Thứ Sáu, 04/10/2024 22:31 CH
Nhà sử học Dương Trung Quốc:
Có thực tài thì mới tồn tại được
Thứ Hai, 30/04/2007 08:00 SA

Không chỉ nổi tiếng ở lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, nhà sử học Dương Trung Quốc còn là một đại biểu Quốc hội thường xuyên được báo chí “săn đón”. Qua nhiều bài viết của ông cũng như qua nhiều lần trả lời phỏng vấn rất thẳng thắn, điều làm cho người ta kính trọng, ngưỡng mộ ông chính là một tri thức lớn và một tấm lòng luôn đau đáu với những giá trị văn hóa của dân tộc, với những giá trị đích thực của cuộc sống muôn màu muôn mặt và cũng lắm xô bồ.

 

070430-Duong-Trung-Quoc.jpg

Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc

* Thưa ông, không phải đến bây giờ mà từ thời phong kiến, khi việc thi cử được tiến hành khá nghiêm ngặt thì vẫn có những “tiến sĩ giấy”, như nhà thơ Nguyễn Khuyến từng mai mỉa “ “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai/ Cũng gọi ông nghè có kém ai…”. Có điều thời ấy không nhiều “tiếân sĩ giấy” như bây giờ. Theo ông, làm thế nào để khắc phục nạn học giả bằng thật?

 

- Xã hội ngày càng phát triển, ngày càng phải chuẩn hóa thì bằng cấp cực kỳ quan trọng. Xã hội nào cũng thế thôi, chúng ta đừng coi thường nó. Tất cả những việc đó phản ánh toàn bộ xã hội. Tình trạng bằng cấp giả cũng là một phần của biểu hiện chung trong xã hội. Không thể chỉ khắc phục cái này mà không khắc phục cái khác. Chính vì thế, cuộc đấu tranh với tình trạng này phải đặt trong sự tổng hòa của mọi vấn đề trong xã hội. Đương nhiên là rất khó khăn, nhưng tôi cho là hoàn toàn có thể làm được, nếu chúng ta xác định được chuẩn giá trị, giá trị thật sự. Tôi lấy một ví dụ: Cái bằng ấy có thể rất lớn, như bằng tiến sĩ, thậm chí như học hàm giáo sư, nhưng cũng chỉ có giá trị trong hệ thống của nhà nước ta thôi. Khi nhà nước tuyển dụng công chức theo chuẩn giá trị ấy, thì cái bằng ấy có giá trị lớn. Nhưng bây giờ xã hội mở rộng rất nhiều rồi. Và rõ ràng là có rất nhiều nguồn thu hút nhân lực, thu hút những người thực tài. Như các doanh nghiệp tư nhân, họ cần người thực tài. Doanh nghiệp nước ngoài càng như thế nữa.Và nguồn lực của lực lượng xã hội này ngày càng lớn. Rõ ràng nó sẽ tác động, làm cho người ta hiểu ra rằng: Có thực tài thì mới tồn tại được.

 

Hiện nay bộ máy quan liêu của chúng ta vẫn tồn tại, còn có một vị trí quá lớn trong đời sống xã hội. Đương nhiên sẽ có một luồng hướng vào giá trị ấy. Nhưng bạn sẽ thấy là khu vực ấy ngày càng hẹp dần. Và khi con người ngày càng thực tiễn hơn thì cuối cùng người ta sẽ tìm được chuẩn giá trị phù hợp với sự vận hành khách quan của sự phát triển xã hội. Về phía nhà nước, biết chuyện đó thì phải điều chỉnh sớm, và sẽ có cuộc cạnh tranh giữa nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Nhà nước mà không nhanh chóng điều chỉnh, tìm ra những chuẩn giá trị để có những con người thực tài phục vụ nhà nước thì sẽ dẫn đến tình trạng, tôi xin nói trước, như là thảm họa. Bởi vì nguồn lực bị chảy máu ra nước ngoài, đi sang những lĩnh vực khác. Mặc dù những lĩnh vực khác cũng có vai trò quan trọng, nhưng nếu như chúng ta muốn duy trì vai trò của nhà nước thì phải có ý thức về vấn đề nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ.

 

* Thời gian gần đây, học sinh của chúng ta nhiều em tỏ ra không quan tâm đến môn Lịch sử. Theo ông lỗi tại ai?

 

- Thực ra việc này không phải là “gần đây”, mà báo chí làm cho nó thành “gần đây”. Năm nào tôi thấy cũng có tình trạng ấy. Ít nhất là trong nhiều năm nay. Tôi nghĩ học sinh bây giờ không ghét môn Lịch sử. Nhưng cuộc sống biến đổi nhanh lắm, và con người chúng ta cũng chỉ có 24 giờ một ngày thôi. Con người có sự  lựa chọn. Trong sự lựa chọn ấy, cái gì hấp dẫn hơn, cần thiết hơn, thì họ chọn. Và việc mưu sinh bao giờ cũng thu hút người ta hơn. Chính vì vậy, lịch sử rất dễ bị đặt vào vị trí thứ  yếu, nếu như nó không tự chứng minh được rằng nó rất cần trong đời sống.

 

Tôi nghĩ là đừng trách các bạn trẻ. Có thể trách các thầy giáo cô giáo, trách chúng tôi, những người viết sử, đã không có những bài học lịch sử hấp dẫn cho các bạn trẻ, do hạn hẹp về năng lực. Tôi nghĩ lỗi là tại người lớn. Người lớn không gương mẫu. Mà lịch sử là tấm gương. Khi người lớn không gương mẫu thì không bao giờ các bạn trẻ làm theo cả.

 

* Người ta vẫn nói: Lịch sử được viết bởi những người chiến thắng, ông có nghĩ như vậy không? Và theo ông, làm thế nào để mọi người tin rằng lịch sử được viết một cách khách quan và công bằng?

 

- Chiến thắng được hiểu theo nghĩa nào? Chiến thắng trong một chiến trận hay là chiến thắng của con người trong sự phấn đấu vươn lên? Nếu chiến thắng trong sự phấn đấu vươn lên của toàn xã hội thì câu nói đó hoàn toàn đúng. Còn nếu là chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thì tôi luôn luôn nhắc: Chiến tranh chỉ là một khoảnh khắc của lịch sử. Chiến thắng là vinh quang nhưng nếu không được nối tiếp bằng sự phát triển thì những vinh quang đó chỉ là tạm thời.

 

* Vai trò nhà sử học, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN giúp ích gì cho vai trò đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng, thưa ông?

 

- Tôi cũng giống như các đại biểu Quốc hội khác, thực hiện tất cả các quy định của pháp luật về chức năng, bổn phận của mình. Không chỉ riêng tôi, các đại biểu ở những ngành nghề khác nhau, một bác sĩ, một kiến trúc sư, một nhà quân sự… tham gia Quốc hội, bên cạnh cái chung đều có những đóng góp riêng. Với vai trò nghiên cứu lịch sử, ít nhiều chúng tôi cũng có tác động mang lại phần nào những tri thức lịch sử, những cảm nhận lịch sử, và đằng sau đó chính là tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước, truyền thống… vào trong hoạt động chung. Ở Quốc hội, người ta hay gọi tôi là người nhắc vở.

 

Lịch sử có quy luật của nó. Và đôi khi những bài học lịch sử rất bổ ích cho cuộc sốùng hiện tại. Khi mình phát biểu điều đó thì thường ngôn ngữ lịch sử rất dễ thuyết phục người ta. Những đại biểu khác trong Quốc hội cũng phát huy vai trò gắn liền với nghề nghiệp, kinh nghiệm sống của họ.

 

* Xin cảm ơn ông.

 

LÂM VY (thực hiện)

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek