Thứ Bảy, 05/10/2024 16:28 CH
Giáo dục mầm non nông thôn:
Thay đổi cách dạy để đánh thức đầu tư
Thứ Bảy, 04/03/2006 10:17 SA

Lâu nay trong suy nghĩ của mọi người, mầm non được xem là bậc học nhẹ nhàng đối với người dạy, vì không đòi hỏi kiến thức nhiều. Với suy nghĩ như vậy nên trẻ đến trường chỉ cần được hát, múa, vui chơi là phụ huynh yên tâm con mình được học tốt. Do đó, trong một thời gian dài bậc học này dường như không được đầu tư gì cả.

 

Trường lớp phần lớn là phòng học tạm bợ, mượn trụ sở thôn... Mấy năm nay, cùng với TH, THCS, chương trình học mầm non được Bộ GD – ĐT triển khai nhiều chuyên đề dạy học mới như làm quen văn học, chữ viết, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp…

 

Học theo chương trình mới việc dạy và học được nâng lên một bước cao hơn, đó là giáo viên không những dạy cho học sinh biết hát, múa mà còn chuẩn bị cho các em những kiến thức cơ bản về cách đọc, viết, cảm nhận môi trường xung quanh, tạo nền móng vững chắc để trẻ chuẩn bị vào lớp 1.

 

Trẻ mầm non cần nhiều dụng cụ học tập trực quan - Ảnh: Mạnh Thúy

 

Cô giáo Phan Thị Tuyết Nhung, giáo viên trường mầm non bán công Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) cho biết: “Giáo viên mầm non bây giờ vừa đi dạy vừa phải tự tạo đồ dùng dạy học thì lên lớp mới hiệu quả được”.

 

Vừa nói cô Nhung vừa hướng dẫn cho chúng tôi xem những đồ dùng dạy học rất ngộ nghĩnh do mình tự làm gồm: những con rối di động,  thú nhồi bông, mô hình vườn cổ tích và rất nhiều tranh ảnh, chữ viết… rất sinh động. Trong giờ đọc mẫu bài thơ “Gấu qua cầu”, để thể hiện được nội dung bài thơ với hình ảnh 2 chú Gấu đang tranh giành quyết liệt qua cầu, cô Dung sử dụng động tác kéo rối để 2 chú Gấu cùng nghiêng qua, nghiêng lại rồi kết hợp với giọng điệu của câu thể hiện bài giảng.

 

Với cách dạy cho trẻ quan sát những hình ảnh sinh động của nhân vật trong bài thơ đồng thời cho trẻ làm quen với những từ ngữ bằng hình ảnh, kết quả tiết dạy và chất lượng đọc thơ của trẻ được nâng lên rõ rệt.

 

Sử dụng đồ dùng dạy học để giảng dạy, đây là một sự cố gắng rất lớn đối với giáo viên mầm non nông thôn. Kinh phí dành cho bậc học này được lấy từ 3 nguồn: kinh phí do tỉnh , huyện cấp, thu học phí và trích từ ngân sách xã. Kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị được lấy từ ngân sách xã, huy động sự đóng góp của nhân dân.

 

Kinh phí hoạt động như thế này, nhiều trường học ở thành phố còn gặp khó khăn huống hồ là nông thôn. Vậy nên để dạy và học đạt hiệu quả, không còn cách nào khác là bản thân giáo viên phải nỗ lực. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng chất lượng dạy học không đồng đều ở các địa phương.

 

Bà Trần Thị Kim Tuyết, Phó trưởng phòng mầm non – tiểu học Sở GD – ĐT tỉnh nói: “Với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ mầm non nên việc dạy học rất cần những hình ảnh, đồ dùng để tạo sự hứng thú cho trẻ. Nơi nào có sự chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương và phụ huynh thì trẻ có điều kiện được chăm sóc giáo dục tốt. Còn ngược lại chỉ phó mặc cho giáo viên thì không tránh khỏi vấn đề: cô nào tâm huyết với nghề thì làm, còn không thì dạy chay học chay”.

 

Việc đầu tư cơ sở vật chất trường lớp không phải là một nhiệm vụ có thể hoàn thành trong một sớm một chiều, cũng không phải chính quyền địa phương ý thức được điều đó là có ngay kinh phí để đầu tư cho việc xây dựng. Điều quan trọng là việc thay đổi cách dạy và học đã chỉ ra cho những người có trách nhiệm nhận thấy những cái thiếu mà lâu nay vì lý do này hay lý do khác họ chưa thực sự nhận thấy một cách tích cực.

 

Trong 9 huyện, thành phố của tỉnh thì huyện Phú Hòa đang là địa phương đi đầu trong việc “cải tổ” hệ thống trường lớp của bậc học này. Hiện trường lớp mầm non nơi này đều được tiến hành xây mới. Trong đó, đã có 2 trường mầm non bán công Hòa Quang Bắc, Hòa Quang Nam được xây dựng kiên cố theo quy mô nhà cấp 3, hai tầng đúng với quy định trường chuẩn quốc gia. Theo ông Nguyễn Văn Học, Trưởng phòng giáo dục huyện cho biết thì toàn huyện phấn đấu đến năm 2008,100% trường mầm non trong huyện sẽ được tầng hóa đạt chuẩn quốc qia.

 

Một giáo viên tâm sự: “Phải hình thành cho các em những phẩm chất đạo đức cũng như kiến thức sơ đẳng để các em có một tâm trí tốt chuẩn bị vào lớp 1 là một nhiệm vụ khá nặng đối với giáo viên mầm non. Trong khi kinh phí dành để mua sắm đồ dùng dạy học ở bậc học này rất hạn chế, hầu hết giáo viên phải tự bỏ tiền túi để làm. Nếu tình trạng này cứ kéo dài thì chúng tôi khó mà kham nổi”.

 

Mẫu giáo là cái móng vững chắc, là cơ sở bảo đảm cho việc xây dựng ngôi nhà học vấn phổ thông. Bằng trải nghiệm của bản thân, mỗi cô giáo dạy trẻ đều biết rõ, rất nhiều hiểu biết, kĩ năng và thói quen tốt đẹp được hình thành từ bậc học này và sẽ theo các em về sau này. Các thầy cô giáo mẫu mực và tâm huyết sẽ biết cách để lại dấu ấn trong học trò nhỏ của mình từ nét chữ, cách xưng hô, ứng xử trong giao tiếp và đến cả cách ăn mặc gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ.

 

Mong rằng xã hội nên có cái nhìn tích cực hơn để có sự đầu tư thích đáng cho bậc học này. Một khi cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư tương xứng thì sự cố gắng, nỗ lực của giáo viên trong quá trình đổi mới mới đem lại hiệu quả đồng bộ.

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek