Thứ Năm, 28/11/2024 20:41 CH
Để làm tốt câu nghị luận xã hội môn Ngữ văn
Chủ Nhật, 15/01/2017 09:23 SA

Ngữ văn là môn thi duy nhất trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được thi theo hình thức tự luận - Ảnh: THÚY HẰNG

Theo đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, một trong những thay đổi lớn nhất trong cấu trúc đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2017 so với đề thi năm trước là câu nghị luận xã hội trong phần làm văn chuyển từ 3 điểm xuống còn 2 điểm và thay vì viết một bài văn khoảng 600 chữ, đề chỉ yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ để trình bày suy nghĩ về một ý kiến đặt ra trong chính văn bản ở phần đọc hiểu. Sự thay đổi này khiến không ít học sinh lớp 12 cảm thấy băn khoăn.

 

Lâu nay, các em đã quen viết bài, giờ chuyển sang viết đoạn sẽ không tránh khỏi bỡ ngỡ. Hơn nữa, với khuôn khổ ngắn ngủi của một đoạn văn mà phải trình bày suy nghĩ về một ý kiến thì không dễ dàng gì. Từ những trải nghiệm trong thực tế giảng dạy và chuẩn bị kiến thức cho học sinh thi đại học, tôi xin gửi đến các em một vài tư vấn nhỏ về cách viết đoạn nghị luận xã hội trong đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm nay.

 

Xác định yêu cầu của đề: Trước hết là yêu cầu về hình thức, học sinh phải viết đúng hình thức một đoạn văn bắt đầu từ chữ viết hoa lùi vào đầu dòng, viết liền một mạch cho đến khi kết thúc đoạn văn bằng dấu chấm. Các câu trong đoạn văn phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau về mặt hình thức. Số lượng chữ: khoảng 200 chữ. Yêu cầu về nội dung: Phải trình bày được suy nghĩ, quan điểm của mình về ý kiến được nêu ra trong đề văn.

 

Xác lập hệ thống ý: Sau khi xác định yêu cầu của đề văn, học sinh nên tiến hành tìm ý, xác lập thành hệ thống ý. Những ý này là suy nghĩ của học sinh về ý kiến được đặt ra trong đề văn nên các em hoàn toàn có thể tự do trình bày quan điểm của riêng mình, miễn sao hợp lý và có sức thuyết phục. Tuy nhiên, để đoạn văn chặt chẽ, phong phú và đáp ứng tốt yêu cầu của đề, các em nên triển khai những ý cơ bản sau:

 

- Giải thích ý kiến: Ý kiến đề cập điều gì? Chứa đựng ý nghĩa, thông điệp gì?

 

- Trình bày suy nghĩ về ý kiến: Dùng lập luận, luận cứ, luận chứng để bàn về tính đúng đắn của vấn đề (Để tạo ý cho phần này, các em nên trả lời câu hỏi Tại sao lại khẳng định như vậy?) đồng thời bác bỏ những sai trái, lệch lạc liên quan đến vấn đề.

 

- Nêu bài học nhận thức và hành động: Từ hiểu biết về ý kiến rút ra triết lý sống cho bản thân và cho tất cả mọi người.

 

Tiến hành viết đoạn văn: Từ hệ thống ý đã được xác lập, học sinh dùng lời văn của mình để viết thành đoạn văn hoàn chỉnh. Trong quá trình viết, cần lưu ý một số điểm: Vì thời gian có hạn và đề văn chỉ yêu cầu viết khoảng 200 chữ cho nên học sinh phải cố gắng viết thật gọn, lược bớt những chỗ rườm rà không cần thiết. Phần mở đoạn và kết đoạn chỉ nên dùng một câu. Trong phần thân đoạn, lập luận cần sắc bén; luận cứ, luận chứng phải được chọn lọc tinh tế. Các ý trong đoạn văn phải có sự liên kết chặt chẽ, nên kết hợp sử dụng đa dạng các thao tác lập luận 

 

 

ThS HỒ TẤN NGUYÊN MINH

(Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek