Với lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, yêu thương học trò, cô giáo Mạnh Thị Sửu (SN 1973) đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ ở Trường mầm non Sơn Ca (TP Tuy Hòa).
“Nuôi dạy trẻ là nghề vất vả, nhưng lại rất vui”, đây là những lời tâm huyết từ cô Sửu - một người đã có 22 năm vì đàn em thân yêu. Hơn 22 năm gắn bó với nghề, nhưng với cô Sửu, công việc nuôi dạy trẻ lúc nào cũng mới. Mỗi ngày dù phải tất bật chăm lo cho mấy chục bé trong lớp suốt từ sáng đến chiều: nào là ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi…, vậy mà khi nói về điều này, cô Sửu hết sức lạc quan: “Ngay từ đầu, tôi đã thích trẻ con nên mới chọn học sư phạm mầm non tại Trường mẫu giáo Trung ương 2 Nha Trang. Khi tiếp xúc với trẻ, nhìn thấy những ánh mắt trong veo, những cử chỉ vụng về, hồn nhiên của trẻ, tôi thêm yêu công việc đã chọn”.
Còn nhớ tại Hội thi đồ dạy học, đồ chơi tự tạo bậc mầm non cấp tỉnh năm học 2015-2016 do Sở GD-ĐT Phú Yên tổ chức, tôi thật sự ấn tượng với bộ đồ chơi bập bênh được làm bằng lốp xe ô tô cũ do cô Sửu cùng các đồng nghiệp ở Trường mầm non Sơn Ca thực hiện. Bộ đồ chơi chỉ tốn vài chục ngàn đồng nhưng lại giúp trẻ học tập tốt môn vận động nên được Ban giám khảo đánh giá cao. Quả thật, ở độ tuổi mầm non, tâm hồn của trẻ non nớt, trong sáng như những trang giấy trắng và giáo viên mầm non là người đầu tiên viết lên những trang giấy đó. Luôn tâm niệm như vậy, nên cô Sửu không ngừng nỗ lực để tìm ra những phương pháp truyền thụ kiến thức và giúp trẻ phát triển một cách toàn diện. Ở lớp, cô Sửu tích cực tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh cùng nhà trường quan tâm, làm tốt công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Cô theo sát chỉ dạy, uốn nắn các bé từ cách ăn uống đến giữ gìn vệ sinh cá nhân, giữ gìn vệ sinh môi trường trong và ngoài lớp học. Chính sự chỉ dạy, quan tâm chu đáo, tỉ mỉ như người mẹ thứ hai này đã giúp các bé vâng lời, lễ phép, nhanh nhẹn, tự tin trong các hoạt động, đặc biệt là trẻ thích đến lớp.
Năm 2010, cô Sửu đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng chuyên môn mẫu giáo. Cô Sửu chia sẻ: Dù là tổ trưởng nhưng tôi luôn học hỏi từ các đồng nghiệp. Ngoài ra, việc tham khảo sách báo, tài liệu, ti vi…, để học tập nghệ thuật thu hút trẻ cũng được tôi chú ý và áp dụng hiệu quả vào các hoạt động trên lớp. Đối với tôi, để trở thành người mẹ thứ hai của trẻ đúng nghĩa, trước hết các cô giáo cần phải hết lòng yêu thương và chăm sóc trẻ như chính con của mình”.
Có quá nhiều bằng khen và giấy chứng nhận giáo viên dạy giỏi nên cô Sửu không “thống kê” hết được, cô chỉ biết rằng, hàng ngày khi giao trẻ về với gia đình an toàn là cô thấy yên lòng. Chị Nguyễn Bích Vân, có con đang theo học lớp 5 tuổi do cô Sửu giảng dạy, bày tỏ: “Thời gian trẻ ở với cô giáo mầm non nhiều hơn ở với mẹ. Tôi rất tin tưởng khi giao con cho cô Sửu vì cô đặt mục tiêu an toàn cho trẻ lên hàng đầu, dạy dỗ, chăm sóc các con khoa học. Đi học về bé thích thú khi kể lại những câu chuyện trên lớp và yêu quý cô giáo nên tôi rất yên tâm”.
Nhận xét về cô Sửu, Hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca Lê Thị Thúy nói: “Dù ở bất cứ cấp học nào người giáo viên cũng phải thực sự yêu nghề. Riêng đối với cô giáo mầm non, ngoài tình yêu nghề còn phải biết kiên nhẫn, có kỹ năng ứng xử khéo léo và sự tận tâm. Những yếu tố ấy đều hội tụ ở cô Sửu. Với tinh thần lao động sáng tạo, tích cực và hiệu quả, cô Sửu đã và đang góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của Trường mầm non Sơn Ca nói riêng và của tỉnh nói chung. Cô ấy xứng đáng là người mẹ thứ hai để các phụ huynh gửi gắm con trẻ”.
MẠNH THÚY