Năm học 2018-2019, nhiều khả năng hàng trăm ngàn học sinh lớp 9 trong cả nước sẽ không được cộng điểm khuyến khích khi xét tuyển vào lớp 10 như những năm trước.
Đặc biệt học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở GD-ĐT tổ chức ở cấp THCS cũng không được cộng điểm khuyến khích khi xét tuyển vào lớp 10. Đó là do dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và THPT mà Bộ GD-ĐT mới công bố đã bỏ quy định việc Sở GD-ĐT quy định cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10.
Dự kiến này đang làm cho nhiều học sinh, phụ huynh học sinh và các nhà giáo băn khoăn. Anh Phạm Văn Tịnh ở huyện Phú Hòa cho rằng, việc bỏ cộng điểm học nghề vào tuyển sinh lớp 10 là hợp lý vì lâu nay học nghề đối với không ít học sinh chỉ như một biện pháp “cứu cánh”, tìm điểm cộng trước các kỳ thi chứ học sinh học nghề chưa hẳn là mục đích học nghề thật. “Năm học 2015-2016, con gái tôi đạt học sinh giỏi 4 năm liền cấp THCS nhưng vẫn không trúng tuyển vào lớp 10 Trường THPT Nguyễn Huệ vì không có điểm cộng học nghề. Trong khi học nghề đối với học sinh THCS chỉ là khuyến khích. Do điều kiện gia đình khó khăn nên hồi đó con tôi không đi học nghề, nhưng chính vì không có điểm cộng học nghề mà con tôi bị trượt vào trường này”, anh Tịnh nhớ lại.
Chia sẻ về dự thảo của Bộ GD-ĐT liên quan đến việc bỏ cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT, nhiều nhà giáo thận trọng hơn. “Thực tế cho thấy việc dạy nghề cho học sinh ở bậc THCS vẫn còn hạn chế, nhiều nơi còn hình thức nên không tạo được động lực cho học sinh trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp. Mặt khác, nhiều học sinh chọn thi nghề là vì điểm cộng chứ không phải vì định hướng nghề nghiệp. Vô hình chung việc học nghề đã trở thành “phao cứu cánh” cho nhiều học sinh vào lớp 10, điều này khiến cho việc thi nghề không còn ý nghĩa như mục tiêu ban đầu.
Theo tôi, việc bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý nhằm tạo sự công bằng cho học sinh trong học tập cũng như thi cử. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những học sinh học nghề để kiếm điểm cộng, còn với những học sinh học nghề vì yêu thích và nếu các cơ sở đáp ứng được nhu cầu học nghề thực chất thì việc này Bộ GD-ĐT cần xem xét lại, đừng để học sinh nghĩ học nghề là không cần thiết nữa”, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ Trần Bảy nói.
Theo Sở GD-ĐT, dù không còn được cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10 nhưng kết quả thi nghề của học sinh THCS vẫn được sử dụng để khuyến khích trong việc xét tốt nghiệp THCS theo quy chế hiện hành. Các trường cũng cần phải hiểu rằng, bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề không có nghĩa là chúng ta bỏ dạy nghề cho học sinh.
Có nhiều cách dạy, cách học khác nhau, các trường có thể tổ chức sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và đảm bảo chất lượng cao nhất để góp phần phân luồng học sinh ngay từ bậc THCS. “Khi việc học nghề đáp ứng được xu hướng, yêu cầu phát triển của xã hội, loại bỏ được những nội dung không còn phù hợp thì vẫn thu hút được học sinh tham gia, đồng thời trả lại đúng ý nghĩa, mục đích của đào tạo nghề”, ông Phạm Ngọc Thơ, Trưởng Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT Phú Yên, nói.
MẠNH THÚY