Thứ Bảy, 05/10/2024 16:20 CH
Sân khấu hóa dạy – học văn
Thứ Hai, 06/03/2006 09:07 SA

“Để học sinh say mê Văn học, cần lôi cuốn các em vào tác phẩm, rung cảm trước niềm vui, nỗi buồn… của nhân vật, trước một hình ảnh, câu thơ hay. Nếu không, dù được cung cấp kiến thức, học trò cũng chỉ “nhại” lại những lời nói trong sách vở một cách nhàm chán” – cô giáo Lê Thị Phi Loan, tổ trưởng tổ Văn trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa) vừa nói vừa chỉnh sửa từng cử chỉ cho hơn 15 “ca sĩ” xúng xính trong áo tứ thân, áo bà ba.

 

 

Chương trình văn nghệ do CLB Văn học dân gian tổ chức được mở đầu bằng những bài dân ca mượt mà đặc trưng của ba miền Bắc, Trung, Nam. Xuyên suốt chương trình với 20 tiết mục hát, múa, hò-vè, tiểu phẩm…, thầy trò Trường THPT Trần Quốc Tuấn đã nêu bật những điểm đặc sắc của ca dao dân ca, sử thi, truyện cổ tích, truyện thơ… trong kho tàng Văn học dân gian. Với các học sinh, điều đó thật bổ ích. Một học sinh bộc bạch” Qua quá trình tìm hiểu cách thể hiện bài “Hò kéo lưới”, tụi em biết thêm về phong tục tập quán, cuộc sống lao động trên sông nước của người dân miền Trung”. Còn bạn Nguyễn Thị Lan Anh thì bảo: “Lớp em biểu diễn một trích đoạn trong “Sử thi Đam San”. Để thể hiện đạt hiệu quả, chúng em không chỉ đọc kỹ đoạn trích được học mà phải tìm đọc toàn bộ tác phẩm này”.

 

Học sinh tìm đến tác phẩm, đọc và cảm thụ tác phẩm – đây chính là cách để nâng cao chất lượng dạy – học môn Văn mà Trường THPT Trần Quốc Tuấn thử nghiệm thành công. Cô Loan cho biết: “Trong chương trình văn học của các cấp học hiện nay, văn học dân gian được phân phối khá khiêm tốn, chỉ có vài tiết. Trong khi để cảm được thể loại văn học này là điều không dễ dàng. Chẳng hạn, ở phần ca dao – tục ngữ, phần lớn các câu nói là những đúc rút kinh nghiệm, học sinh chưa hiểu hết hàm ý mà ông cha ta muốn nói. Sân khấu hóa là một trong những cách diễn giải nhanh nhất và dễ hiểu nhất”.

 

Học văn, trước hết học sinh phải đọc tác phẩm để hiểu đúng và cảm nhận tốt những vấn đề phản ánh trong tác phẩm. Đó không chỉ đơn giản là kiến thức mà còn là những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống kết tinh trong tác phẩm văn chương. Lâu nay, không ít người cứ bảo học sinh của chúng ta lười đọc, nghèo nàn câu chữ. Hậu quả là trong không ít bài kiểm tra, bài thi môn Văn học sinh hiểu lệch lạc vấn đề, lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Một nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp cận Văn học là một số giáo viên chưa biết cách khơi dậy sự hứng thú, say mê học văn trong học sinh.

 

Bằng hình thức sân khấu hóa, năm nào Câu lạc bộ Văn học Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh cũng tạo cho các em học sinh những sân chơi mang tính chất vừa chơi vừa học. Theo những người dạy Văn ở đây, thầy cô giáo là người hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc đọc tác phẩm của học trò, còn mỗi học sinh phải tự mình khám phá và cảm nhận tác phẩm để cho học sinh tìm đến tác phẩm, giáo viên phải biết sáng tạo trong quá trình truyền đạt. Để dạy – học Văn đạt hiệu quả thì cùng với sách giáo khoa, bài giảng của giáo viên, việc lấy đáp ứng của học sinh làm trung tâm cũng phải đặc biệt coi trọng.

 

Vốn liếng về Văn học là điều hết sức cần thiết đối với học sinh. Trên thực tế, không ít học sinh chỉ đọc một vài đoạn trích học trong chương trình dẫn đến những nhầm lẫn rất buồn cười. “Vốn liếng” nghèo nàn, hiển nhiên các em không thể học văn tốt, càng không thể say mê Văn học. Cải thiện bầu không khí học Văn hiện nay bằng hình thức sân khấu hóa là việc trong tầm tay của các trường.

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek