Năm học 2006 - 2007, toàn tỉnh có gần 10.000 học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT, hơn 15.000 học sinh lớp 9 thi và xét tuyển vào lớp 10. Tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT). Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết:
Việc thi cử ở Phú Yên sẽ được tổ chức nghiêm túc hơn. Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) đang xem lịch thi - Ảnh: T.HẰNG
- Căn cứ vào chỉ thị của UBND tỉnh về việc tổ chức các kỳ thi trong năm 2007 và tuyển sinh lớp 10 năm học 2007 – 2008, Sở GD - ĐT đã có văn bản chỉ đạo các trường THPT phải dạy hết chương trình, tuyệt đối không được cắt xén chương trình các môn học (dù là môn thi hay không thi tốt nghiệp). Các trường hướng dẫn học sinh làm hồ sơ dự thi tốt nghiệp lớp 12. Năm nay, trường nào để xảy ra tình trạng sai sót họ tên, ngày, tháng, năm sinh của học sinh thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Hiện bộ đề ôn thi tốt nghiệp các môn trắc nghiệm Lý, Hoá, Sinh và Ngoại ngữ đã được Sở GD – ĐT chuyển về các trường để tổ chức cho các em ôn tập. Nhiều trường THPT đã làm tất cả những gì có thể để học sinh không còn bỡ ngỡ với phương pháp thi mới này. Nhưng thực tế đã nảy sinh nhiều mối lo. Nhiều giáo viên dự báo: Điểm thi tốt nghiệp năm nay sẽ thấp hơn các năm trước. Song nguy hiểm hơn, tại nhiều trường THPT, không ít học sinh có tâm lý ỷ lại vào tỉ lệ “ăn may” trong thi trắc nghiệm, bỏ bê bài vở...
* Công tác tổ chức thi năm nay được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Lâu nay, công tác coi thi vẫn được xem là khâu yếu nhất. Yếu là do chưa thực hiện nghiêm túc. Từ một bài kiểm tra nhỏ đến một kỳ thi lớn đều có tình trạng học sinh quay cóp. Nếu các giám thị xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy chế thi thì học sinh sẽ ý thức hơn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, lực lượng coi thi sẽ được tăng cường đội ngũ giáo viên, giảng viên các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đóng trên địa bàn Phú Yên tham gia giám sát thi. Bình quân mỗi hội đồng thi có ít nhất 4 người giám sát. Năm nay có đến 3 môn Lý, Hoá và Ngoại ngữ thi bằng hình thức trắc nghiệm, thời gian làm bài chỉ 60 phút, nếu học sinh ỷ lại vào “phao” hay “ăn may” thì khó mà vượt qua được.
* Thưa ông, năm học 2006 – 2007 sẽ có hơn 15.000 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 hệ công lập năm học 2007 – 2008 chưa đến 50%. Nếu không công bằng trong khâu xét tuyển thì sẽ không tránh khỏi tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Để khắc phục tình trạng này, Sở GD – ĐT có biện pháp gì?
- Để hạn chế tốn kém, năm nay tuyển sinh vào lớp 10 chỉ tổ chức thi ở một số trường có tỉ lệ học sinh dự tuyển đông, các trường còn lại xét tuyển. Vì vậy, hơn bao giờ hết, kết quả đánh giá học lực của học sinh ở các trường THCS là rất quan trọng. Nếu chạy theo thành tích, việc các trường chủ động cho học sinh được tốt nghiệp 100% là trong tầm tay, thậm chí còn có thể “chế” điểm cao, thấp nữa là đằng khác. Rõ ràng điều này sẽ đánh giá không đúng thực chất kết quả giáo dục mà còn làm nguy hại đến chất lượng đào tạo của bậc THPT. Bên cạnh yêu cầu các trường xét đúng thực chất kết quả học tập của các em, Sở GD – ĐT sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất một số trường trong việc xếp loại học sinh.
Những tiêu cực, gian lận trong thi cử ngày càng phổ biến đã có tác động lớn đến nhận thức, dẫn đến hành động sai trái của không ít học sinh. Trước khi trách các em, cán bộ, giáo viên trong toàn ngành hãy tự trách mình. Đã đến lúc phải cắt bỏ khối “ung thư” thành tích ra khỏi cơ thể giáo dục, bởi suy cho cùng, mọi thứ tệ hại cũng đều do bệnh thành tích mà ra.
* Chủ trương xoá hệ bán công đối với các trường THPT trong năm học 2007 – 2008 có thực hiện không, thưa ông?
- Kế hoạch này đang được Sở GD – ĐT xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Vì vậy, trong năm học này vẫn chưa có gì thay đổi. Những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 hệ công lập, sẽ được xét tuyển vào hệ bán công, dân lập như mọi năm.
*Xin cám ơn ông!
THÚY HẰNG (thực hiện)