Doanh nghiệp sử dụng lao động phổ thông thì chỉ tuyển vài người, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động lớn lại cần người có tay nghề -– điều kiện mà nông dân không đáp ứng được. Những lý do trên khiến điểm công nghiệp Hòa An (huyện Phú Hòa) chưa giải quyết được nhu cầu việc làm cho người lao động địa phương.
CÓ THU NHẬP LÚC NÔNG NHÀN
Có 13 dự án của các doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư vào điểm công nghiệp Hòa An và hiện có 7 DN đi vào sản xuất. Theo số liệu của Ban quản lý điểm công nghiệp, hiện có trên 400 lao động đang làm việc tại đây, trong đó 2 DN sử dụng nhiều lao động là Công ty cổ phần Phương Nam và DNTN Minh Mỹ do sản xuất mặt hàng mây, tre, lá, 2 DN này có đến 300 lao động, chủ yếu là lao động nữ, làm việc tại nhà riêng sau đó giao nộp sản phẩm tại công ty. Anh Đoàn Ngọc Sơn là một thợ hồ chuyên nghiệp, nhưng từ hơn một năm nay đã quẳng bay, quẳng thước ở nhà cùng vợ nhận gia công mặt hàng mây tre lá cho DNTN Minh Mỹ. Anh nói: “Nhận nguyên liệu về nhà, hai vợ chồng rảnh đâu làm đấy, các con có khi cũng phụ vào, bình quân mỗi tháng kiếm được 2 triệu đồng”. Chúng tôi được biết, thu nhập bình quân mỗi lao động gia công sản phẩm mây tre lá của Minh Mỹ và Phương Nam từ 600.000 đồng đến 700.000 đồng/tháng; những người có tay nghề cao thu nhập từ 1 triệu đồng trở lên.
Lao động thủ công tại DNTN Minh Mỹ thuộc điểm công nghiệp Hòa An – Ảnh: LY KHA
Các DN còn lại sử dụng lao động ít hơn nhưng đòi hỏi phải có nghề, làm công việc nặng nhọc. DN Ngọc Chính hiện có 35 công nhân nam, công việc của họ là nấu phế liệu thành phôi sắt và cán phôi thành sắt cây. Lương bình quân ở DN nghiệp này là 1,3 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những công nhân nấu sắt luôn bị ảnh hưởng khói, nhiệt độ cao từ lò nung lộ thiên. Còn nhà máy bia Seiger của Công ty Việt Hòa sau hơn một năm hoạt động đã giải quyết việc làm cho 50 lao động tại địa phương, bình quân lương mỗi tháng 1 triệu đồng/người.
Ngoài tạo thu nhập chính từ lương, một số DN còn tạo điều kiện, hỗ trợ cho người lao động. Anh Lữ Văn Toản, cán bộ Ban quản lý đặc trách tại điểm công nghiệp, cho biết: “Hiện có 2 DN là Việt Hòa, Ngọc Chính hỗ trợ tiền ăn trưa cho công nhân từ 2.000 đồng đến 3.000đồng/người/ngày, đồng thời đang thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động có hợp đồng lâu dài”.
VẪN CÒN NHIỀU LAO ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG THIẾU VIỆC LÀM
Các DN đầu tư ở địa bàn nông thôn và phải sử dụng mặt bằng từ đất nông nghiệp trồng lúa 2 vụ, khi lập dự án bao giờ cũng ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Nhưng thực tế, hiện rất nhiều nông dân Hòa An không có việc làm sau khi bị thu hồi ruộng.
Như đã nói ở trên, toàn điểm công nghiệp Hòa An có trên 400 lao động. Xã Hòa An (địa phương bị thu hồi đất) có 59 lao động làm việc trực tiếp tại điểm công nghiệp, trong số này thôn Phú Ân – nơi có gần 250 nhân khẩu thoát ly sản xuất nông nghiệp do bị thu hồi đất để xây dựng điểm công nghiệp – có chưa tới 10 lao động được làm việc trong điểm công nghiệp. Nguyên nhân là hầu hết các DN sử dụng lượng lao động không nhiều do qui mô sản xuất nhỏ. Chẳng hạn, cơ sở sản xuất nước đá của DN Vinh Sâm chỉ hoạt động theo thời vụ, chủ yếu vào mùa hè, phục vụ cho tàu đánh bắt xa bờ và các cơ sở chế biến thủy hải sản trong tỉn nên chỉ cần vài người khỏe mạnh bốc đá cây lên xe. Hoặc DN Toàn Cầu, chuyên đúc gạch viên lát nền, do tiêu thụ chậm dẫn đến sản xuất không nhiều và thường xuyên… Một vài DN như Ngọc Chính, Việt Hòa vì áp dụng phương thức sản xuất mang yếu tố kỹ thuật – công nghệ nên đòi hỏi người lao động phải có tay nghề. Các DN này sẵn sàng nhận lao động tại thôn Phú Ân nhưng yêu cầu nghề nghiệp thì người dân không đáp ứng được.
Bên cạnh đó, cũng có DN sau khi đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị sản xuất rồi lại vắng… như “chùa Bà Đanh”. Nhiều DN khác đang xây dựng dở dang và dừng đầu tư như cơ sở sản xuất cà phê Tuy Hòa, cắt kính Minh Liên, DN Hà Phong, Trung Sơn.
Tình hình nói trên đã khiến mục tiêu tạo việc làm cho lao động tại địa phương, đặc biệt là những hộ bị thu hồi đất, khó mà đạt được. Hiện nay, Hòa An là xã có diện tích đất nông nghiệp thấp (theo Nghị định 64/CP bình quân 340m2/người). Để xây dựng điểm công nghiệp Hòa An, đã có 8 ha đất nông nghiệp trồng lúa 2 vụ của bà con nông dân thôn Phú Ân bị thu hồi. Nhưng sau khi “ly nông”, bà con đã không có việc làm mới ở điểm công nghiệp tại xã nhà. Ông Huỳnh Minh Thái ở thôn Phú Ân được nhận vào làm bảo vệ điểm công nghiệp Hòa An, bộc bạch: “Tôi may mắn hơn bà con khác là được nhận vào làm, lương tháng 800.000 đồng, còn nhiều gia đình rất khó khăn, không làm ruộng nữa nhưng lại chẳng có nghề ngỗng gì”. Ông Đoàn Sanh, Trưởng thôn Phú Ân, kiến nghị: “Thời điểm đó, tiền đền bù chỉ có 10.000đồng/m2 ruộng. Dân đã quen làm ruộng nay chuyển đổi nghề nghiệp là chuyện không đơn giản. Do vậy các dự án đầu tư nào vào điểm công nghiệp điều đầu tiên là phải thu hút được nhiều lao động, lao động giản đơn. Các cấp, ngành hữu quan nên kiểm tra, rà soát lại tình hình thực hiện các dự án và sử dụng lao động của các DN, có vậy mới xóa được đói, giảm được nghèo”.
HUY VÂN