Chủ Nhật, 06/10/2024 17:35 CH
Giáo dục ở miền núi đã khởi sắc
Thứ Hai, 17/10/2005 14:37 CH

Tỉnh Phú Yên có trên 45.000 người dân tộc thiểu số Êđê, Chăm, Bana, Tày, Nùng, Dao… sinh sống ở 3 huyện miền núi. Trong chiến tranh, các huyện, xã miền núi là vùng căn cứ cách mạng bị tàn phá rất nặng nề. Sau giải phóng, đồng bào các dân tộc mới bắt tay xây dựng lại quê hương hầu như từ con số không. Năm 1989, tỉnh Phú Yên được tái lập cùng với những chính sách mới của Đảng và Nhà nước đã có tác dụng thúc đẩy giáo dục miền núi phát triển lên một bước mới. Ngành đã thực hiện tốt sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức dạy học theo lớp ghép ở các buôn, làng khó khăn để thu hút học sinh. Mạng lưới trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), bán trú dân nuôi được hình thành đã đóng vai trò quan trọng trong công tác đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số.

 

Một giờ học của học sinh Trường THCS xã SôngHinh, huyện Sông Hinh - Ảnh: Thúy Hằng

 

Với nhận thức “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và  “Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân”, phong trào xã hội hóa giáo dục trong toàn tỉnh nói chung, các huyện miền núi nói riêng, đã có nhiều chuyển biến. Huyện Đồng Xuân dẫn đầu ba huyện miền núi về phong trào này. Ngành Giáo dục – Đào tạo đã đề ra nhiều biện pháp chỉ đạo để duy trì sĩ số và chống bỏ học giữa chừng, trong đó cuộc vận động toàn dân đưa con em đến trường diễn ra rộng khắp các buôn, làng đã làm thay đổi nhận thức của bà con dân tộc thiểu số. Họ bắt đầu quan tâm đến việc học tập của con cái nhiều hơn. Nhờ vậy, số lượng học sinh ngày càng tăng lên. Năm học 1989-1990 toàn tỉnh mới có 3.249 học sinh người dân tộc thiểu số thì đến cuối năm học 2004-2005 là 10.926 em, tăng 7.677 em. Như vậy, cứ 4,1 người dân tộc thiểu số có 1 người đi học ở bậc phổ thông.

 

Do yêu cầu giáo dục ngày càng cao, nên vấn đề đặt ra là phải xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng. Ngành Giáo dục – Đào tạo đã điều động giáo viên lên miền núi cùng với những chính sách đãi ngộ. Đội ngũ giáo viên các trường không ngừng phát huy tinh thần tự học, tự rèn để nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Đến nay có 94,3% GV đạt chuẩn và trên chuẩn. Ngành Giáo dục – Đào tạo đã phát động phong trào thi đua dạy tốt – học tốt; tổ chức hội giảng cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh để rút ra phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm tình hình học sinh dân tộc thiểu số; thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh. Huyện Đồng Xuân, Sông Hinh và Trường PTDTNT tỉnh có nhiều đóng góp trong phong trào dạy tốt – học tốt. Phong trào bồi dưỡng và tổ chức thi học sinh giỏi ở các trường đã đạt được nhiều thành tích đáng kể. Từ 1989 đến 2005 đã có 326 học sinh giỏi các cấp. Hàng năm học sinh tốt nghiệp THCS bình quân 95%, tốt nghiệp THPT bình quân 89%. Đến nay có khoảng 250 học sinh được cử tuyển và thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ. Số học sinh tốt nghiệp ĐH, CĐ đều trở về địa phương công tác ở các cơ quan, ban ngành từ tỉnh đến huyện, xã.

 

Hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông đều thực hiện ở hầu hết các trường. Ở các trường huyện, học sinh tham gia học nghề tại trung tâm KTTH-HN huyện. Trường PTDTNT tỉnh đã liên kết với Trung tâm KTTH-HN tỉnh mở lớp dạy nghề cho học sinh với các ngành: Tin học, Điện dân dụng, Thú y… 100% học sinh lớp 12 được hướng nghiệp và tư vấn nghề đúng theo chương trình, từng bước có tác dụng tốt đối với việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng và nguyện vọng của học sinh.

Tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chế độ, chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số. Ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ 30.000 đồng/tháng/học sinh cho các trường bán trú dân nuôi, 100.000 đồng/tháng/sinh viên và tiền tàu, xe cho sinh viên dân tộc thiểu số đang theo học tại các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Riêng huyện Đồng Xuân, tỉnh đã cho mở thêm các lớp bậc THPT đối với học sinh người dân tộc thiểu số, huyện hỗ trợ 70.000 đồng/tháng, tỉnh hỗ trợ 30.000 đồng/tháng cho mỗi học sinh.

 

Một trong những mục tiêu của ngành là xóa các phòng học tranh tre, nứa lá và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường. Được sự quan tâm của UBND tỉnh, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội, từ năm 1989 đến 1995, các trường cấp 4 đã mọc lên thay thế cho các trường tạm bợ. Từ năm 1995 đến nay, các trường PTDTNT đã được xây cao tầng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập cũng như nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của học sinh.

 

Nhờ làm tốt công tác vận động toàn dân đưa con, em đến trường, tỷ lệ học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số trong độ tuổi đến trường chiếm trên 95%, học sinh THCS trên 85%, học sinh THPT trên 40%. Có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học. Công tác phổ cập giáo dục THCS đang thực hiện ở hầu hết các huyện, xã miền núi, tuy nhiên do địa bàn xa xôi, cách trở nên gặp nhiều khó khăn. Để kịp hoàn thành kế hoạch phổ cập THCS toàn tỉnh vào năm 2006, các huyện miền núi đang mở các lớp học tại các cụm dân cư và nhóm gia đình nhằm thu hút học sinh ra lớp.

TRẦN VĂN TÌNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek