Thứ Sáu, 04/10/2024 16:29 CH
Gần 200 học sinh trường THPT Lê Trung Kiên phải kiểm tra lại:
Giáo viên tùy tiện đổi mới, trường quản lý thiếu sát sao
Thứ Tư, 23/05/2007 13:30 CH

Gần 200 học sinh lớp 11 Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hoà) bị nhà trường “thẩm định” lại kiến thức trong phạm vi 3 bài kiểm tra 15 phút và 1 bài kiểm tra 1 tiết môn Toán, dù các cột điểm đã được giáo viên bộ môn “tra” vào sổ điểm chương trình dạy và học.

 

CÔ GIÁO YÊU CẦU HỌC SINH TỰ RA ĐỀ, TỰ GIẢI

 

Trong suốt học kỳ II năm học 2006 – 2007,  giờ học môn Toán đại số của gần 200 học sinh các lớp 11B3, 11B4, 11B5 và 11B9 Trường THPT Lê Trung Kiên do cô giáo Đào Giáng Vân phụ trách được học và kiểm tra theo phương pháp mới. Đó là cô giáo ra đề mẫu, học sinh dựa vào đề mẫu đó tự ra đề cho mình rồi tự giải. Cô giáo dựa vào các đề tự ra, tự giải của học sinh để chấm điểm.

 

070523-hocsinh.jpg

Học sinh lớp 11B3 Trường THPT Lê Trung Kiên làm lại bài kiểm tra 15 phút môn Toán đại số bằng đề do trường ra – Ảnh: M.THÚY

 

Cách dạy “mới” này được phát hiện khá tình cờ nhờ… một “sự cố”: Em Nguyễn Thanh Hải, học sinh lớp 11B3 bị 1 điểm môn Toán đại số. Một thầy giáo của trường hỏi Hải lý do thì được biết: Do trong quá trình tự ra đề, Hải đã ra không đúng với yêu cầu đề mẫu của cô giáo nên bị 1 điểm.Vậy là, Trường THPT Lê Trung Kiên phải tổ chức kiểm tra lại tất cả các cột điểm 15 phút và 1 tiết trong học sinh 4 lớp do cô Vân giảng dạy.

 

Theo bảng điểm kiểm tra của cô giáo, tỉ lệ học sinh đạt điểm khá giỏi môn Toán đại số là rất cao, khi phải kiểm tra lại theo đề kiểm tra của nhà trường, nhiều học sinh rất lo lắng vì sợ điểm số của mình bị thấp.  Một học sinh nói: “Thầy cô dạy thế nào, tụi em học thế ấy. Bây giờ trường kiểm tra lại toàn bộ, phải chăng kiến thức cô dạy không đạt yêu cầu?”.

 

VÌ SAO HỌC SINH ĐỒNG TÌNH?

 

Theo giải thích của cô Đào Giáng Vân, sở dĩ cô áp dụng phương pháp dạy học này là bởi: học sinh tự ra đề và tự giải đề của mình thì sẽ hạn chế được sự quay cóp trong kiểm tra, đánh giá đúng kết quả học hiểu của các em.

 

90% học sinh khi được hỏi đều tỏ ra rất thích thú và đồng tình về cách học “tự ra đề, tự giải” này. Không thích sao được khi chỉ cần dựa vào đề mẫu của cô, các em được quyền tự ra đề rồi tự mình làm. Để “nói có sách mách có chứng” tôi nhờ cô Vân ra một đề mẫu để học sinh dựa vào đó tự ra đề cho mình. Đề cô Vân ra: Log2x+ log2 (x- 1)=1. Đề học sinh tự ra: log7x+ log7(2x – 1)=2; log3x+ log3(x-2)= 2 hoặc log5x+ log5 (x+1)2= 1… Theo các giáo viên dạy Toán học, những đề tự ra của học sinh chủ yếu chỉ thay số một cách máy móc. Cách dạy này chỉ phù hợp với những buổi thảo luận làm bài tập trên lớp hoặc bài tập về nhà. Còn đưa vào kiểm tra đánh giá năng lực học tập của học sinh thì khó tránh khỏi sự sao chép rập khuôn.

 

Em N.B.T, một học sinh bày tỏ: “Dựa vào đề mẫu, bạn nào khá thì tự ra và giải quyết được những đề khó, còn bạn trung bình thì ra và giải đề trung bình. Điểm số cao hay thấp là tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi người”. Vậy thì đối với những bạn chưa giỏi thì làm sao tiến bộ được? Nghe tôi hỏi vậy, T thoáng chút ngập ngừng, rồi đáp: “Các bạn chưa giỏi sẽ phải cố gắng nhiều hơn trong học tập”. Cố gắng trong học tập là điều tốt đối với học sinh, nhưng nó sẽ chỉ phù hợp trong trao đổi, học hỏi lẫn nhau, chứ không phải trên những bài kiểm tra, mà ở đó được xem là kết quả học tập để đánh giá xếp loại. Nếu làm theo cách này, thì những học sinh ở các khối lớp khác không được học theo phương pháp “tự ra đề, tự giải” sẽ phải “ganh tỵ”, vì các em phải làm bài kiểm tra bằng đề của giáo viên, của trường. Và như thế liệu có công bằng trong đánh giá xếp loại đối với từng cá nhân học sinh trong toàn trường?

 

QUẢN LÝ THIẾU SÁT SAO

 

Ông Nguyễn Văn Tá, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT khẳng định: “Đổi mới phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực trong học tập của học sinh là rất đáng hoan nghênh. Song phát huy theo kiểu “học sinh tự ra đề, tự giải để cô giáo chấm điểm” là hết sức tùy tiện”.

Cách dạy này được cô giáo Vân áp dụng suốt một học kỳ nhưng từ tổ chuyên môn cho đến ban giám hiệu trường Lê Trung Kiên đều không hay biết. Ông Lê Đức Kỳ, Hiệu trưởng trường THPT Lê Trung Kiên thừa nhận: “Lâu nay, công tác giảng dạy là do giáo viên phụ trách. Nếu giáo viên có sáng kiến, kinh nghiệm hay trong quá trình giảng dạy thì đưa ra thảo luận, bàn bạc với tổ chuyên môn để hoàn chỉnh. Để xảy ra tình trạng học sinh phải kiểm tra 2 lần một phần là do sự phát hiện của Ban giám hiệu chưa kịp thời”.

 

 Tất cả các sáng kiến trong đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên đều được đánh giá cao. Tuy nhiên, để đưa vào áp dụng trong dạy học thì phải có sự thẩm định, thống nhất từ nhiều phía để tránh sự khập khiễng. Ông Kỳ giải thích: “Cách dạy của cô Vân, dù hiệu quả hay không thì chỉ việc chưa được sự thẩm định của tổ chuyên môn và nhà trường mà đã tự ý tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh là không ổn. Chính vì vậy chúng tôi phải tổ chức kiểm tra lại để có cơ sở đánh giá năng lực học tập của học sinh theo yêu cầu chuẩn kiến thức”.

 

Đây thực sự là “bài học” để giáo viên và cán bộ quản lý các trường cẩn thận hơn trong quá trình sử dụng sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học.

 

THÚY HẰNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek