Chủ Nhật, 06/10/2024 17:25 CH
Giảng dạy các môn khoa học – công nghệ:
Vẫn lúng túng trong thực hành
Thứ Hai, 31/10/2005 15:45 CH

Khối kiến thức về khoa học và công nghệ trong trường phổ thông hiện nay chiếm một vị trí quan trọng. Toán, Lý, Hoá, Sinh, Công nghệ… được xem là các môn cung cấp kiến thức cơ bản nhất về khoa học công nghệ. Tuy nhiên, mảng giáo dục phổ thông về các môn học này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH: CHỜ ĐẾN BAO GIỜ?

 

Nhìn 5 phòng học chức năng, thí nghiệm thực hành dành cho các môn Lý, Hoá, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc được xây dựng đúng chuẩn của trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hoà), những người làm giáo dục đều tấm tắc khen. Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Huynh cho biết: “Trường Nguyễn Thế Bảo hiện có gần 1.600 học sinh thuộc 38 lớp. Ngày nào nhà trường cũng cố gắng bố trí để các em được thực hành ở các phòng chức năng này”. Tại phòng chức năng Sinh học, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Lan đang cùng với học sinh lớp 6 quan sát các loại cây thân leo, thân bò… thật 100%. Cô Lan cho biết: “Trước khi vào tiết học thực hành này, tôi đã hướng dẫn để các em tự sưu tầm các loại cây liên quan đến bài học rồi mang đến lớp. Cách học kết hợp lý thuyết với quan sát thực tế làm cho học sinh thích thú và hiểu bài rất nhanh”.

 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Thế Bảo được học tốt các môn KH-CN - Ảnh: MẠNH THUÝ

Giờ học môn Hoá ở phòng thí nghiệm thực hành kế bên sôi nổi không kém. Học sinh nào cũng tỏ ra thích thú khi cùng với thầy giáo tiến hành thí nghiệm các phản ứng hoá học. Một học sinh lớp 9 nói: “Tụi em rất mê những giờ học ở phòng chức năng. Nó giúp tụi em không chỉ nắm được bài ngay trong khi học mà còn nhớ được lâu”.

 

Theo yêu cầu của chương trình mới, thiết bị dạy học chiếm vai trò rất quan trọng trong việc giảng dạy. Với những môn khoa học – công nghệ, 70% bài dạy trên tổng số tiết đều phải thực hành thí nghiệm. Thế nhưng, có thiết bị là một lẽ, làm thế nào để triển khai tiết dạy với thiết bị mới là vấn đề nan giải. Theo quy định, nhà trường phải có những phòng học bộ môn hoặc các môn năng khiếu, trang bị thiết bị, bàn ghế phù hợp. Nhưng trong thực tế, hiện nay số trường có được phòng chức năng vẫn còn ít. Chưa khắc phục được tình trạng này thì việc dạy các môn khoa học – công nghệ khó có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

 

So với trước, các môn học này hiện đã được chú trọng hơn cả về nội dung và phương pháp dạy học, khắc phục được một phần những hạn chế của chương trình cũ, thiết thực và tạo hứng thú hơn cho học sinh. Chẳng hạn, theo chương trình phân phối môn Công nghệ lớp 6, các em được học về các kỹ thuật phục vụ lớp 7 học về trồng trọt, chăn nuôi lớp 8 học về kỹ thuật công nghiệp, riêng lớp 9 thì có 2 phần: nông nghiệp và công nghiệp. Mỗi tuần học sinh được học 2 tiết. Theo giáo viên, những giờ học này đòi hỏi khâu thực hành rất cao. Môn học nào cũng thiết thực với học sinh, nhưng vì hạn chế về phương tiện dạy học nên tuỳ vào khả năng của từng địa phương mà mỗi nơi có thể lựa chọn phần học nào phù hợp.

 

Bên cạnh việc thiếu thốn cơ sở vật chất yếu tố khác cũng làm hạn chế hiệu quả giáo dục các môn khoa học – công nghệ. Yếu tố đầu tiên là giáo viên. Tại nhiều trường phổ thông, các môn Kỹ thuật, Công nghệ đều phải bố trí giáo viên kiêm nhiệm. Đặc biệt là giáo viên chuyên trách hướng dẫn thực hành thí nghiệm hầu như chưa có. Khả năng dạy học thực hành, liên hệ thực tế, tổ chức cho học sinh tự tìm hiểu, khám phá kiến thức của giáo viên còn rất hạn chế. Nhiều nơi, nhất là các trường ở vùng nông thôn, tình trạng giáo viên ngại sử dụng thiết bị thực hành thí nghiệm trở nên phổ biến. Nhiều trường được cấp đủ thiết bị thực hành thí nghiệm nhưng giáo viên vin vào việc chưa có phòng chức năng nên vẫn để yên trong kho chưa đụng đến.

 

GIÁO VIÊN PHẢI BIẾT TỰ TẠO ĐỒ DÙNG DẠY HỌC

 

Từ năm học này, việc đánh giá đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên sẽ căn cứ trên 3 tiêu chí: Sử dụng các thiết bị dạy học, tổ chức các mối quan hệ thầy trò và vận dụng tri thức bài học vào thực tiễn. Từng giáo viên, từng tổ chuyên môn, từng trường căn cứ các tiêu chí này để đưa vào kế hoạch giảng dạy. Các cấp quản lý và thanh tra viên cứ căn cứ vào 3 tiêu chí này để đánh giá mức độ đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên. Những giáo viên không sử dụng đồ dùng dạy học sẵn có liên quan đến nội dung bài học coi như vi phạm quy chế chuyên môn.

 

Sử dụng thiết bị dạy học được xem là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá năng lực nhà giáo. Song một khi chưa có phòng chức năng thì giáo viên vẫn cứ vin vào lý do này để dạy “chay” hoặc nếu có sử dụng đi chăng nữa cũng chỉ mang tính đối phó. Thầy Mai Văn Thắng, giáo viên thí nghiệm thực hành, phụ trách các phòng chức năng của trường THCS Nguyễn Thế Bảo, khẳng định: “Phòng chức năng là rất cần thiết cho quá trình dạy và học. Nhưng nếu chỉ vì lý do chưa có các phòng học này mà nhốt thiết bị dạy học vào kho, dạy chay học chay là không thuyết phục. Bởi để khắc phục tình trạng chưa có phòng chức năng, chỉ cần giáo viên biết đầu tư vào những giờ dạy học bằng cách tự làm đồ dùng dạy học và vận động học sinh tham gia cùng làm thì việc khám phá kiến thức nói chung và dạy tốt các môn khoa học công nghệ nói riêng là trong tầm tay”.

 

Thực hành môn Hoá - Ảnh: MẠNH THUÝ

Một trong những con đường để phát triển giáo dục khoa học – công nghệ trong các trường phổ thông là tăng cường sự tham gia của các tầng lớp xã hội, phụ huynh học sinh, tăng cường sự liên kết giữa nhà trường với các cơ sở khoa học – công nghệ. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội sẽ tạo một môi trường tốt, giúp học sinh tiếp cận các kiến thức khoa học công nghệ. Với cách liên kết này, năm học 2004 – 2005, Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Tuy Hoà) đã xây dựng được vườn sinh thái trong trường học, tạo cho học sinh cơ hội  tiếp cận thực tế một cách sinh động, hiệu quả. Cách làm này đang được trường THCS triển khai trong giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh, các lực lượng trong và ngoài nhà trường. Dự kiến khu vườn học tập này sẽ được nhà trường đưa vào sử dụng.

 

THUÝ HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek