắt cho học sinh cần nắm để chấp hành tốt khi tham gia giao thông là rất lớn. Để lấp đầy khoảng trống pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh, nhưng không quá tải, Sở GD-ĐT Phú Yên đã hướng dẫn cụ thể những nội dung cơ bản, thiết thực cần dạy cho học sinh THCS và những nội dung dạy lồng ghép vào các bài học pháp luật ở môn Giáo dục công dân lớp 12 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

 

Giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh không thể chỉ bó hẹp trong các tiết học chính khoá mà phải bằng nhiều hình thức, các hoạt động phong phú và phải làm thường xuyên, liên tục theo kiểu “mưa dầm, thấm sâu” thì mới có hiệu quả. Với cách suy nghĩ ấy, trong nhiều năm qua Sở GD – ĐT Phú Yên đã phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh  thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 39/CP của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đướng sắt cho cán bộ giáo viên và học sinh của các trường THCS, THPT nằm dọc theo Quốc lộ và tuyến đường sắt. Những trường còn lại, các trường mời công an địa phương đến báo cáo.

 

Đặc điểm tâm lý của học sinh là thích hoạt động, giao lưu. Để kiến thức pháp luật giao thông đến với các em một cách nhẹ nhàng, không gò bó, gượng ép, năm 2003 Phòng Giáo dục TP Tuy Hòa đã phối hợp với Đài Truyền  hình khu vực Phú Yên, Nhà văn hóa thiếu nhi tỉnh tổ chức thi “Đố vui tìm hiểu luật giao thông đường bộ”. Đây là một việc làm hay, không chỉ có tác dụng tốt đối với học sinh mà còn đối với tất cả mọi người khi tham gia giao thông. Các trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Nguyễn Huệ, Duy Tân (TP Tuy Hòa)… cũng đã lồng ghép nội dung giáo dục an toàn giao thông trong sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, trong sinh hoạt các câu lạc bộ môn học. Nhiều trường  đã tổ chức cho học sinh sáng tác thơ văn, vẽ tranh cổ động về trật tự an toàn giao thông, xây dựng phong trào “Đoạn đường em chăm”, “Đoạn đường học sinh tự quản”. Cuộc thi “Tìm hiểu an toàn giao thông đường sắt” do liên ngành Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức trong hè năm 2003 được đông đảo học sinh Phú Yên tham gia đã nói lên tình cảm và ý thức “bảo vệ đường sắt quê em”.

 

Bên cạnh biện pháp giáo dục, nhà trường phải áp dụng biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm trật tự giao thông như: cho học sinh viết bản cam kết nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, có xác nhận của phụ huynh, nếu học sinh nào vi phạm thì tuỳ theo mức độ mà có những hình thức xử lý  nghiêm, điển hình là trường THPT Nguyễn Huệ. Có trường còn cấm học sinh dùng xe gắn máy để đi học.

 

Giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh là một yêu cầu rất quan trọng, cấp bách và thường xuyên, nhưng không dễ dàng. Bởi vì tính tự giác chấp hành pháp luật giao thông của học sinh chưa cao. Vì vậy chúng ta phải quyết tâm và kiên trì, bằng nhiều con đường và hình thức khác nhau; cần  phối hợp với các lực lượng giáo dục trong và ngoài trường để đưa pháp luật giao thông đến với các em, và trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống.

 

TRẦN VĂN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek