Những năm gần đây, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trong cả nước rơi vào tình trạng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu đào tạo. Trên địa bàn Phú Yên có 6 trường đào tạo hệ TCCN, do lượng thí sinh dự thi không nhiều nên hầu hết các trường phải chuyển từ hình thức thi tuyển sang xét tuyển. Tình trạng này, xuất phát từ xu hướng học sinh “đổ xô” vào các trường ĐH, CĐ. Nhiều người cho rằng “Kiến thức học được từ bậc học TCCN không khác là mấy so với cách học ở THPT”. Thực tế hệ TCCN chưa thu hút học sinh do phương pháp giảng dạy chưa được đổi mới.
Học sinh ngành sắt - hàn trường CĐ công nghiệpTuy Hòa trong giờ thực hành - Ảnh: T. Haèng |
Thiếu nguồn ngân sách đầu tư là một trong những nguyên nhân chính khiến giáo dục TCCN luôn gặp khó khăn. Hệ thống thiết bị, kỹ thuật phục vụ thực hành, thí nghiệm vừa thiếu vừa lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Chính vì không có điều kiện để hiện đại hoá cơ sở vật chất, hạ tầng đã làm ảnh hưởng và hạn chế rất lớn đến chất lượng đào tạo. Để giải quyết khó khăn này, một số trường đã tìm hướng đi mới. Ông Trần Đắc Lạc, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hoà cho biết: “Hàng năm, lượng học sinh theo học TCCN của trường có đến vài ngàn em, năm nào nhà trường cũng bổ sung kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhưng vẫn chưa đủ cho nhu cầu thực hành. Để khắc phục, trường xây dựng mối quan hệ gắn bó với các công ty, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp để đưa học sinh đi thực tập. Thông qua hình thức này, trường nắm bắt những yêu cầu đòi hỏi của các nhà tuyển dụng, làm cơ sở cho việc đào tạo tốt hơn”. Cũng với cách làm này, Trường Cao đẳng Xây dựng số 3 đã “tiếp thị” học trò của mình đến nhà sử dụng lao động rất hiệu quả. 95% học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đều có việc làm.
Vấn đề cốt lõi để hệ đào tạo TCCN “sống” được là đầu ra. Tuy nhiên hiện nay có không ít trường chỉ lo đầu vào sao cho có nhiều học sinh, thu được nhiều tiền, còn buông lỏng đầu ra, học sinh sau khi ra trường thất nghiệp cứ dài dài làm mất lòng tin của mọi người về bậc học này. Các trường TCCN đủ khả năng thu hút học sinh hiện nay là nhờ họ biết cách giải quyết cho đầu ra. Muốn làm được việc này, các trường cần phải gắn công tác đào tạo với nhu cầu sử dụng sau khi ra trường.
Hiện nay chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế – dịch vụ có xu hướng phát triển mạnh (khoảng 28% học sinh theo học) trong khi các chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp (kỹ thuật) phát triển chậm (chỉ gần 18% học sinh theo học), chưa tương xứng với nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, công tác định hướng ngành đào tạo TCCN của chúng ta còn nhiều bất cập và không đồng đều ở các địa phương. Chính vì vậy, ngành nghề đào tạo ở bậc học này còn thụ động, đào tạo theo nhu cầu của người học hơn là nhu cầu của thị trường lao động. Thế mới có tình trạng, ngành học này ra được nhiều đơn vị “săn đón”, ngược lại, có những ngành người học rất khó có được việc làm theo đúng chuyên môn đào tạo. Một khi cân đối được chỉ tiêu và chọn được những ngành nghề đào tạo gắn với nhu cầu thực tế xã hội cần thì các trường không còn phải lo thiếu vắng học sinh.
Tuyển sinh 2006 đang vào mùa, điều mà các bạn học sinh, sinh viên cần quan tâm chọn ngành, được đào tạo có đáp ứng được nhu cầu xã hội đang cần hay không.
MẠNH THUÝ