Quốc hội vừa cho phép lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) mới tối đa 2 năm là để ngành Giáo dục chuẩn bị kỹ hơn, bảo đảm triển khai hiệu quả.
Nói về công tác chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT mới, TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho rằng điều quan trọng khi thực hiện chương trình mới là các điều kiện phải đồng bộ về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và chương trình, SGK.
TS Phạm Văn Cường |
* So với chương trình hiện hành, chương trình GDPT tổng thể mới có điểm gì khác, thưa ông?
- So với chương trình hiện hành, chương trình mới vừa thông qua được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện và chuyển hướng để phát triển năng lực, phẩm chất người học. Theo định hướng này, kiến thức được dạy không nhằm mục đích tự thân mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống, nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học.
Đáng chú ý, chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.
Do đó, chương trình GDPT mới sẽ có nhiều thay đổi, từ kế hoạch giáo dục đến nội dung, phương pháp giảng dạy. Nếu như trước đây, chương trình cũ dạy theo hình thức đơn môn thì ở chương trình mới sẽ là tổng hợp kiến thức với những môn học mới, có một số môn tích hợp và các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo. Những thay đổi này đòi hỏi giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Không chỉ có chức năng truyền đạt kiến thức mà giáo viên còn là những người hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục, tư vấn và giúp đỡ học sinh.
* Theo ông cần quan tâm đến những vấn đề gì khi triển khai chương trình GDPT mới?
- Quốc hội cho phép lùi thời hạn áp dụng chương trình, SGK GDPT mới theo hình thức cuốn chiếu, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT. Như vậy là lùi thời gian triển khai chương trình mới tối đa 2 năm với mỗi cấp học. Dù thời gian thực hiện lùi lại 2 năm, song nếu chúng ta chủ quan trong khâu chuẩn bị thì khó có thể đảm bảo được mục tiêu mà chương trình đổi mới đề ra.
Tại hội nghị giám đốc các sở GD-ĐT về tiếp tục triển khai việc xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SKG GDPT mới do Bộ GD-ĐT tổchức, bộ cho biết mọi công việc để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình, SGK GDPT mới đang được tiến hành khẩn trương.
Trong đó những vấn đề mà các sở GD-ĐT cần triển khai đó là chủ động rà soát đội ngũ giáo viên, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện chương trình, SGK GDPT và có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học, báo cáo bộ trước ngày 30/6/2018. Thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp và có biện pháp giải quyết đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn; chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.
Bên cạnh đội ngũ giáo viên, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học cũng là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công chương trình mới. Tuy nhiên, sự đầu tư này không thể thực hiện ngay trong một sớm một chiều mà sẽ được thực hiện từng bước, theo điều kiện cơ sở vật chất đang có của các trường hiện nay. Vừa qua, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường rà soát, điều chỉnh các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cơ sở vật chất trường, lớp học phù hợp với chương trình GDPT mới và điều kiện thực tế của các địa phương.
Chương trình mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực của học sinh nên đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cách dạy. Trong ảnh: Một giờ học của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ - Ảnh: THÚY HẰNG |
Trên cơ sở đó, sở tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh về việc tăng cường cơ sở vật chất cho các trường. Bên cạnh đó, các trường cũng phải phát huy cao độ tính chủ động, tự chủ trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình GDPT, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.
* Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có vai trò then chốt trong thực hiện đổi mới chương trình GDPT mới. Theo ông, cần làm gì để xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng được yêu cầu khi áp dụng chương trình này?
- Thuận lợi của ngành Giáo dục Phú Yên là trên 98% giáo viên có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn. Hiện nay, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học, nhưng thực hiện đổi mới vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài trình độ, năng lực thì vấn đề cơ cấu đội ngũ không gắn thực tiễn, những quy định về hoạt động nghề nghiệp mang tính hình thức, tạo áp lực đang là rào cản để giáo viên thực hiện đổi mới.
Trong khi để thực hiện đổi mới chương trình GDPT này, cán bộ quản lý và giáo viên là lực lượng nòng cốt. Các thầy cô có quyết tâm đổi mới thì quyết tâm của lãnh đạo mới biến thành hiện thực, sự đồng thuận của cộng đồng, xã hội mới được phát huy.
Trong giai đoạn hiện nay, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên là sứ mệnh quan trọng. Từ nay đến khi chương trình GDPT mới chính thức được áp dụng, ngành Giáo dục có rất nhiều việc phải làm, từ khâu bồi dưỡng giáo viên cho đến việc đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông mới.
Trong thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, kiến thức của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý nhà giáo để đáp ứng hai khâu then chốt là đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ. Toàn xã hội đều hy vọng chương trình GDPT mới sẽ tạo được chuyển biến mới trong giáo dục. Vì vậy, để thực hiện thành công chương trình GDPT mới cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền; sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là sự quyết tâm của các thầy cô trong toàn ngành. Đó là những điều kiện tiên quyết để thực hiện chương trình mới.
Xin cảm ơn ông!
THÚY HẰNG (thực hiện)