Thứ Bảy, 05/10/2024 20:15 CH
Để nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Thứ Ba, 21/02/2006 14:22 CH

Trong thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Ngành Giáo dục luôn được quan tâm để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Song sự nghiệp giáo dục – đào tạo hiện nay đòi hỏi nhà giáo không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy, đặc biệt là trong thời kỳ cả nước đang triển khai thực hiện chương trình đổi mới giáo dục phổ thông. Do đó, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, các cấp quản lý giáo dục cần có một số biện pháp khả thi. Đó là:

 

- Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý (CBQL) và giáo viên về tầm quan trọng và tính cấp thiết của công tác bồi dưỡng CBQL và giáo viên.

 

Giáo viên rất cần được chuẩn hóa nâng chuẩn - Ảnh: Thúy Hằng

 

Trước hết phải làm cho các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương, cho từ CBQL đến đội ngũ giáo viên  phải nhận thức được vị trí và tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng, làm rõ mối quan hệ giữa bồi dưỡng giáo viên với sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo, từ đó xác định trách nhiệm, tinh thần tự giác học tập và vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn giảng dạy. Ở đâu CBQL giáo dục nhận thức đúng về bồi dưỡng nhà giáo thì ở đó công tác bồi dưỡng đảm bảo được kế hoạch, được coi trọng và triển khai có hiệu quả.

 

- Điều tra khảo sát, qui hoạch và lập kế hoạch bồi dưỡng giáo viên.

 

Căn cứ vào chiến lược phát triển giáo dục của các cấp quản lý giáo dục, các nội dung và hướng dẫn tổ chức thực hiện bồi dưỡng giáo viên theo quy định của Bộ GD – ĐT, thực trạng đội ngũ và yêu cầu bồi dưỡng giáo viên của địa phương, xây dựng đề án và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên từ Sở GD - ĐT đến phòng GD - ĐT và các trường. Cần có kế hoạch tổng thể, kế hoạch từng năm học, học kỳ, phân công nhiệm vụ, đề ra biện pháp, chỉ tiêu; có kiểm tra, đánh giá, sơ kết, rút kinh nghiệm. Hướng dẫn giáo viên dựa vào kế hoạch của các cấp quản lý giáo dục xây dựng kế hoạch cho tổ, nhóm và bản thân từng giáo viên trong việc nâng cao năng lực dạy học, năng lực giáo dục học sinh, quản lý trường, lớp.

 

- Đổi mới và cải tiến nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức bồi dưỡng giáo viên.

 

Trên bục giảng, giáo viên không những là người có kiến thức mà còn phải có phương pháp truyền đạt tốt, hấp dẫn được học sinh. Ngoài ra, giáo viên còn phải sử dụng những công cụ hỗ trợ cho việc dạy học của mình như lời nói, chữ viết, phong cách diễn đạt, sự khéo léo ứng xử sư phạm, … để tác động đến học sinh. Bồi dưỡng giáo viên chính là cung cấp cho người giáo viên những điều kiện và cơ hội tốt hơn để họ nâng cao năng lực, tạo được uy tín và sức thuyết phục cao trước học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng. Do đó, các nội dung cơ bản cần phải tập trung bồi dưỡng cho giáo viên đó là: Nâng cao ý thức, thái độ, tình cảm nghề nghiệp của nhà giáo; nâng cao kiến thức chuyên môn; sử dụng thiết bị dạy học và cách đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá  chất lượng dạy…

 

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của các trường sư phạm.

 

Lâu nay, chúng ta thường tập trung vào chức năng đào tạo mà có lúc xem nhẹ chức năng bồi dưỡng, đào tạo lại. Nếu đào tạo một đội ngũ giáo viên sau khi tốt nghiệp ra trường mà chưa thực hiện được hoặc còn khiếm khuyết, bất cập trước những yêu cầu đổi mới, thì các trường sư phạm không thể từ chối trách nhiệm và phải tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên đó.

 

Giải pháp quản lý để nâng cao chất lượng bồi dưỡng giáo viên là phải tăng cường vai trò trách nhiệm của các trường sư phạm trong mọi khâu của công tác bồi dưỡng giáo viên. Khi đã coi đó là một nhiệm vụ chính trị của mình, trường sư phạm chủ động tham gia nhiều hơn vào mọi khâu trong quá trình bồi dưỡng giáo viên như khảo sát trình độ giáo viên, xây dựng nhu cầu bồi dưỡng, tổ chức thực hiện, đánh giá rút kinh nghiệm …

 

- Xây dựng cơ chế phối hợp trong tổ chức bồi dưỡng giáo viên

 

Bồi dưỡng giáo viên là một hoạt động có quy mô rộng, thường xuyên và liên tục, do đóù đòi hỏi một cơ chế phối hợp tổ chức và hoạt động tương đối ổn định . Việc phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý giáo dục trong công tác bồi dưỡng giáo viên tiến hành đồng thời với việc đẩy mạnh phân cấp quản lý bồi dưỡng giáo viên, phát huy quyền tự chủ, độc lập, sáng tạo của cấp dưới và cơ sở. Từ đó các sở, các phòng, các trường và trung tâm một mặt thực hiện tốt sự chỉ đạo của Bộ GD - ĐT về bồi dưỡng giáo viên đồng thời có kế hoạch riêng phù hợp với yêu cầu của giáo viên, tình hình thực tiễn của địa phương.

 

- Khuyến khích và hỗ trợ cho giáo viên tự bồi dưỡng.

 

Trong tình hình hiện nay, muốn tiến hành bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên thì phương pháp tự học, tự bồi dưỡng kết hợp với sự hướng dẫn của một đội ngũ cốt cán đủ trình độ là phù hợp và tối ưu. Tuy nhiên, với phương thức này cần bảo đảm một nguyên tắc cơ bản là phải tổ chức quản lý cho được khâu tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên. Một khi giáo viên có tâm lý trông chờ, lệ thuộc vào người khác đem đến cho mình những kiến thức, kỹ năng; không xác định tự mình phải tìm kiếm kiến thức thì việc bồi dưỡng giáo viên trở nên thụ động, đối phó, áp đặt và không đạt kết quả.

 

Cho dù tự học, tự bồi dưỡng là ý thức của mỗi giáo viên và người làm công tác quản lý giáo dục, song để nó trở thành một động lực mạnh mẽ, một hoạt động ổn định, bền vững, phổ biến trong đội ngũ CBQL và giáo viên, ngay trong hệ thống giáo dục cần có những chính sách để khuyến khích, thu hút người giáo viên chịu khó tự bồi dưỡng và phải có cơ chế để giáo viên được thi thố, có môi trường để họ thể hiện mình, chiếm lĩnh được giá trị và vị trí cao hơn.

 

Th.S TRẦN NGỌC HIỆP

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek