Sau hơn 2 tháng, Thông tư 22 (thay thế Thông tư 30) về đánh giá học sinh tiểu học có hiệu lực, đến nay, tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đều vận dụng thực hiện khá tốt, nhận được sự đồng thuận cao của giáo viên, phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, để việc đánh giá học sinh theo thông tư mới này đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực, giáo viên cần sớm nắm bắt ma trận ra đề kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT.
Đồng tình cao
Theo Thông tư 22, các môn học Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học phải có bài kiểm tra định kỳ. Đối với lớp 4, 5 có thêm bài kiểm tra giữa học kỳ ở môn Tiếng Việt và Toán. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm tra định kỳ, đề kiểm tra định kỳ gồm các câu hỏi, bài tập và được thiết kế theo 4 mức độ: nhận biết, hiểu, biết vận dụng và biết vận động các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới một cách linh hoạt. Trên cơ sở khung ma trận, các trường học vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế; đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh.
Hiện tại, 169 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành công tác kiểm tra đánh giá định kỳ cuối học kỳ I. Tại Trường tiểu học Sông Cầu (TX Sông Cầu), với quan điểm bài kiểm tra cuối kỳ nhằm nắm bắt tình hình học sinh, giáo viên không tạo áp lực cho các em, nên việc tổ chức kiểm tra diễn ra khá nhẹ nhàng, không gây căng thẳng, tạo tâm thế cho các em bình tĩnh, tự tin thể hiện hết năng lực, kiến thức. Thầy Huỳnh Minh Đăng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Đề kiểm tra do Ban giám hiệu chỉ đạo tổ chuyên môn ra, dựa trên đề thi do giáo viên chủ nhiệm các lớp soạn gửi về. Tổ chuyên môn chọn lọc và gửi cho Ban giám hiệu từ 2-3 đề. Ban giám hiệu duyệt đề và chọn ra hai đề, một đề chính thức và một đề dự phòng, làm đề thi cho khối. Theo đánh giá của giáo viên, phụ huynh học sinh, đề thi của trường ra chính xác, khoa học, đánh giá được kết quả thực chất của học sinh, đảm bảo bám sát theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của từng lớp, tỉ lệ kiến thức trong đề được phân bố hợp lý theo yêu cầu của Thông tư 22.
Trên tinh thần đánh giá học sinh dựa vào quá trình nỗ lực của các em trong cả năm học, không chỉ căn cứ vào bài kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Bạch Đằng (TP Tuy Hòa) đã yêu cầu giáo viên khi chấm bài kiểm tra của học sinh, ghi những hạn chế của các em trong quá trình làm bài, kèm theo lời nhận xét tường minh để giúp giáo viên và phụ huynh có cơ sở bồi dưỡng, rèn luyện cho học sinh trong học kỳ II. Thầy Nguyễn Phát, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay sau 2 tháng áp dụng đánh giá học sinh theo thông tư mới, giáo viên và phụ huynh đều đồng tình cao. So với cách đánh giá của Thông tư 30, Thông tư 22 với 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành, nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh, giúp phụ huynh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình. Đặc biệt, việc áp dụng thông tư mới đã giúp giáo viên giảm tải được khối lượng lớn về sổ sách.
Tập huấn kỹ năng ra đề thi
Theo ông Trần Ngọc Hiệp, Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Phú Yên), trước khi Thông tư 22 chính thức có hiệu lực vào ngày 6/11/2016, ngành Giáo dục đã nhiều lần tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về việc thực hiện thông tư này cho tất cả cán bộ, quản lý, giáo viên của các trường học trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Sở GD-ĐT đã lồng ghép thực hiện vào các chuyên đề và nắm bắt tình hình thực tế việc triển khai vận dụng Thông tư 22 tại các đơn vị trong quá trình kiểm tra đánh giá công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, kiểm tra phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Qua phản ánh của giáo viên các trường và từ khảo sát thực tế cho thấy, Thông tư 22 đang được các trường vận dụng thực hiện khá tốt, đánh giá được chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh. Tuy nhiên, do chưa được tập huấn về cách ra đề kiểm tra định kỳ theo yêu cầu của Thông tư 22 nên giáo viên còn lúng túng, lẫn lộn trong việc thiết kế các câu hỏi, bài tập theo 4 mức phù hợp.
Vừa qua, Sở GD-ĐT Phú Yên đã cử cán bộ, giáo viên cốt cán của ngành tham gia lớp tập huấn nâng cao năng lực ra đề kiểm tra định kỳ theo Thông tư 22 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Để kịp thời “gỡ rối” cho giáo viên trong cách xây dựng ma trận đề kiểm tra trong học kỳ II, mới đây, tại Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa), Sở GD-ĐT Phú Yên đã tổ chức tập huấn cho gần 60 cán bộ, giáo viên, chuyên viên phụ trách tiểu học của các phòng GD-ĐT và các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Các giáo viên được hướng dẫn, thống nhất nguyên tắc chung, kỹ thuật, quy trình xây dựng ma trận đề và rèn luyện kỹ năng ra đề kiểm tra định kỳ theo ma trận. “Sau khi tham gia lớp tập huấn, các cán bộ, giáo viên cốt cán của các trường cần sớm về triển khai lại cho toàn bộ giáo viên của trường, từ đó, giáo viên bám theo, triển khai thống nhất, đồng bộ việc ra đề kiểm tra định kỳ sát hơn đối với các môn học theo quy định trong thông tư, tránh sai sót. Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, trao đổi với các trường, kịp thời tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc trong thực hiện Thông tư 22 để tạo thuận lợi và mang lại hiệu quả cao nhất”, ông Hiệp chia sẻ.
HÀ MY