Dù Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD - ĐT) đã triển khai dạy tiếng Anh trong trường tiểu học hơn 4 năm nhưng không phải trường nào cũng tổ chức thực hiện được. Ở Phú Yên, từ năm học 2007 - 2008, toàn tỉnh phấn đấu có 80% học sinh tiểu học từ lớp 3 trở lên được học ngoại ngữ, đặc biệt là môn Tiếng Anh.
“SỐT” NHU CẦU HỌC TIẾNG ANH
Năm 2003, Bộ GD – ĐT ban hành chương trình dạy Tiếng Anh trong trường tiểu học (TH). Vốn là môn học được các bậc phụ huynh học sinh và xã hội quan tâm nên ngay từ những ngày đầu đưa vào giảng dạy, môn học này đã thu hút rất nhiều học sinh. Ông Nguyễn Ngọt, Hiệu trưởng Trường TH Lạc Long Quân, cho biết: “Mặc dù nhà trường được hỗ trợ dạy Tiếng Pháp tăng cường, nhưng học sinh không mấy mặn mà với ngoại ngữ này. Phần lớn phụ huynh chọn cho con học Tiếng Anh”. Mặc dù đã được các chuyên gia giáo dục khuyến cáo chỉ nên tổ chức học Tiếng Anh từ học sinh lớp 3 trở lên, nhưng các bậc phụ huynh vẫn tìm mọi cách để con em mình được học sớm chừng nào hay chừng ấy. Trong trường không dạy, họ thuê gia sư về nhà dạy thêm. Học ngoại ngữ nhanh chóng trở thành “cơn sốt” trong học sinh.
Dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học ở TP Tuy Hòa - Ảnh: T.H
Theo số liệu thống kê mới nhất, Phú Yên hiện có 103/167 trường TH, phổ thông cơ sở tổ chức dạy ngoại ngữ, chiếm tỉ lệ 61,67 %. Tổng số lớp tiểu học có học ngoại ngữ: 972/3.261 lớp, chiếm tỉ lệ 29,8 %. Học sinh tiểu học được học ngoại ngữ 27.125/81.548 em, chiếm tỉ lệ 33,26 %, trong đó, chủ yếu là học sinh ở thành thị và các vùng thuận lợi. Sở dĩ, dạy và học ngoại ngữ chưa được triển khai đồng bộ là do Bộ GD - ĐT chưa có một văn bản mang tính bắt buộc, mà chỉ quy định là môn học tự chọn, chưa bố trí biên chế giáo viên dạy ngoại ngữ chuyên biệt. Vì vậy, các địa phương chưa quan tâm đầu tư xây dựng, mua sắm các thiết bị phục vụ cho dạy học phù hợp. Ông Phạm Ngọc Hòa, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Đồng Xuân bày tỏ: “Hầu như học sinh nào cũng có nhu cầu học Tiếng Anh. Thế nhưng, do cơ sở vật chất hạn chế, toàn huyện có chưa đến 50% học sinh tiểu học từ lớp 3 trở lên được học Tiếng Anh. Đây thực sự là thiệt thòi lớn đối với các em”.
Ngoài ra, hiện một số địa phương chỉ đạo nhà trường thu học phí của học sinh để góp phần trang trải tiền lương cho giáo viên. Một số địa phương khác lại không thu học phí mà sử dụng ngân sách của ngành để trả lương cho giáo viên, dẫn đến sự không công bằng trong giáo dục.
PHẢI ĐÀO TẠO ĐỂ HỘI NHẬP
Trình độ tiếng Anh của học sinh Việt
Trong hoàn cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới thì việc dạy học ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông nói chung, trường tiểu học nói riêng đã trở thành một yêu cầu bức thiết. Theo kế hoạch phát triển của Phú Yên trong những năm sắp đến, chúng ta sẽ đón tiếp, hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, ngoài yêu cầu về trình độ tay nghề, lực lượng lao động còn phải có một trình độ ngoại ngữ nhất định để giao tiếp. Để thực hiện được điều này, từ năm học 2007 -2008, ngành Giáo dục phấn đấu tổ chức 80% học sinh tiểu học từ lớp 3 trở lên được ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Theo kế hoạch phát triển giáo dục tiểu học của Phú Yên từ nay đến năm 2010, tổng số giáo viên ngoại ngữ cần có cho các trường tiểu học là 200, tăng 64 giáo viên so với hiện tại. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Tá khẳng định: “Một khi có biên chế giáo viên, ngành GD - ĐT sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nâng cao trình độ, đảm bảo chất lượng dạy học ngoại ngữ ở bậc học phổ thông”.
MẠNH THUÝ – NGUYỄN VĂN