Phú Yên là một trong những tỉnh thành đầu tiên trong cả nước hoàn thành trước kế hoạch mụïc tiêu phát triển đoàn viên (trong chương trình phát triển 1.000.000 đoàn viên) của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt
VƯỢT MỨC SỐ LƯỢNG
Nghị quyết Đại hội Công đoàn Phú Yên khoá VII, nhiệm kỳ 2003 - 2008 đề ra chỉ tiêu phát triển 7000 đoàn viên đến năm 2008. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện đến nay toàn tỉnh đã phát triển 8757 đoàn viên, đạt 125% so với kế hoạch và về đích trước một năm rưỡi. Đồng thời có được kết quả đáng phấn khởi ấy là nhờ quyết tâm của các cấp Công đoàn và sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Có công đoàn, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân - lao động được bảo vệ - Ảnh: Trần Quới
Hai nguồn đối tượng để phát triển đoàn viên trong thời gian qua là công chức, cán bộ khối xã, phường, thị trấn và công nhân – lao động (CN – LĐ) khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong 8757 đoàn viên phát triển mới có đến 3155 đoàn viên khối xã, phường nâng tổng số đoàn viên toàn tỉnh lên 33.772 người với 837 tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS). Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn có tổ chức công đoàn đi vào hoạt động. Song ở khối doanh nghiệp, tỷ lệ này quá thấp. Trên địa bàn thành phố Tuy Hoà có hơn 300 doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần đang hoạt động, thế nhưng số đơn vị thành lập được CĐCS chưa đến 30, nghĩa là chưa đến 10%.
TẬP TRUNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
Việc thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên ở các xã, phường, thị trấn không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, để hoạt động đạt hiệu quả thì không ít CĐCS lúng túng. Hai vấn đề khó khăn dẫn đến hoạt động của tổ chức công đoàn chưa mang lại hiệu quả cao là lực lượng cán bộ và tài chính. Cán bộ ở cấp CĐCS kiêm nhiệm, vì thế chuyên môn không sâu, cũng không có phụ cấp để khích lệ. Kinh phí hoạt động chủ yếu tùy thuộc vào sự quan tâm của chính quyền cơ sở. Nơi nào được cấp uỷ, chính quyền quan tâm đúng mức thì hoạt động tương đối tốt. Bằng không thì khó khăn chồng chất khó khăn. Ông Nguyễn Như Đông, Chủ tịch LĐLĐ huyện Sông Hinh, cho biết: “Sông Hinh là huyện đầu tiên hoàn thành 100% việc thành lập CĐCS xã, thị trấn. Đây là điều đáng mừng, nhưng còn một nỗi lo ngay ngáy là làm thế nào để cỗ máy CĐCS hoạt động tốt, nếu không sẽ lâm vào tình trạng “có sinh mà không có dưỡng”. Không riêng huyện miền núi Sông Hinh mà tất cả các địa phương khác đều gặp khó khăn tương tự.
Đối với khu vực ngoài quốc doanh thì khó khăn đầu tiên là khâu vận động thành lập CĐCS. Bà Lê Thị Cuốn, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Tuy Hoà, nói: “Các doanh nghiệp hầu như chưa ý thức được việc sử dụng lao động theo đúng luật. Để thành lập được một CĐCS, có khi ban vận động phải đến doanh nghiệp vận động cả năm trời”. Hiện toàn tỉnh có 132 CĐCS ngoài quốc doanh với 3934 đoàn viên, kết quả đánh giá xếp loại cuối năm chỉ có 50% CĐCS đạt vững mạnh.
Từ thực tế đó, LĐLĐ tỉnh Phú Yên yêu cầu các cấp công đoàn đổi mới nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với từng cơ sở, đồng thời nâng cao năng lực và trình độ cán bộ công đoàn. Ông Huỳnh Trọng Danh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Yên, nhấn mạnh: “Phát triển đoàn viên là một chương trình lớn và xuyên suốt, tuy nhiên chúng ta không chỉ chạy theo số lượng và thời gian mà cần tập trung vào chất lượng đoàn viên và cách thức, mô hình hoạt động của CĐCS”. Vì vậy, công tác bồi dưỡng, tập huấn cán bộ luôn được các cấp công đoàn chú trọng. LĐLĐ huyện, thành phố, CĐ ngành mở 22 lớp thu hút 1325 cán bộ CĐCS, LĐLĐ tỉnh mở 2 lớp với 250 cán bộ CĐCS trực thuộc, 1 lớp tập huấn nghiệp vụ giáo viên kiêm nhiệm, 35 cán bộ chuyên trách. Các lớp tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng công tác công đoàn, đáp ứng yêu cầu tổ chức và hoạt động ở cơ sở, nâng trình độ cho đội ngũ cán bộ công đoàn. Bên cạnh đó, các ngành các cấp liên quan cần phối hợp chặt chẽ và quan tâm đúng mức đến hoạt động công đoàn. Tổ chức công đoàn phải thể hiện rõ vai trò tích cực của mình trong công tác quản lý và phát triển chung của đơn vị.
TRẦN QUỚI