Phú Yên hiện có 126 trường mầm non, song số trường được xây dựng kiên cố ở bậc học này rất hiếm hoi. Trong khi nhiều địa phương đang bế tắc trong quá trình đổi mới cơ sở vật chất trường lớp cho các cháu, huyện Phú Hoà đã có 4/8 trường được xây dựng theo quy mô trường chuẩn quốc gia.
Trường mầm non bán công Hòa Quang
Trường mầm non bán công Hoà Quang Nam được xây dựng theo quy mô hai tầng gồm 10 phòng học với đầy đủ trang thiết bị đồ dùng dạy học, khu nhà ăn được thiết kế liên hoàn, đảm bảo vệ sinh. Đây được xem là ngôi trường đẹp nhất hiện nay ở bậc học mầm non thuộc khu vực nông thôn. Ông Nguyễn Văn Học, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Phú Hoà phấn khởi cho biết: “Năm học 2006 – 2007, Phú Hoà đưa vào sử dụng hai trường mầm non kiên cố là Hoà Quang Bắc và Hoà Quang Nam với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng, theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Trong một thời gian dài, bậc học mầm non chưa được người dân và chính quyền các địa phương quan tâm đúng mức. Trường lớp học của các cháu chủ yếu tận dụng tu sửa từ các nhà kho cũ, trụ sở thôn, nhà rông hoặc học ghép với tiểu học… Vì vậy, hai trường mầm non bán công Hoà Quang Nam, Hoà Quang Bắc là bước đột phá không chỉ của riêng ngành giáo dục Phú Hoà mà là của cả tỉnh.
Lâu nay, trẻ em vùng nông thôn khi vào lớp 1 thường không theo kịp chương trình tiểu học mới. Nhiều em chưa quen với môi trường học tập nên quá trình tiếp thu bài học rất chậm. Bà Lê Thị Thùy Nga, chuyên viên mầm non Phòng Giáo dục huyện Phú Hoà, bày tỏ: “Theo chương trình giáo dục mới, ngay từ bậc học mầm non, các cháu đã được học các chuyên đề làm quen với Văn học, Toán, Âm nhạc và môi trường xung quanh… Đây là những kiến thức, kỹ năng cơ bản, nền tảng để các cháu bước vào lớp 1. Nếu cơ sở vật chất bậc học mầm non không được đầu tư phù hợp thì việc dạy và học chương trình sách giáo khoa mới các bậc tiếp theo sẽ rất khó khăn”.
Để có sự đồng thuận trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, huyện Phú Hoà đã đưa công tác xã hội hoá giáo dục vào nghị quyết hàng năm để các địa phương phấn đấu thực hiện. Với cách làm này, chưa đầy 5 năm, Phú Hoà đã có hơn 20 trường học được tầng hoá kiên cố theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ngoài 2 trường mầm non bán công Hoà Quang Bắc và Hoà Quang Nam, Phú Hoà đang xây dựng 2 trường mầm non bán công Hoà Hội và Hoà An; Trường mầm non bán công Hoà Trị cũng đang hoàn tất các thủ tục, chuẩn bị khởi công xây dựng trong năm học tới. Chị Trần Thị Phi, một phụ huynh ở thôn Nho Hạnh Lâm, xã Hoà Quang Nam phấn khởi cho biết: “Có trường mới, bọn trẻ đứa nào cũng “mê” đến lớp nên chúng tôi yên tâm khi làm việc”. Còn bà Nguyễn Thị Nữ, Hiệu trưởng Trường mầm non bán công Hoà Quang Bắc cho hay: “Từ ngày có trường mới, không chỉ 100% trẻ 5 tuổi được ra lớp mẫu giáo, còn có rất nhiều cháu ở độ tuổi nhà trẻ cũng được cha mẹ cho ra lớp”.
Thấy trường lớp đảm bảo, nhiều người dân nông thôn muốn cho trẻ học bán trú. Song các trường mầm non ở Phú Hoà chưa thể tổ chức được loại hình giáo dục này. Bà Nga nói: “Để tổ chức được lớp bán trú, phải có ít nhất 2 giáo viên/lớp và phải có cán bộ cấp dưỡng. Tuy nhiên mức học phí 5.000 đồng/tháng/cháu không đủ để chi trả lương cho cán bộ, giáo viên. Mặt khác, biên chế giáo viên dành cho bậc học mầm non ngoài công lập hiện nay chưa tính theo loại hình lớp bán trú nên các trường rất lúng túng trong việc triển khai”.
Việc chưa tổ chức được lớp bán trú không chỉ làm hạn chế quyền được học tập của trẻ, mà còn cản trở quá trình được công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với các trường mầm non ngoài công lập. Ông Học cho biết: “Ngành giáo dục đang trình UBND huyện đề án hỗ trợ tiền lương cho cán bộ cấp dưỡng và giáo viên. Một khi giải quyết được vấn đề này thì trường mầm non ngoài công lập mới có cơ hội đạt chuẩn quốc gia”.
QUỲNH ANH