Thứ Ba, 22/10/2024 15:50 CH
Để trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng
Thứ Tư, 27/12/2017 09:05 SA

Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh dạy vẽ cho trẻ tự kỷ - Ảnh: THÁI HÀ

Dạy trẻ bình thường đã không dễ, dạy trẻ tự kỷ còn khó khăn gấp nhiều lần. Nhưng với tình yêu thương của gia đình, sự dạy dỗ của nhà trường, sự động viên hỗ trợ của cộng đồng, trẻ tự kỷ sẽ tự tin phát triển khả năng, các giá trị khác của bản thân để hòa nhập với cộng đồng. 

 

Kiên trì bằng tình yêu thương và niềm tin

 

Chị N.T.M.T ở xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa) có một bé trai 5 tuổi. Cháu phát hiện bị tự kỷ 2 năm trước với các biểu hiện như không biết nói chuyện, giảm trí nhớ, không tập trung, không thể hiện được ý muốn… Khi thấy con có biểu hiện khác lạ so với những đứa trẻ bình thường, chị T đã đưa con đến khám tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh và bác sĩ kết luận con chị bị hội chứng tự kỷ. Không thể cho con học ở trường bình thường, chị tìm đến một cơ sở giáo dục chuyên biệt có uy tín để cho con học với mức học phí khá cao; đồng thời cố gắng dành nhiều thời gian gần gũi, chăm sóc con với hy vọng tình trạng của con được cải thiện.

 

“Tôi bận đi làm suốt ngày nên không có nhiều thời gian chăm sóc con. Lúc nhỏ, cháu được bà nội chăm một thời gian, sau đó tôi gửi cháu ở một cơ sở giữ trẻ. Khi thấy con chậm nói, nhưng công việc bận rộn nên tôi chủ quan đưa con đi khám trễ. Bây giờ tôi chỉ biết cố gắng dành nhiều thời gian cho con, chăm sóc con với mong muốn con sẽ dần phát triển bình thường”, chị T chia sẻ.

 

Chia sẻ về việc dạy trẻ tự kỷ, cô Nguyễn Thị Mỹ Huệ, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh cho biết, dạy trẻ bình thường khó một thì dạy trẻ tự kỷ khó hơn cả ngàn lần. Một việc làm rất nhỏ, một từ rất đơn giản với các con phải mất rất nhiều thời gian mới có thể làm thành thạo. Vì vậy, người dạy trẻ tự kỷ phải tâm huyết với nghề, yêu thương trẻ, chịu khó nghiên cứu tài liệu để can thiệp giúp trẻ có thể phát triển và tham gia đầy đủ vào cuộc sống gia đình, cộng đồng.

 

Ngoài việc dạy tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, cô Huệ còn mở Cơ sở giáo dục kỹ năng sống Sao Mai dành cho những trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ bị tự kỷ. Theo cô Huệ, trẻ tự kỷ có nhiều khả năng phát triển bình thường trở lại tùy theo khả năng ban đầu của trẻ và sự can thiệp của những người có chuyên môn. Với kinh nghiệm nhiều năm dạy trẻ tự kỷ, cô Huệ có phương pháp để can thiệp giúp trẻ cải thiện tình hình, nhẹ thì vài tháng, thể nặng phải kéo dài nhiều năm.

 

“Việc phát hiện và can thiệp sớm tích cực cho trẻ tự kỷ từ 18 tháng đến 6 tuổi có thể cải thiện nhiều kết quả về nhận thức, ngôn ngữ, tương tác xã hội, hành vi... giúp trẻ sớm đến trường hòa nhập. Kết quả của can thiệp sớm là tiền đề và điều kiện tiên quyết đảm bảo sự thành công của giáo dục hòa nhập cho trẻ sau này. Đồng thời, can thiệp sớm trẻ tự kỷ lứa tuổi mầm non sẽ quyết định liệu trẻ có thể phát huy hết tiềm năng của mình hay trẻ cần hỗ trợ của giáo dục đặc biệt suốt đời. Tôi đã từng gặp nhiều trẻ tự kỷ và rất nhiều em trong số đó sau khi được can thiệp, hỗ trợ đã hòa nhập tốt, học rất giỏi”, cô Huệ cho biết.

 

Không chỉ dạy trẻ tự kỷ ở các cơ sở chuyên biệt, hàng tuần, các giáo viên làm công tác giáo dục hòa nhập của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh đến các trường có trẻ khuyết tật theo học để khảo sát, tư vấn cho giáo viên cách giao tiếp với trẻ, hỗ trợ xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ, hướng dẫn phụ huynh cách xử lý tình huống, hỗ trợ điều trị cho trẻ khi cần.

 

Tôn trọng sự khác biệt và đồng hành cùng trẻ

 

Theo ông Võ Kim Long, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh, những nghiên cứu khoa học mới nhất về chứng tự kỷ chỉ ra rằng, tự kỷ là một khuyết tật phát triển kéo dài suốt đời do những rối loạn sinh học tiềm ẩn. Tuy nhiên, người mắc chứng tự kỷ vẫn có thể phát triển các khả năng và giá trị khác của bản thân khi được chia sẻ, quan tâm, hỗ trợ đúng cách, được cộng đồng chấp nhận các biểu hiện tự kỷ như một sự khác biệt trong tính cách và giao tiếp.

 

Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên là cơ sở giáo dục công lập có dạy trẻ tự kỷ ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, có một thực tế rằng, kỷ là một bệnh mới nên sự hiểu biết trong cộng đồng còn rất kém, cha mẹ thường giấu bệnh của con và không có cách can thiệp đúng mức.

 

Bạn bè của các em cũng có cái nhìn xa lánh, kỳ thị. Bên cạnh đó, ở các trường học có trẻ tự kỷ theo học, giáo viên chưa được đào tạo kỹ năng giảng dạy chuyên biệt. Theo cô Nguyễn Thị Mỹ Huệ, ngoài giải pháp đưa trẻ đến các cơ sở chuyên biệt để được can thiệp sớm, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tự kỷ, đặc biệt trong môi trường học đường cũng như phụ huynh cần hiểu rõ hơn về trẻ tự kỷ, chấp nhận sự khác biệt của trẻ là cách giúp trẻ có cơ hội hòa nhập tốt hơn.

 

Nhấn mạnh vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng, ông Võ Kim Long cho rằng: “Trẻ bị tự kỷ đã là một thiệt thòi, vậy nên các bậc phụ huynh hãy thấu hiểu con mình và đồng hành cùng con bằng sự hiểu biết, tận tâm và kiên trì; cộng đồng cần có cái nhìn đúng đắn về trẻ tự kỷ. Các thầy cô dạy trẻ tự kỷ chỉ có thể cố gắng để giúp đỡ các em làm từng việc nhỏ nhất để hoàn thiện bản thân, trong khi người thân, bạn bè, những người sống xung quanh trẻ tự kỷ sẽ là người giúp các em hòa nhập với cuộc sống tốt nhất”.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek