Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Ngọc Trúc được phân công về giảng dạy tại Trường THCS Đinh Núp (xã vùng cao Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân). Mới ra trường, có được công việc, đó là niềm vui lớn. Thế nhưng, phải về công tác tại một xã heo hút như Phú Mỡ, Trúc rất lo lắng. Cô thổ lộ: “Ngoài khó khăn về điều kiện đi lại, giáo viên chúng tôi còn thiếu thốn đủ thứ. Trường lớp lại xuống cấp, phương tiện dạy học không sử dụng được, còn học sinh thì ít quan tâm đến việc học chữ”.
Lớp học của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Trúc – Ảnh: M.THÚY
Phần lớn bà con ở Phú Mỡ là người dân tộc thiểu số, nhiều gia đình chưa mặn mà với việc cho con đến trường. Lúc cô Trúc về trường, xã chỉ có 3 lớp THCS và phải học ghép với trường tiểu học. Để “kéo” học sinh đến lớp, hằng ngày sau khi hoàn thành giờ dạy vào buổi sáng, buổi chiều, Trúc cùng các đồng nghiệp lặn lội hơn chục cây số đến các buôn, thôn xa xôi như Phú Tiến, Phú Đồng để vận động phụ huynh cho con em đi học. Nhờ thế, mà số học sinh tăng dần lên. Hiện toàn trường đã có gần 200 em theo học cấp 2. Đặc biệt, trong năm học 2006-2007, Phú Mỡ đã có 77 học sinh tốt nghiệp tiểu học để vào lớp 6, chiếm tỉ lệ trên 80%.
“Kéo” được học sinh ra lớp đã khó, giữ chân các em ở lại càng khó hơn. Cô Trúc cho biết: “Giữa thầy và trò có những khác biệt về ngôn ngữ nên các em gặp khó khăn khi tiếp nhận kiến thức. Nếu giáo viên không có phương pháp giảng dạy phù hợp, các em sẽ không theo kịp bài, chán nản dẫn đến bỏ học”. Vì vậy, cô Trúc áp dụng phương pháp dạy lý thuyết đi đôi với thực hành, sưu tầm mẫu vật thật hoặc tự làm tranh ảnh kèm với bảng phụ nhằm làm cho tiết học thêm phong phú và sinh động. Trong mỗi tiết, cô luôn có hình ảnh minh họa chú thích cho bài giảng để học sinh tiếp thu dễ dàng hơn. “Cách học trực quan sẽ giúp các em hiểu bài tốt hơn” – cô Trúc nói.
Dạy học ở một xã vùng cao nên cô ít được tiếp xúc với phương pháp dạy học tiên tiến như sử dụng giáo án điện tử. Nhưng như thế không có nghĩa là cô chịu bó tay. Mới đây, khi được Phòng Giáo dục huyện Đồng Xuân cử đi tham dự “Hội giảng giáo viên giỏi các trường dân tộc nội trú huyện và các trường THCS cụm xã” do Sở GD-ĐT tổ chức, cô đã tự tìm hiểu và hoàn thành một bài giảng bằng giáo án điện tử. Theo cô Trúc, thường xuyên dùng giáo án điện tử chắc chắn sẽ giúp học sinh hiểu và nắm bài nhanh hơn, tiết học sống động hơn.
Cô giáo Ngọc Trúc cho biết, học sinh Phú Mỡ hiện vẫn còn thiếu sách vở và trường chưa có phòng chức năng. Đây là hai trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục còn hạn chế. Để dạy học đạt hiệu quả, bản thân mỗi người giáo viên phải tự nỗ lực rất nhiều trong các giờ lên lớp. Cô Trúc tâm sự: “Mục đích cao nhất của tôi là làm sao để học sinh, dưới sự hướng dẫn của mình, chiếm lĩnh được tri thức, hình thành, phát triển kĩ năng, phát triển toàn diện về trí tuệ, tâm hồn và nhân cách”.
TRỌNG HẢO