Năm nào cũng vậy, càng gần đến ngày thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, các lò luyện thi càng “nóng” lên với cảnh hàng trăm sĩ tử chen nhau tìm kiếm cơ may. Năm nay, phương án ra đề thi giới hạn trong chương trình phổ thông đã khiến nhiều sĩ tử đua nhau tìm kiếm trường luyện hoặc các thầy để mong có được đề “tủ”. Các lò luyện thi đã bắt đầu “tăng nhiệt”.
Giờ học của một lớp luyện thi ở trường Cao đẳng Xây dựng số 3 - Ảnh: Thúy Hằng
Tại trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa), giờ học chính khoá đã tan từ lâu nhưng khá nhiều học sinh vẫn ở lại trường để tiếp tục vào “ca ba”. “Đây là các lớp học thêm về các bộ môn Toán, Lý, Hoá, Văn, Sử, Địa được nhà trường mở theo nhu cầu của học sinh, phụ huynh” - Ông Nguyễn Hữu Phước, Hiệu trưởng giải thích. Chưa bàn đến chất lượng, chỉ nhìn vào cách tổ chức lớp học như kiểm tra sĩ số, có sổ ghi chép tình hình học tập của học sinh để liên lạc với phụ huynh từng em đã có sự khác biệt so với các lớp dạy thêm – học thêm thông thường. Một giáo viên cho biết, học sinh muốn học thêm môn gì, học thầy cô nào thì đăng ký với nhà trường, rồi nhà trường bố trí lớp và giáo viên theo đăng ký của các em. Giáo viên lên lớp không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải theo dõi nắm bắt tình hình học tập của học sinh để trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và gia đình.
Ngoài củng cố, hệ thống lại kiến thức được học trên lớp, những giờ học thêm chủ yếu là giúp các em nâng cao và mở rộng nội dung bài học. Giờ học mang tính tiếp cận thực tiễn là chính nên dù phải học thêm “ca ba” trong ngày nhưng hầu hết học sinh rất chuộng cách luyện thi này. Bà Nguyễn Thị Hà, một phụ huynh học sinh bày tỏ: “Tổ chức lớp theo nhu cầu của học sinh và trực tiếp quản lý những gì các em được học, các thầy cô tạo cho chúng tôi sự yên tâm về kiến thức, cũng như khả năng quản lý thời khoá biểu học thêm của các cháu”. Dạy thêm theo nhu cầu và trực tiếp quản lý nội dung bài dạy, nhà trường không chỉ giúp các em có điều kiện nắm chắc kiến thức để thi tốt nghiệp mà còn tạo điều kiện cho học sinh yếu môn nào củng cố môn ấy cho kỳ thi tuyển vào đại học, cao đẳng.
Không ồn ào bằng những thông báo chiêu sinh “đụng đâu dán đó”, nhưng tại điểm luyện thi Trung tâm giáo dục thường xuyên Phú Yên cũng đang chật kín học viên. Hiện trung tâm đang có12 lớp luyện thi hai khối A, C với trên 1000 học viên. Hầu hết sĩ tử tại “lò” luyện thi này đều đã bị trượt đại học những năm trước. Năm nay thí sinh không chờ đến sát ngày thi mới luyện cấp tốc, mà đăng ký theo học từ rất sớm. Nhiều học sinh không thích tham gia vào những lớp luyện thi theo khối chung chung mà tìm đến những người thầy “danh tiếng” các môn để học cho chắc. Nguyễn Văn Thịnh, một thí sinh tự do ở huyện Tây Hoà, cho biết: “Em sợ không “chắc ăn” nên cứ phải tìm thầy giỏi luyện từng môn. Nếu lò có thầy “siêu” môn nào thì em đăng ký học môn đó”. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều giảng viên đã mở các lớp chuyên Hoá, chuyên Toán, chuyên Văn… Học ở các lớp luyện chuyên từng môn, học viên phải chấp nhận một giá khá cao so với các lớp bình thường từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng, tuỳ theo sự “nổi tiếng” của giáo viên.
Chúng tôi đến nhà thầy C, đầu đường Lê Lợi (TP Tuy Hòa). Trước nhà xe dựng la liệt, bên trong chật kín học sinh. Mặc cho cái nóng, các sĩ tử vẫn cắm cúi nghe, ghi chép, thi thoảng mới có vài gương mặt ngẩng lên “ngáp”. Cứ kiểu “nhồi” kiến thức như thế này, dù thông minh đến mấy học sinh chắc cũng khó mà nhập tâm. Phần lớn học viên chọn giải pháp luyện thi ở các lò luyện chỉ chờ được các thầy bật mí cho phần đề “thường hay ra” để ôn cho trúng!?. Học nhiều thầy, mỗi thầy khoanh vùng một ít thể nào cũng trúng (!). Chính vì những kiểu suy nghĩ như thế nên dù được học kỹ ở bậc phổ thông nhưng càng đến sát ngày thi, các sĩ tử vẫn tranh thủ nhào tới các lò để trau dồi thêm kiến thức!. Những trung tâm luyện thi, do mở lớp theo đợt nên học sinh rất khó chen vào. Vậy là chỉ còn cơ hội ở những lò luyện thi tại gia. Do đó, vào những ngày này, các lò luyện của những giáo viên có uy tín và có “thương hiệu” dạy ở trường chuyên luôn chật kín người học.
Luyện thi là để bổ sung những kiến thức còn thiếu. Nhưng những kiến thức ấy có được học sinh nghiền ngẫm, nhập tâm như thế nào lại tuỳ ở ý thức mỗi người. Một học sinh thú nhận, sau khi đi học về, học lại những gì mình chép chứ khi ở trên lớp cũng chẳng rõ đã chép được cái gì. Riêng các giáo viên dạy luyện thi đều thừa nhận rằng, yếu tố giáo viên chỉ chiếm 25% kết quả mà học sinh đạt được. Để có thể trúng tuyển đại học, cần phải chuẩn bị lâu dài trong suốt quá trình học phổ thông. Cho nên dù ôn ở nhà hay trung tâm luyện thi, điều cốt yếu là mỗi người phải chịu khó tìm tòi học hỏi, cố gắng tối đa với những kiến thức được trang bị từ trường thì sẽ tự tin hơn…
MẠNH THÚY