Hơn chục năm nay, bước chân của những người bán hàng rong đến từ Quảng Ngãi len lỏi khắp hẻm phố, đường quê với nhiều mặt hàng phong phú. Đằng sau mỗi gánh hàng rong là một cảnh đời với những trăn trở về cơm áo gạo tiền, về việc học hành cho con cái.
In dấu chân trên mọi nẻo đường
Chỉ tranh thủ về quê vào dịp cao điểm vụ mùa nông nghiệp hay những dịp quan trọng trong năm, còn lại thời gian của những người làm nghề buôn bán hàng rong đến từ Quảng Ngãi là những ngày rong ruổi trên những nẻo đường từ góc phố đến làng quê để chắt chiu từng đồng tiền lo cho bản thân và gia đình.
Ở khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa) đã thành lệ, cứ vài tháng, những dì, những cô lớn tuổi trong xóm lại trông chờ bà Nguyễn Thị Bốn, người Đức Phổ (Quảng Ngãi), một người phụ nữ tuổi ngoài 50, tính tình vui vẻ vào trong xóm bán bánh cốm, bánh tráng, nón lá, heo con từ Quảng Ngãi. Từ hơn 10 năm nay, dù việc vào xóm có lúc nhặt, lúc thưa nhưng bà Bốn luôn được bà con trong xóm chào đón như người quen. Như nhiều người Quảng Ngãi đi bán hàng rong, dù bao mùa mưa nắng qua đi, đôi chân của bà Bốn vẫn miệt mài mưu sinh, lo toan cho gia đình.
Đang giữa trưa nắng nóng, hơi của nhựa đường bốc lên như phả vào mặt nhưng ông Võ Đông (ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn mang một xách hàng rong trên đường phố Tuy Hòa. Khi được mời vào một quán nước để nghỉ chân và hỏi chuyện, ông Đông bối rối một lát rồi gật đầu đồng ý. Trong câu chuyện dông dài, ông Đông cho biết, hơn 10 năm nay, có bao lớp người thay nhau đến đây bán rồi rời đi, nhưng ông vẫn trụ lại.
Ở thành phố này, ông có một căn phòng trọ mà ở đó những người cùng quê ở chung với nhau. Cứ sáng sớm, mỗi người một việc, lục đục sắp xếp hàng hóa, quảy gánh hàng trên vai, có người chở trên xe máy, đi qua các hẻm nhỏ, về các vùng quê hoặc len lỏi vào những con đường của thành phố. Đến tối, khi phố phường thưa vắng người, họ mới quay về, ngả lưng một đêm rồi sáng sớm mai lại bắt đầu cho một ngày làm việc mới.
Ông Đông cho biết, hiện ở TP Tuy Hòa có 2 khu trọ tập trung khá đông người Quảng Ngãi là khu trọ ở phường 5 dành cho người bán rong những món đồ lặt vặt và xóm trọ gần bến xe Thuận Thảo là nơi tập trung nhóm người chuyên bán dao kéo, bánh cốm, chổi lông gà...
“Cách đây 3-4 năm, những người xứ Quảng chúng tôi vào đây buôn bán rất được. Lời lãi nhiều thì không có nhưng cũng đủ lo cho gia đình. Để đỡ chi phí, mỗi năm tôi chỉ về quê hai lần còn các dịp tết hay lễ, tôi đều phải ở lại để buôn bán. Nay làm ăn có phần khó khăn hơn vì nhiều người các tỉnh phía Bắc cũng vào buôn bán, cạnh tranh gắt gao hơn nhiều”, ông Đông cho biết.
Cho con vững bước đến trường
Từ những vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Ngãi, người bán hàng rong đổ về các tỉnh, thành phố với bao nỗi lo toan. Trong những nỗi lo thường trực, ngoài miếng cơm manh áo thì cái chữ cho con được họ đặt lên hàng đầu. Bởi, dù việc buôn bán dẫu có sớm khuya vất vả, đồng tiền kiếm được có thấm đẫm mồ hôi nhưng các con ở quê được học hành, bước vào giảng đường đại học là động lực mạnh mẽ để những bước chân hàng rong bớt đi phần mỏi mệt.
Ông Võ Văn Hiển (ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) có 3 người con đã tốt nghiệp đại học. Thời gian các con chưa ra trường là những ngày ông Hiển làm việc quên giờ giấc để có đủ tiền lo cho các con. “Nhà tôi có 4 sào ruộng, 2 con bò nên công việc đồng áng cũng làm suốt chứ không rảnh rang. Tuy nhiên, khi các con vào đại học, mọi chi phí đều tăng đột biến.
Để có tiền lo cho con ăn học, việc đồng áng để lại cho vợ cáng đáng, tôi đi vào các tỉnh, thành phố phía Nam để bán hàng. Từ Bình Định chạy dọc vào TP Hồ Chí Minh, nơi nào tôi cũng dừng chân, nhiều thì nửa năm, ít thì một tháng. Nhờ vậy mà lần lượt ba đứa con cũng vào đại học. Sau khi tốt nghiệp, cả ba con đều có việc làm ổn định và yên bề gia thất. Bây giờ, áp lực kiếm tiền cũng không nhiều như trước, nên tôi tranh thủ lúc khỏe làm việc được thì cứ làm, mệt thì nghỉ, chứ hồi trước, có mệt đến đâu cũng không dám nghỉ bữa nào”, ông Hiển bộc bạch.
Còn ông Võ Đông, có hai con, một người đã tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định, đứa còn lại cũng kiếm được việc làm trong một công ty ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều năm qua, ông Đông cũng đi buôn bán, chắt chiu để con cái được ăn học. “Giờ các con đã có công việc ổn định, nhưng công việc này làm riết thành quen, nên mình vẫn cứ tiếp tục. Công việc xa nhà để kiếm tiền đỡ áp lực nên trong năm hễ đến vụ mùa thì quay về quê 1-2 tháng để phụ vợ sạ lúa, cắt lúa; những ngày giỗ kỵ, lễ tết về nhà thời gian cũng dài hơn”, ông Đông chia sẻ.
Hầu hết những người Quảng Ngãi mưu sinh bằng nghề bán hàng rong ở Phú Yên hay ở các tỉnh thành phố khác, mỗi người có một hoàn cảnh riêng, một nỗi lo toan riêng. Có những cặp vợ chồng trẻ gửi con cho ông bà đi bán vài tháng mới về, những người trung niên thì lo tiền nuôi con vào đại học, khi con cái đã trưởng thành thì chắt chiu, lo cho tuổi già… Trên bước đường mưu sinh nhọc nhằn ấy, những người làm cha làm mẹ luôn mong muốn đồng tiền mình chắt chiu được sẽ giúp thay đổi cuộc đời của con cái, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho các con.
THÁI HÀ