Xanh – sạch – đẹp là một trong những tiêu chí để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Lâu nay, công tác giáo dục vệ sinh môi trường trong trường học chủ yếu là do các trường chủ động triển khai và vẫn chưa được đầu tư, đánh giá đúng mức. Trường nào biết quan tâm đến công tác này thì trường đó xanh – sạch – đẹp, còn ngược lại thì “bỏ trắng”. Giáo dục môi trường mang tính tự phát nên giáo viên cũng chẳng mấy khi để ý đến việc truyền đạt những kiến thức này cho học sinh. Do đó, khi triển khai áp dụng đánh giá chuẩn nghề nghiệp mới, không ít giáo viên tiểu học (GVTH) chưa đạt được tiêu chí này.
Giáo dục môi trường cho học sinh thông qua các giờ học ngoại khóa - Ảnh: D.T.X
Chuyên đề giáo dục môi trường (GDMT) là một trong những nội dung mới đang được Dự án phát triển GVTH triển khai đào tạo, bồi dưỡng cho 21.000 GVTH thuộc 10 địa phương trong cả nước. Mô đun này cung cấp cho người học 7 chủ đề gồm: thành phần cơ bản của môi trường, tài nguyên thiên nhiên, các nguyên lí sinh thái học ứng dụng trong khoa học môi trường, sự tác động của con người đối với môi trường, một số vấn đề nền tảng về môi trường và phát triển bền vững, các kỹ năng giáo dục môi trường. Mỗi chủ đề được thể hiện bằng những yêu cầu cụ thể, qua đó, hình thành ở GVTH những kỹ năng truyền đạt về GDMT cho học sinh.
Chẳng hạn ở chủ đề “Tài nguyên thiên nhiên”, giáo viên được tìm hiểu khái niệm về tài nguyên, phân loại các tài nguyên khoáng sản và năng lượng; đất, rừng và khí hậu; nước, tài nguyên biển và đại dương. Chủ đề “Các nguyên lý sinh thái học ứng dụng trong khoa học môi trường” giúp người học tìm được cơ sở sinh thái học của khoa học môi trường, thấy được mối quan hệ qua lại giữa ba yếu tố: môi trường, sinh vật và con người trong quá trình cùng tồn tại và phát triển. Ở chủ đề “Sự tác động của con người đối với môi trường”, giáo viên được tìm hiểu lịch sử tác động của con người vào môi trường, vấn đề ô nhiễm môi trường và sự huỷ hoại môi trường tự nhiên do các hoạt động vô ý thức của con người… Nói thì dễ những để triển khai được những chủ đề trên là không hề dễ dàng. Vậy nên khi triển khai mô đun về GDMT, dự án đặc biệt chú trọng đến kỹ năng triển khai. Chương trình dành hẳn một chủ đề đưa ra những phương pháp giảng dạy GDMT cho giáo viên. Theo đó, trong thời gian đến, GDMT trong trường phổ thông được tổ chức không phải là một môn học riêng biệt mà là giáo dục tổng thể thông qua các môn học; không phải là ghép thêm vào chương trình giáo dục một bộ môn tách biệt hay một chủ đề nghiên cứu mà là khai thác các kiến thức khoa học trong các môn học để tích hợp lồng ghép GDMT cho học sinh bằng các phương pháp dạy học bộ môn.
Đối với học sinh tiểu học, GDMT được thực hiện ở hầu hết các môn học: Đạo đức, Hát, Tiếng Việt, Lao động kỹ thuật, Tự nhiên và Xã hội. Tuy nhiên, việc khai thác kiến thức GDMT thông qua các môn học phải đảm bảo nguyên tắc: không quá lạm dụng GDMT làm giảm tính khoa học và logic của nội dung tiết học; không chỉ nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng mà còn xây dựng tình cảm, thái độ và hành động của các em đối với môi trường.
Phú Yên hiện có 167 trường tiểu học, số trường được công nhận xanh – sạch – đẹp là rất ít. Kết quả này cho thấy quá trình GDMT trong bậc tiểu học chưa cao. Ông Nguyễn Văn Tá, Phó giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên cho biết: “GDMT ở bậc tiểu học chủ yếu tập trung vào các nội dung: Kiến thức về môi trường, các biện pháp hình thành và phát triển kỹ năng môi trường, giá trị của môi trường đối với con người. Vì vậy, với những nội dung do Dự án phát triển GVTH trang bị, lực lượng GVTH sẽ có cơ sở triển khai đạt hiệu quả công tác GDMT trong học sinh, góp phần bảo vệ môi trường trong và ngoài học đường”.
NHẬT QUỲNH