Thứ Sáu, 04/10/2024 16:25 CH
Thiết bị dạy học vùng khó khăn:
Chưa sử dụng được!
Thứ Hai, 22/05/2006 14:04 CH

Cho đến nay, sau 4 năm triển khai chương trình mới, nhiều trường học ở vùng khó khăn trong tỉnh “chẳng thể đổi mới được” vì thiết bị dạy học chưa đưa vào sử dụng...…

 

Theo yêu cầu của chương trình mới, thiết bị dạy học chiếm vai trò quan trọng trong việc giảng dạy. Đặc biệt là với các môn thuộc lĩnh vực khoa học – tự nhiên, khoa học – công nghệ, có đến 70% bài dạy trên tổng số tiết cần được thực hành thí nghiệm. Thế nhưng, có thiết bị là một lẽ, làm thế nào để triển khai tiết dạy với thiết bị mới là vấn đề nan giải. Tại Trường THCS Triệu Thị Trinh (huyện Sông Cầu), để chuẩn bị một tiết thực hành, cả thầy và trò phải hì hục dọn dẹp  mới có đủ chỗ ngồi các em. Trường này có đến 18 lớp học nhưng chỉ có 1 phòng thực hành. Tất cả trang thiết bị, đồ dùng dạy học đưa về đều “nhét” hết vào căn phòng này. “Các lớp phải đăng ký trước lịch thực hành để nhà trường sắp xếp. Nhưng với 18 lớp, trường dù có cố gắng cũng không thể đảm bảo được thời lượng. Môn này làm xong, tiếp tục đến môn khác, chỉ việc bày biện đồ dùng, vật dụng thí nghiệm không thôi đã chiếm hết thời gian. Mang tiếng là giờ học thực hành, nhưng thực học chẳng được là bao!” - thầy Đỗ Nhuận, Hiệu trưởng cho biết.

 

060522-lop-hoc.jpg

Học sinh vùng khó ít khi được tiếp cận dụng cụ thực hành như thế này - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Học sinh Trường bán trú La Văn Cầu (huyện Sơn Hoà) thì tội nghiệp hơn. Dù được học chương trình sách giáo khoa mới đã 4 năm nay nhưng dường như các em chưa có lấy một buổi thực hành đúng nghĩa. Các năm trước, trường này tận dụng nhà ăn của học sinh làm phòng thí nghiệm. Gần đây, nhà ăn sắp sập nên học trò nơi này mất luôn cơ hội gắn lý thuyết với thực tiễn. Thiết bị đưa về, cái nào mang lên lớp dạy được thì mang, còn lại cho vào kho cất. Qua khảo sát thực tế, hiện toàn tỉnh có khoảng 30% trường học có phòng chức năng, chủ yếu tập trung ở vùng thuận lợi, còn các trường học miền núi, vùng xa hầu như “trắng” loại phòng học này.

 

Chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng khó khăn thực sự đáng quan ngại. Nếu đánh giá một cách khách quan thì chương trình mới vẫn chưa có chuyển biến gì tích cực, thậm chí chỉ là sự gò ép. Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Sông Hinh Phan Phi Hùng bày tỏ: “Đến nay, các trường học trên địa bàn huyện chưa có phòng chức năng nên chúng tôi rất khó trong việc triển khai chuyên môn. Vì vậy, dù dạy theo chương trình sách giáo khoa mới nhưng kiến thức mà học sinh thu được vẫn chưa có gì mới”.

 

Để dạy - học tốt chương trình mới, theo quy định, nhà trường phải có những phòng học bộ môn được trang bị thiết bị, bàn ghế phù hợp. Học môn nào, học sinh chỉ việc di chuyển đến phòng bộ môn đó. Với tình trạng “trắng” phòng chức năng như hiện nay ở vùng khó, việc truyền thụ kiến thức cho học sinh thực sự không hiệu quả. Làm sao để giáo viên và học sinh phải sử dụng đồ dùng dạy học, khắc phục tình trạng “dạy chay học chay”? Chỉ còn cách giáo viên mang theo thiết bị lên lớp. Cách làm này được một số trường áp dụng, nhưng không “ăn thua”. Bởi mang đi mang về thiết bị sẽ mất độ chính xác, hoặc có thể rơi rớt hư hỏng. Đó là chưa kể bàn ghế học sinh cũng không phù hợp cho việc học với thiết bị theo phương pháp mới.

 

Chương trình mới không chỉ tập trung vào nội dung giảng dạy mà còn tập trung đúng mức đến việc hình thành phương pháp học tập, nhất là phương pháp tự học, tự phát hiện, tự giải quyết vấn đề thuộc bài học để tự chiếm lĩnh kiến thức. Điều này rất cần thiết đối với học sinh. Song trên thực tế, chỉ với cách truyền đạt suông, không được thực hành nên chuyện học vẫn diễn ra thụ động “thầy nói trò nghe”. Thực ra, bài toán về chất lượng của giáo dục vùng khó không phải bây giờ mới đặt ra. Nhưng khi mà chương trình mới được triển khai đại trà đã 4 năm thì vấn đề này càng trở nên cấp bách. Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng của vùng 3 đã khiến giáo dục nơi đây gặp nhiều bất lợi. Vì vậy, cần có những giải pháp tổng thể mà đặc biệt là phải bắt đầu từ cơ sở hạ tầng, nghĩa là khi xây dựng các phòng học cần phải chú ý đến phòng chức năng.

 

So với trước đây, hiện nhiều môn học đã khắc phục được một phần những hạn chế của chương trình cũ, thiết thực và tạo hứng thú hơn cho học sinh. Nhưng từ chương trình sách giáo khoa đến khâu vận dụng đôi khi có sự vênh không nhỏ, dẫn đến hiệu quả không như mong đợi. Từ năm học này, học sinh cấp 2 không còn phải thi tốt nghiệp, vì vậy, kết quả học tập của các khối lớp là rất quan trọng. Nếu cứ cái đà “bỏ qua” không được thực hành thì việc đánh giá hiệu quả đào tạo của học sinh có chính xác, công bằng? Và khi xét tốt nghiệp dựa vào kết quả học tập, lại càng khó đánh giá đúng năng lực học tập của mỗi học sinh.

 

KHÁNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek