Thứ Bảy, 30/11/2024 01:51 SA
Dự án phát triển giáo viên tiểu học:
Môn phụ nhưng thầy không “phụ”
Thứ Ba, 22/05/2007 07:03 SA

Theo chương trình cải cách giáo dục, môn Thủ công - Kỹ thuật (TC – KT) được dạy có hệ thống ở trường phổ thông từ tiểu học đến trung học.

 

070521-thieu-nhi.jpg

Học sinh Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa) thực hành môn kỹ thuật nấu ăn  – Ảnh: T.HẰNG

 

Đối với học sinh tiểu học, bộ môn này càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì nó giúp các em tập vận dụng những kiến thức được học từ các môn học khác như Toán, Tự nhiên – Xã hội, Khoa học… vào quá trình làm ra các sản phẩm, qua đó củng cố và vận dụng kiến thức đã học nâng cao chất lượng học tập các môn học khác. Ngoài ra, môn TC – KT  còn góp phần quan trọng trong việc rèn luyện phát triển tư duy kĩ thuật, suy nghĩ độc lập, hình thành các phẩm chất cần cù, cẩn thận trong học sinh. Tuy nhiên, theo suy nghĩ của nhiều người, TC – KT luôn là môn phụ, nên trong một thời gian dài hầu hết các trường tiểu học chưa có giáo viên được đào tạo về chuyên môn TC - KT.

 

Theo chuẩn nghề nghiệp mới của giáo viên tiểu học (GVTH), mỗi GVTH phải có khả năng dạy đủ tất cả các môn học ở tất cả các lớp học thuộc bậc tiểu học. Đây là quy định không phải giáo viên nào cũng có thể đạt được, đặc biệt là đối với bộ môn TC – KT vốn lâu nay giáo viên chưa được đào tạo. Do đó, giáo viên đánh giá cao mô đun bồi dưỡng TC – KT và phương pháp dạy học TC – KT ở tiểu học do dự án triển khai. Thông qua mô đun này, giáo viên được cung cấp những kỹ năng, phương pháp dạy học mới về môn TC – KT như: vị trí và đối tượng của môn TC – KT, phân tích chương trình, những điểm mới trong sách giáo khoa, sách giáo viên, các tài liệu dạy học khác, vận dụng các đặc điểm của môn học vào quá trình dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực học tập của học sinh.

 

Đặc trưng cơ bản của các giờ học TC – KT ở tiểu học là hoạt động thực hành giữ vị trí trung tâm. Chính vì vậy, phương pháp dạy học đặc trưng của bộ môn này là phương pháp thực hành kỹ thuật kết hợp với phương pháp dạy học trực quan và phương pháp dạy học dùng ngôn ngữ. Cô giáo Nguyễn Thị Như Thân, Trường tiểu học số 2 Hoà Mỹ Đông (huyện Tây Hoà) cho biết: “Lâu nay, khi dạy môn học TC – KT giáo viên chủ yếu dựa vào “hoa tay” của mình và học sinh. Do hạn chế về phương pháp dạy và học nên khi làm bài tập bộ môn TC – KT các em hay nhờ người khác làm hộ. Do đó, quá trình đánh giá kết quả học tập học sinh là chưa thật chính xác. Khi được dự án phát triển GVTH bồi dưỡng phương pháp dạy học đối với bộ môn phụ này chúng tôi rất phấn khởi”.

 

Theo chuẩn nghề nghiệp mới, đánh giá năng lực giảng dạy giáo viên không chỉ căn cứ vào khả năng dạy các bộ môn chính như Toán, Tiếng Việt mà sẽ đánh toàn bộ các môn học. Học sinh có thể phân biệt môn chính, môn phụ nhưng với giáo viên thì “cào bằng”. Giáo viên nào không đảm bảo các mức độ yêu cầu trong chuyên môn thì giáo viên đó không đạt ở mức độ cao. Khi trang bị phương pháp dạy học mới cho GVTH, dự án đặc biệt chú ý đến việc giúp họ lựa chọn phương pháp giảng dạy đảm bảo tiêu chuẩn: thực hiện tốt mục tiêu bài học, phát huy được tính chủ động, tự giác, tích cực và tự lực của học sinh, đảm bảo cho các em hoạt động và qua hoạt động rèn luyện được phương pháp nhận thức, phương pháp tư duy logic và phương pháp hành động. Dự án còn đưa ra các cơ sở giúp giáo viên căn cứ vào đó để lựa chọn phương pháp dạy học hợp lí như: Căn cứ vào mối quan hệ có tính quy luật giữa mục tiêu – nội dung – phương pháp dạy học. Trong mối quan hệ này, mục tiêu dạy học sẽ quyết định nội dung và phương pháp dạy học. Nội dung dạy học chi phối việc lựa chọn phương pháp dạy học để truyền đạt nội dung đó; căn cứ vào đặc điểm nội dung kiến thức cần truyền đạt cho học sinh. Nội dung đó đơn giản hay phức tạp, kiến thức cụ thể hay trừu tượng, gần gũi hay xa lạ đối với sự quan sát thường ngày của học sinh; căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi và vốn kiến thức đã có của học sinh.

 

Cô Lê Thị Tâm, Hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Hoà Tân Tây nói “Nội dung các bài học TC – KT thường được thực hiện thông qua các hoạt động quan sát , hoạt động hướng dẫn thao tác mẫu, hoạt động thực hành. Trong các hoạt động này, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào các hoạt động. Do đó, nếu giáo viên không có chuyên môn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giảng dạy. Với những nội dung và cách gợi mở để giáo viên lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp mà dự án triển khai thực sự là cơ hội để giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời đáp ứng được yêu cầu mà chuẩn nghề nghiệp quy định”.

 

KHÁNH NGUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek