Thứ Bảy, 05/10/2024 02:26 SA
Đào tạo kiến trúc theo mô hình thực tiễn
Chủ Nhật, 05/07/2015 14:00 CH

Thí sinh dự thi ngành Kiến trúc Trường đại học Xây dựng Miền Trung năm 2014 - Ảnh: T.HẰNG

Thời gian qua, các trường đại học ở Việt nam liên tục cải tiến các chương trình dạy và học để nâng cao chất lượng. Tuy nhiên phải thừa nhận là bước vào hội nhập, kiến trúc sư (KTS) Việt Nam đã thua ngay trên “sân nhà” vì thiếu tính chuyên nghiệp, chuyên sâu…

 

ĐÀO TẠO TRÀN LAN

 

Trong những năm qua, hệ giáo dục đại học của Việt Nam phát triển rất mạnh. Về chất lượng, có thể khẳng định, sinh viên ngày nay nói chung, sinh viên kiến trúc nói riêng ngày càng bộc lộ được sự năng động, thông minh và sáng tạo. Trong các cuộc thi về kiến trúc, đối tượng đoạt giải là sinh viên hoặc những KTS trẻ chiếm tỉ lệ ngày càng lớn. Và các KTS hiện nay không chỉ thiết kế mà còn vận dụng được rất nhiều phần mềm tiên tiến. Về số lượng, trước đây Việt Nam chỉ có các trường đại học Kiến trúc Hà Nội, đại học Xây dựng, đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh có đào tạo KTS, thì nay còn có một hệ thống các trường dân lập cũng đào tạo KTS, với hàng ngàn KTS tốt nghiệp mỗi năm.

 

Thực tế đang đặt ra hiện nay là số lượng KTS rất nhiều nhưng để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp thì không nhiều. Đối với các nhà tuyển dụng, KTS mới ra trường để trở thành một KTS thật sự, có thể làm chuyên môn tốt còn cần rất nhiều thời gian để hòa nhập và làm được việc. Gần 100% doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng phải bỏ kinh phí hoặc mất thời gian đào tạo lại cho KTS mới ra trường. Đó cũng chính là lý do tại sao doanh nghiệp, các đơn vị tuyển dụng thờ ơ với sinh viên mới ra trường…

 

Là sinh viên kiến trúc, trong cùng một môi trường học tập, hầu hết sinh viên đều chưa định hướng rõ rệt sau này công việc mình định làm là gì. Trong khi thực tế, sinh viên kiến trúc ra trường sẽ có nhiều hướng đi khác nhau.

 

CẦN GẮN VỚI THỰC TIỄN

 

Hầu hết các trường đào tạo KTS đều sử dụng chương trình đào tạo gần giống nhau. Mặc dù trong những năm vừa qua, các trường đào tạo ngành học này cũng đã phân ngành (Quy hoạch, Cảnh quan…), nhưng vẫn dựa trên những khung đào tạo chung và đương nhiên mọi KTS ra trường dù là KTS, KTS Quy hoạch hay KTS Cảnh quan thì đều hành nghề kiến trúc và luôn nghĩ rằng mình là KTS sáng tác. Sự khác biệt giữa các ngành không nhiều.

 

Dù được đào tạo theo chương trình nào, các KTS Việt Nam cũng đã lĩnh hội các kiến thức chuyên môn và khả năng tự nghiên cứu phát huy tính sáng tạo, chủ động trong công việc. Kiến thức chuyên môn cơ bản của chuyên ngành Kiến trúc có thể chia làm hai loại. Trong đó, kiến thức cứng (mang tính quyết định), người học được nắm vững các nguyên lý thiết kế, nguyên lý cấu tạo để thiết kế các công trình kiến trúc, quy hoạch; đọc, hiểu và triển khai ý đồ, bản vẽ kỹ thuật đúng, đầy đủ, chính xác theo quy định. Kiến thức mềm (mang tính bổ trợ) gồm vật lý kiến trúc, hình họa, kinh tế xây dựng, kỹ thuật điện, nước…

 

Kiến thức cứng có thể được tích lũy trong suốt quá trình học tập tại trường đại học. Các kiến thức này được sinh viên chú ý ngay từ khi mới bắt tay vào đồ án chuyên ngành đầu tiên. Hiện nay, hầu hết trong các đồ án, sinh viên vẫn tự bằng lòng với mức độ triển khai ý tưởng. Chính vì vậy khi ra làm thực tế, phần lớn các KTS mới ra trường gặp rất nhiều khó khăn, gặp nhiều sai sót hoặc thậm chí không thể triển khai hồ sơ kỹ thuật của một công trình dù là đơn giản nhất. Sau khi tốt nghiệp khoảng 3 đến 5 năm, số KTS này mới định hình được công việc của mình.

 

Hiện việc tìm một KTS có đủ kinh nghiệm và yên tâm công tác triển khai thiết kế là rất khó. Và khó hơn nữa khi tuyển họa viên có kinh nghiệm, tay nghề hoặc được đào tạo chính quy. Thông thường, toàn bộ các vai quan trọng trong bộ máy thiết kế hiện nay đều do sự tự điều chỉnh và tự đào tạo của cơ sở thiết kế. Nghĩa là sau một thời gian tiếp xúc với thực tế, các KTS tự chọn cho mình hướng đi phù hợp. Tuy nhiên, để có thể hòa nhập vào môi trường làm việc ngay và bắt kịp với KTS đã có kinh nghiệm, mỗi sinh viên khi đang ngồi ghế nhà trường cần tự trau dồi và đáp ứng những tiêu chí về kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc.

 

Trên thực tế không chỉ KTS đào tạo ở Việt Nam mà ngay cả các KTS được đào tạo ở các nước trên thế giới cũng cần có một khoảng thời gian hòa nhập thực tế. Để việc đào tạo KTS đáp ứng yêu cầu thực tế, cần thiết phải đổi mới căn bản cách đào tạo KTS. Điều quan trọng là các cơ sở đào tạo cần có quyết tâm cao độ và sự kiên trì để có thể xây dựng được những bước đi logic, đúng đắn, phù hợp với xu hướng chung trên thế giới cũng như những đặc thù và điều kiện của mỗi trường. Đưa hệ thống đào tạo kiến trúc của các trường đạt chuẩn theo sự công nhận và kiểm định của quốc tế nhưng đồng thời vẫn phát huy sắc thái đặc trưng mà mỗi cơ sở đào tạo đã và đang tạo dựng.

 

Thạc sĩ, kiến trúc sư LÊ MINH ÁNH

(Trường đại học Kiến trúc Hà Nội)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek