Từ điển tiếng Việt định nghĩa: Công bộc là: “Người cán bộ tự coi mình là đầy tớ chung của nhân dân”. Trong bài báo “Chính phủ là công bộc của dân”, viết đăng trên báo Cứu Quốc số 46 ngày 19/9/1945, Bác Hồ chỉ rõ: “Mưu tự do hạnh phúc cho mọi người, cho nhân dân là mục đích hoạt động duy nhất của Chính phủ và là vấn đề căn bản phản ánh tính chất nhân dân và chức năng “công bộc” của Chính phủ, của Nhà nước kiểu mới – Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Người nói: “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Người còn nói: “Tuyệt đối không được lên mặt quan cách mạng” và “Phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”…
Ngôi biệt thự là nhà công vụ suýt được bán giá rẻ cho một cựu lãnh đạo TP Hà Nội khiến báo chí tốn nhiều giấy mực thời gian gần đây - Ảnh: VNN
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền ở các cấp, các ngành đã biết trọng dân, gần gũi, sâu sát nhân dân, phát huy dân chủ và lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng của nhân dân, nên đã huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế – xã hội ở đơn vị, địa phương mình. Nhiều cán bộ, đảng viên đã khiêm tốn học hỏi nhân dân và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, thực hiện: Cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, nên đã được nhân dân tin yêu, quý trọng.
Tuy vậy, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, chính quyền ở các cấp, các ngành sống trong lòng nhân dân nhưng lại rất xa dân, không gần gũi, sâu sát lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của dân để biết rõ họ thiếu gì, cần gì, đang gặp khó khăn gì để giúp đỡ họ cùng tháo gỡ. Thậm chí có nơi dân đến công đường năm lần bảy lượt, cần gặp người có trách nhiệm để trình bày ý kiến của mình mà không được đáp ứng. Thư từ, kiến nghị của nhân dân gửi đến không được trả lời. Những vùng sâu, vùng xa hằng năm trời không có cán bộ, đảng viên cấp trên đến thăm hỏi động viên nhân dân, nắm tình hình để kịp thời có sự chỉ đạo sát đúng với thực tế. Vậy nên mới có chuyện bao nhiêu sự việc diễn ra ở làng nọ, bản kia họ không hề hay biết và khi đã biết thì đã quá muộn.
Bác Hồ dạy: Chính phủ nhân dân phải là “công bộc” của nhân dân, chứ không phải là cơ quan “đè đầu cỡi cổ” nhân dân “như các Hội đồng kỳ mục cũ thối nát”… Thế mà vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng tốn biết bao giấy mực để nói về vụ tiêu cực đất đai ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Tòa án Hải Phòng xét xử sơ thẩm vụ án đã bị cơ quan chính quyền can thiệp, làm cho cán cân công lý sai lệch, gây nỗi bất bình trong nhân dân. Tòa án cấp trên xét xử phúc thẩm và đã bác bỏ án sơ thẩm.
Rồi chuyện “nhà công vụ” dành cho những người đang thực hiện chức trách “công bộc” được trang bị những tiện nghi cần thiết để làm việc hoặc để các “công bộc” (có tiêu chuẩn) sinh hoạt trong thời gian thực thi chức trách của mình. Khi cơ quan cũng như vị quan chức nào đó không còn chức năng hoạt động trong bộ máy công vụ nữa (Nhà nước giải quyết nghỉ theo chế độ) thì những ngôi nhà công vụ đó phải trả lại. Thế mà nhiều người đã nghỉ ngơi theo chế độ hưu trí vẫn khăng khăng giữ lấy nhà công vụ (là những biệt thự). Việc đó phải được coi là hành vi chiếm dụng tài sản xã hội chủ nghĩa.
Rất mừng là Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có chỉ thị yêu cầu các cán bộ có tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ trả lại nhà cho Nhà nước sau khi đã thực thi chức trách mà Nhà nước và nhân dân giao cho.
Hai sự việc cụ thể “mới toanh” vừa nêu ra trên cho chúng ta thấy rằng khi “công bộc” biến chất thì họ có thể phớt lờ cả kỷ cương luật pháp và cả đạo đức xã hội để họ mưu đoạt được những gì mà lòng tham muốn của cá nhân họ, đòi hỏi cần phải có. Rồi những chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy nhà, chạy đất, chạy tội… diễn ra khá phổ biến trong những năm qua làm chúng ta phải suy nghĩ.
Bác Hồ dạy rằng “công bộc” không phải là quan cách mạng, tức là Người đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải khác với các loại quan lại của các chế độ cũ thối nát, chuyên hà hiếp dân, vơ vét của dân.
Càng ngẫm chúng ta càng thấy để thật sự là “công bộc” của dân, để dân mến, dân tin, dân quý trọng “Có thể vững lòng tin cậy và gửi số mệnh vào” là sự phấn đấu, rèn luyện cả một cuộc đời làm cách mạng của mỗi người.
TÔ PHƯƠNG