Thứ Năm, 28/11/2024 21:53 CH
Bỏ điểm sàn vào đại học:
Thí sinh được lợi nhưng đừng chủ quan
Thứ Ba, 03/01/2017 15:35 CH

Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ trong tiết học Lịch sử - Ảnh: THÚY HẰNG

Theo dự thảo tuyển sinh đại học, cao đẳng mà Bộ GD-ĐT vừa công bố, năm 2017, bộ sẽ không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) như mọi năm. Như vậy điều kiện cần chung nhất để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ là do các trường quy định. 

 

Dễ trúng tuyển đại học

 

Từ trước đến nay, có lẽ chưa có lứa học sinh lớp 12 nào lại trải qua nhiều hồi hộp, lo lắng với thi cử như năm học 2016-2017. Ngoài việc đón nhận phương án thi THPT quốc gia theo quy chế mới với lần đầu tiên làm bài thi theo tổ hợp, giờ lại thêm dự thảo bỏ điểm sàn vào đại học. Khảo sát sơ bộ của chúng tôi tại các trường THPT trên địa bàn Phú Yên cho thấy phần lớn các em ủng hộ việc bỏ điểm sàn; một số ít học sinh, nhất là học sinh trường chuyên, trường điểm thì tỏ ra nghi ngại liệu việc bỏ điểm sàn thì các trường kiểm định chất lượng tuyển sinh như thế nào? Em Phạm Hoàng Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi tỏ ra hào hứng với việc Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ điểm sàn tuyển sinh vào đại học. Hoàng Anh nói: “Những năm gần đây, điểm sàn xét tuyển đại học thường ở ngưỡng 14-15, không cao. Những trường tuyển sinh bằng mức điểm sàn thường là đại học địa phương, trường tốp dưới. Những học sinh có năng lực thực sự không bao giờ muốn lựa chọn các trường này. Vậy nên, theo em dù có điểm sàn hay không có điểm sàn thì sự phân loại đầu vào của thí sinh ở mỗi trường cũng sẽ rõ ràng dựa theo “thương hiệu” của từng trường”. Cùng quan điểm này, em Nguyễn Thị Hồng Gấm, học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ, cho rằng: “Khi các trường được tự chủ tuyển sinh, điểm sàn không còn có tác dụng nữa. Em đồng ý với việc bỏ điểm sàn”. 

 

Trong khi phần lớn học sinh có học lực trung bình ủng hộ việc bỏ điểm sàn, thì những học sinh có học lực khá, giỏi, học sinh thuộc trường chuyên, trường điểm lại không vui trước dự thảo bỏ điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Em Huỳnh Mạnh Hùng, học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, chia sẻ: “Việc bỏ điểm sàn đại học sẽ không thể đánh giá được năng lực thực sự của học sinh. Thực tế điểm thi tốt nghiệp THPT chưa thể là căn cứ tin cậy để đánh giá năng lực thực học, chưa chỉ ra năng lực thực sự của một học sinh có năng khiếu về lĩnh vực nào đó. Em hy vọng Bộ GD-ĐT xem xét cẩn thận việc bỏ điểm sàn vào đại học”.

 

Theo nhận xét của các học sinh, nếu bỏ điểm sàn vào đại học thì các em là những người được hưởng lợi đầu tiên, nhất là với học sinh có học lực trung bình và dưới trung bình. Tuy nhiên, cái lợi này rất dễ dẫn đến những tiêu cực khác nhau. Trước mắt là việc bỏ điểm sàn sẽ là cơ hội để nhiều học sinh có trình độ thấp được vào học đại học, dẫn đến rất nhiều cử nhân trình độ thấp ra trường không đáp ứng được nhu cầu của xã hội…

 

Nhưng phải cân nhắc kỹ trong chọn trường

 

Điểm sàn là mức điểm giúp kiểm định chất lượng và có tác dụng “siết chặt” việc tuyển sinh ồ ạt, chất lượng kém ở các trường đại học. Bỏ điểm sàn rồi, vô tình tiêu chí giúp kiểm định chất lượng giáo dục mất đi, tạo điều kiện cho tuyển sinh ào ạt, chất lượng kém… Bởi thực tế tuyển sinh và đào tạo của các trường đại học, cao đẳng những năm gần đây cho thấy, hầu hết các trường mới chỉ quan tâm đến việc làm sao có nhiều sinh viên theo học chứ chưa quan tâm đến chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra, nhu cầu xã hội như thế nào... dẫn đến tỉ lệ cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng.

 

Trưởng Phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Phú Yên Dương Bình Luyện cho biết: Hiện chất lượng đào tạo của các trường phổ thông và các trường đại học còn có sự chênh lệch quá lớn thì việc bỏ điểm sàn xét tuyển vào đại học trong thời điểm này là hơi vội vàng, rất dễ dẫn đến tâm lý chủ quan trong học tập của học sinh. Tôi nghĩ khi chất lượng đào tạo chưa đồng đều thì Bộ GD-ĐT không nên đổi mới về hình thức mà nên tập trung đổi mới về chất lượng giáo dục.

 

Trong vài năm trở lại đây, xã hội đã nhận thức rõ hơn về vấn đề “vào đại học không phải là tất cả” khi số sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không có việc làm ngày càng gia tăng. Mặt khác, các trường tuyển sinh đều xét theo kết quả điểm từ cao xuống thấp và chỉ tiêu lại phải dựa trên năng lực của trường đó. Tất cả các yếu tố trên tác động làm điểm sàn đại học không còn giá trị nhiều. “Theo tôi, thời điểm này bỏ điểm sàn cũng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các trường cần thắt chặt quá trình đào tạo để đảm bảo chất lượng đầu ra”, thầy Trần Bảy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ cho ý kiến.

 

Không có bất cứ trường nào muốn nhận những học sinh chỉ đạt ngưỡng tốt nghiệp THPT vào trường mình. Phương án tuyển sinh bao giờ cũng lấy từ kết quả cao tới thấp, cho hết chỉ tiêu. Do vậy trách nhiệm của các trường muốn tuyển sinh tốt cần xác định ngành nghề mà xã hội cần trong tương lai và phải đặc biệt quan tâm chất lượng đào tạo. “Đối với học sinh, hơn bao giờ hết, các em phải biết khôn ngoan trong việc chọn ngành, chọn trường theo năng lực. Các em cần phải tìm hiểu và đánh giá chất lượng của trường mà mình định dự tuyển qua nhiều nguồn thông tin. Nếu lựa chọn những trường quá dễ dãi từ khâu đầu vào thì ắt sẽ ảnh hưởng đến khâu đầu ra. Khi ấy dù có cầm tấm bằng đại học cũng chưa chắc xin được việc”, ông Dương Bình Luyện nói.

 

THÚY HẰNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek