Người lao động có nghề, có việc làm, thu nhập tăng và ổn định, góp phần thực hiện yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn và cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đây là kết quả mà chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên đã làm được trong thời gian qua.
ĐÀO TẠO THEO ĐỊA CHỈ: DỄ HỌC, DỄ LÀM
Để tạo điều kiện cho người lao động có tay nghề, Trường Trung cấp Nghề kỹ nghệ – Nghiệp vụ Phú Yên đã mở lớp dạy nghề may giày da ở thôn Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hoà). Học viên vừa học lý thuyết, vừa kết hợp thực hành ngay trên các sản phẩm. Với cách học này, sau thời gian từ 1 đến 3 tháng, học viên có thể tự làm hoặc xin làm công nhân ở các cơ sở giày da. Ông Nguyễn Mến, một chủ cơ sở gia công giày da, cho biết: “Sở dĩ lao động nhàn rỗi ở các vùng nông thôn nhiều là do chưa được đào tạo nghề. Chẳng hạn, ở thôn Ngọc Lãng, ngoài trồng rau và hoa, đa số người dân chưa có thêm nghề gì để tăng thu nhập. Chúng tôi liên kết với Trường Trung cấp Nghề kỹ nghệ – Nghiệp vụ Phú Yên mở lớp may giày da là để mọi người biết thêm một nghề mới, cải thiện thu nhập”.
Thanh niên được học nghề điện tại Trường trung cấp Nghề kỹ nghệ – Nghiệp vụ Phú Yên theo Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn – Ảnh: M.THÚY
Cũng với cách làm này, những lớp trồng nấm rơm ở các xã Hoà Thắng, Hoà An (huyện Phú Hoà) do Trường Trung cấp Nghề kỹ nghệ – Nghiệp vụ Phú Yên mở cũng đã thu hút rất nhiều lao động nông thôn theo học. Thời gian học mỗi lớp chỉ có 45 ngày, nhưng sau khi mãn khoá, học viên có thể tự giải quyết nhu cầu việc làm theo kiểu làm nấm nhỏ lẻ. Ông Phan Văn Kích, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: “Học nghề theo chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số, học viên được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại. Nhưng do quan niệm còn hạn chế nên việc học nghề trong người dân chưa cao. Nếu các trường chờ người lao động đến học, khó mà đủ số lượng để mở lớp. Vì vậy, chúng tôi phải đưa nghề về thôn, buôn để người dân làm quen rồi theo học”.
Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số do Trường Trung cấp Nghề kỹ nghệ – Nghiệp vụ Phú Yên, trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh triển khai từ năm 2005. Học viên sau khi tốt nghiệp được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Tuy nhiên, không phải cơ sở dạy nghề nào cũng tiến hành thuận lợi bởi trong thời gian qua, đã có không ít đơn vị phải hoàn trả lại kinh phí được phân bổ vì không đủ học viên. Ông Nguyễn Tài Soa, Phó trưởng Phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, bày tỏ: “Bình quân mỗi năm chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số từ 5.000 – 8.000 người, song hiệu quả thực hiện giữa các cơ sở đào tạo là không đồng đều. Nơi nào biết tư vấn, hướng nghiệp bằng những nghề có tỉ lệ tìm được việc cao thì nơi đó sẽ thu hút người học đông. Còn ngược lại thì phải hoàn trả lại kinh phí để chương trình chuyển sang cơ sở khác có nhu cầu đào tạo”.
HỌC NGHỀ CHƯA HẲN LÀ LỐI ĐI HẸP!
Phú Yên hiện có trên 465.000 người từ 15 tuổi trở lên có khả năng hoạt động kinh tế, chiếm tỉ lệ trên 53% dân số. Trong đó, có hơn 445.000 người đang làm việc thường xuyên ở các ngành kinh tế, số còn lại trong tình trạng thất nghiệp. Riêng ở khu vực nông thôn, do điều kiện dân số – lao động ngày càng tăng, các ngành nghề chưa phát triển mạnh nên ước tính hiện có khoảng 75.000 người đang có nhu cầu tìm việc làm.
Cơ cấu lao động của tỉnh được đánh giá là chưa hợp lý do chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ diễn ra rất chậm. Chất lượng lao động còn ở mức thấp, mới có 23,5% qua đào tạo (trong đó đào tạo nghề chiếm 14,04%), thiếu đội ngũ công nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật và tay nghề, nhất là khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu. Trong khi đó, lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề còn rất đông. Mục tiêu của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, dân tộc thiểu số của Phú Yên đến năm 2010 là 30.000 người, nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 26%. Mục tiêu này có thực hiện đạt hiệu quả hay không, phụ thuộc vào các cơ sở đào tạo nghề. Một khi các cơ sở đào tạo nghề thu hút được người lao động tìm đến với nghề thì cơ hội tìm được việc làm đối với họ là rất lớn.
Chi phí học nghề và thời gian học ngắn, rất phù hợp với các gia đình có điều kiện kinh tế còn khó khăn ở vùng nông thôn và miền núi. Điều quan trọng hơn là theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm và dạy nghề, vài năm tới, nhu cầu về công nhân kỹ thuật sẽ tăng cao. Ngay ở các khu công nghiệp trên địa bàn Phú Yên hiện nay cũng đang “khát” công nhân có tay nghề. Vì thế, các em học xong trung học phổ thông có hoàn cảnh khó khăn và sức học chưa xuất sắc thì nên chọn học nghề vì khả năng có việc rất lớn. Khi công việc ổn định, nếu có nhu cầu học tiếp, thì vẫn còn rất nhiều cơ hội, vì có thể học liên thông lên trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học...
THUÝ HẰNG