Thứ Sáu, 04/10/2024 20:17 CH
Qui chế tuyển sinh lớp 10:
Nhiều điều chưa ổn!
Thứ Hai, 24/04/2006 07:35 SA

Sau nhiều lần dự thảo, nhiều đợt hội thảo lấy ý kiến các sở GD-ĐT, qui chế tuyển sinh lớp 10 cuối cùng cũng được Bộ GD-ĐT ban hành dù khá muộn. Tuy nhiên qui chế chính thức này lại gây quan ngại không ít cho cả người trong ngành lẫn phụ huynh học sinh (HS), không chỉ vì nó quá mới lạ mà vì những điều chưa ổn...

 

HỌC GIỎI KHÔNG BẰNG HỌC NGHỀ?

 

Băn khoăn lớn nhất của những người trong ngành chính là qui định cộng điểm khuyến khích cho HS thi nghề phổ thông. Theo qui chế này, HS được xếp loại thi nghề trung bình trở lên đều được cộng thêm từ 0,5-1,5 điểm. Trong khi đó, HS đoạt giải trong các kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức, các kỳ thi quốc tế và khu vực hoặc giải nhất kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh, TP... cũng chỉ được cộng thêm 2 điểm; đoạt giải nhì HS giỏi tỉnh, TP được cộng 1,5 điểm và đoạt giải ba HS giỏi TP cũng chỉ được cộng thêm 1 điểm. Đây là qui định bất hợp lý, bởi trên thực tế để đạt được - dù chỉ là giải ba HS giỏi tỉnh, TP, HS phải nỗ lực không ít.

 

060424-hocsinh.jpg

 

Với những trường bình thường (trường không tập trung HS giỏi như trường trọng điểm chất lượng cao trước đây), số HS đoạt giải HS giỏi tỉnh, TP may ra chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng cũng chỉ được khuyến khích số điểm không hơn thi nghề là mấy.

 

Không chỉ vậy, qui chế này còn ban hành trong thời điểm năm học gần kết thúc khiến không ít HS giỏi phải ngậm ngùi. Bởi theo qui chế cũ, điểm thi nghề chỉ được sử dụng cộng thêm cho những HS không đủ điểm tốt nghiệp THCS để vớt những em này.

 

Năm học 2006 – 2007, độ tuổi tuyển sinh vào lớp 6 từ 11 đến 14 (sinh năm 1992 đến 1995), lớp 10 từ 15 đến 19 tuổi (sinh năm 1987 đến năm 1991). Riêng học sinh nữ, dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài về nước, là người Kinh sinh sống và học tập ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, bị tàn tật, khuyết tật, kém phát triển về thể lực, trí tuệ, bị nhiễm chất độc hóa học, mồ côi không nơi nương tựa, trong diện đói nghèo theo quy định của Nhà nước được tăng thêm 1 tuổi so với tuổi quy định. Bộ GD-ĐT vừa có quy định như vậy.

 

QUỲNH ANH

Những HS học giỏi thường không cần đến điểm cộng thêm nên cũng chẳng màng đến chuyện học nghề nếu trường không ép. Với cách cho điểm khuyến khích này, có thể thấy Bộ GD-ĐT muốn khuyến khích HS học nghề phổ thông. Và với qui chế này, có thể năm học sau sẽ có 100% HS học nghề phổ thông, nhưng không phải học để định hướng nghề nghiệp như mong muốn của Bộ GD-ĐT mà học để kiếm điểm khuyến khích. Và vì vậy thay vì học vi tính, HS sẽ chọn học đánh máy chữ, dinh dưỡng hay sửa chữa điện nhà cho bảo đảm!

 

HỌC SINH SẼ HỌC LỆCH?

 

Ngoài điểm thi nghề, qui chế tuyển sinh lớp 10 của Bộ GD-ĐT cũng không nhất quán trong ba phương án tuyển. Nếu như phương án “xét tuyển” và “thi kết hợp xét” đều tính đến quá trình học tập trong bốn năm học THCS thì phương án thi tuyển hoàn toàn không tính đến yếu tố này mà chỉ tính điểm qua ba môn thi.

 

Thậm chí xếp loại tốt nghiệp THCS cũng không được đưa vào điểm khuyến khích cộng thêm (những năm học trước xếp loại tốt nghiệp được tính thành điểm khuyến khích cộng thêm từ 1-2 điểm cho loại khá và giỏi).

 

Như vậy, điều kiện quyết định để vào được lớp 10 nằm ở ba môn thi. Nhiều hiệu trưởng tiên đoán một cách chắc chắn: “Với qui chế này, năm học sau HS sẽ học lệch để đối phó. Các em chẳng cần dốc sức học mười mấy môn, chỉ cần điểm trung bình học tập cuối năm đạt 3,5 điểm và thi nghề xếp loại trung bình là đủ để tốt nghiệp THCS. Thời gian dành tập trung học thêm các môn thi và học nghề phổ thông (ngay cả khi môn thi thứ ba Sở GD-ĐT có bí mật đến phút chót cũng không quan trọng vì chỉ hệ số 1). Và như vậy, mục tiêu giáo dục toàn diện của Bộ GD-ĐT xem như bị phá sản. Nên chăng, thay vì cho HS điểm khuyến khích thi nghề, bộ cần phải thay bằng điểm khuyến khích xếp loại tốt nghiệp thì mới khuyến khích HS cố gắng rèn luyện trong cả bốn năm học?

 

Mặt khác, với việc qui kết quả rèn luyện học lực và hạnh kiểm từng năm (trong cả bốn năm học) thành điểm xét tuyển lớp 10 "vẫn có gì đó không ổn", nhiều cán bộ quản lý dè dặt.

 

Mặc dù việc đánh giá học lực và hạnh kiểm ngang nhau (nhằm xem trọng việc rèn luyện đạo đức HS) nhưng việc đánh giá hạnh kiểm vốn cảm tính, chỉ một chút yêu ghét của giáo viên cũng có thể khiến đường vào lớp 10 của HS "suôn sẻ" hoặc "lao đao". Đó là chưa kể việc ngồi tính điểm xét tuyển của bốn năm học chắc chắn sẽ rất vất vả, mà nếu không có sự kiểm tra thì đây cũng là cửa ngõ cho tiêu cực.

 

Theo Edu.net

 

“Nới” quy chế tuyển sinh THPT

 

HỌC SINH ĐƯỢC ĐĂNG KÝ NGUYỆN VỌNG TRƯỚC KHI THI TUYỂN

 

Ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo quy chế tuyển sinh THPT, để tách khâu thi và khâu tuyển, Bộ GD-ĐT quy định, sau khi học sinh trúng tuyển mới đăng ký nguyện vọng và nhà trường xếp ban căn cứ vào phương án phân ban đã được phê duyệt; kết quả tuyển sinh và nguyện vọng, năng lực của học sinh trúng tuyển. Theo ông Tần, nếu thấy cần thiết, nhà trường có thể chọn phương án cho phép học sinh đăng ký nguyện vọng phân ban trước khi tổ chức tuyển sinh sau khi đã xin ý kiến của Sở GD-ĐT địa phương. Trong quá trình học tập, học sinh sẽ được chuyển ban một lần sau năm lớp 10 nhưng việc xem xét chuyển ban phải hết sức chặt chẽ.

 

Vẫn theo ông Lê Quán Tần, từ năm học 2006-2007, các địa phương phải kiên quyết xóa bỏ các lớp hệ B trong trường công lập. Để giải quyết số học sinh hệ B đang còn tồn đọng, các trường THPT yêu cầu các em vào học ở các trường ngoài công lập; trong trường hợp khó khăn, cần sắp xếp vào các trung tâm giáo dục thường xuyên.

 

L.NAM (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek