Thứ Sáu, 04/10/2024 20:17 CH
Phòng học bộ môn:
Tạo môi trường học tập hiệu quả
Chủ Nhật, 23/04/2006 09:01 SA

Để không tụt hậu và theo kịp các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các bậc học trong cả nước phải áp dụng những phương pháp tích cực khi tổ chức dạy và học. Đó là một việc làm đúng đắn và cấp bách. Nhằm thực hiện tốt chủ trương trên, để mỗi giờ học thêm phần lý thú, hấp dẫn học sinh, trong mỗi trường học không thể thiếu phòng học bộ môn. Chính phòng học bộ môn sẽ tạo nên một không gian học tập nghiêm túc, học sinh sẽ sớm được làm quen với môi trường khoa học, thầy giáo tiện lợi trong giảng dạy. Khi được học trong phòng bộ môn, học sinh sẽ không cảm thấy nhàm chán vì không gian mỗi phòng mỗi vẻ, rất riêng.  Ích lợi của phòng học bộ môn, ai cũng rõ.

 

060423-bm.jpg

Học sinh tiếp thu kiến thức tốt tại các phòng học bộ môn - Ảnh: Ngọc Thành

 

Có dịp thăm Cộng hoà Phần Lan, một quốc gia có nền giáo dục được đánh giá hiệu quả nhất thế giới, chúng tôi đã thăm hai trường trung học (một trường ở thị trấn Parola, được thành lập từ năm 1960 và một trường vừa mới xây ở thành phố  Hammelina, cả hai trường cách thủ đô Helsinki hơn 100km về phía bắc). Chúng tôi nhận thấy ở đó tất cả học sinh đều được học tại phòng học bộ môn theo thời khoá biểu chứ người ta không chia mỗi lớp làm chủ một phòng như ở ta. Môn học nào cũng có phòng bộ môn.  Mỗi giáo viên được phân công chịu trách nhiệm một phòng. Cứ đến giờ, học sinh sẽ đến với thầy giáo. Bằng lối tổ chức phòng học như thế này, tự nhiên các phòng học truyền thống (phấn trắng-bảng đen) bị xoá bỏ.

 

Tại các phòng bộ môn, chúng tôi thấy người ta đã đầu tư quá tốt. Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay,  đó là những phòng học mơ ước của chúng ta. TV, đầu máy, cassette, máy tính, projector, overhead, camera vật thể, bảng đen, bảng trắng (để viết bút dạ), các hệ  thống bảng biểu của bộ môn, các loại thước đo… được để sẵn. Phía cuối phòng bộ môn là một kho học cụ được nối với phòng học bằng cánh cửa lớn.

 

Vào phòng vật lý, chúng tôi thấy có kính viễn vọng. Tại phòng hoá, chúng tôi thấy có cả tủ sấy, cân tiểu ly để tính chính xác đến bốn số thập phân (mỗi món này có giá trị bằng bốn, năm chục triệu tiền Việt Nam). Ở phòng sinh vật, riêng bộ mẫu vật thật của hơn năm mươi loài chim và thú cũng đủ gây bất ngờ cho khách tham quan. Tất cả các món đồ được trang bị trong phòng bộ môn đều có giá trị sử dụng cao. Không bao giờ có tình trạng kém chất lượng hay thiếu đồng bộ đến mức không sử dụng được (Đối với ta, điều này hơi phổ biến).

 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng ghi nhận được không phải nhất nhất mọi thiết bị đều được làm sẵn, đều được trang bị mà khoảng 30% đồ dùng dạy học ở phòng bộ môn do thầy và trò cùng tìm kiếm, tạo nên để bổ sung bộ sưu tập ngày càng phong phú. Ví dụ, mô hình các phân tử ở phòng hoá học, sơ đồ mạch dẫn ở phòng vật lý, các giống cây được trồng trong chậu cảnh, bể kiếng nuôi các giống cá-tôm-cua và thực vật thuỷ sinh trong phòng sinh vật, bộ sưu tập các loại đá ở phòng địa lý…

 

Trong điều kiện hiện nay của ta, ngay từ bây giờ, nếu có định hướng và biết liệu cơm gắp mắm thì việc đầu tư, cả ý thức lẫn kinh phí, để xây dựng cho được các phòng học bộ môn trong nhà trường phổ thông không phải là điều không thể. Điều đáng lo lắng không phải là tiền mà chính là ý thức, tính tự chủ-đột phá-sáng tạo ở người cán bộ quản lý mỗi trường học.

 

Nếu Bộ triển khai phòng bộ môn đại trà trong phạm vi cả nước thì chỉ riêng quy định diện tích phòng bộ môn đã là rào cản lớn dẫn đến tình trạng bất khả thi. Tại Phần Lan, các phòng học cũng đâu có đồng đều nhau và cũng đâu cần phải rộng đến 72m2. Vấn đề cần quan tâm chính là học sinh sẽ học như thế nào trong phòng học ấy thôi.

 

Ngay lúc này, Bộ nên chỉ đạo, nêu định hướng về việc xây dựng phòng học bộ môn  ở các trường trung học trong toàn quốc. Sau đó, phát động toàn ngành phát huy tinh thần tự chủ-năng động-sáng tạo trong việc xây dựng phòng bộ môn, kêu gọi xã hội hoá vấn đề này nhằm đẩy mạnh việc dạy và học trong nhà trường, đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của xã hội trong lĩnh vực giáo dục thì ắt việc này sẽ đạt kết quả tốt. Bộ hãy làm cho các cán bộ quản lý giáo dục thấy rằng chính sức ỳ của người cán bộ quản lý, tính ỷ lại, luôn trông chờ cấp trên là những trở lực lớn đối với sự phát triển của ngành, là gián tiếp góp phần hạn chế sự phát triển của đất nước.

 

ĐOÀN NGỌC THÀNH

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek