* Quốc hội thông qua Nghị quyết về Dự án 5 triệu ha rừng
Sáng 25/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, vấn đề lãi suất, việc thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng, kiểm soát thị trường vàng,…
Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Nhà nước sẽ độc quyền về sản xuất kinh doanh vàng miếng và nếu có nhóm lợi ích nào bị ảnh hưởng thì các nhóm này cũng phải vì lợi ích quốc gia. - Ảnh: Chinhphu.vn |
Tại phiên chất vấn, Thống đốc NHNN đưa ra hình ảnh giữ thăng bằng khi đi trên dây để nói về nhiệm vụ vừa phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa phải kiềm chế lạm phát của ngành ngân hàng. Trước đây, từ chỗ bị động trong điều hành chạy theo thị trường, nay điều hành của NHNN đã chuyển hẳn sang thế chủ động, dẫn dắt. Hàng loạt các chính sách quản lý hoạt động tiền tệ được ban hành trong thời gian qua chính là công cụ chỉ đạo điều hành thị trường để cùng đạt cả 2 mục tiêu nói trên.
Các đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội) cho rằng nên quy định trần lãi suất cho vay chứ không nên quy định trần lãi suất huy động, bởi có thể sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng cho vay nặng lãi. Có ý kiến đại biểu cho rằng quy định về trần lãi suất chỉ là biện pháp hành chính còn thực tế lãi suất NH nên là thỏa thuận. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, vào giai đoạn khó khăn càng cần phải áp dụng trần lãi suất huy động chứ không nên bỏ quy định này mà áp trần lãi suất cho vay để phù hợp với khả năng điều chỉnh chính sách tiền tệ. Nếu cào bằng lãi suất cho vay thì không phân biệt doanh nghiệp nào cần khuyến khích cho vay, loại nào cần hạn chế. Mặc dù có quốc gia lại chọn phương án áp trần huy động và sàn cho vay.
Về câu hỏi lãi suất cho vay giảm xuống 17- 19% nhưng một số doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn, Thống đốc cho biết từ ngày 7/9, chúng ta bắt đầu siết trần 14% để hạ lãi suất cho vay xuống 17- 19%. Một tháng sau đó, các tổ chức tín dụng đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay và đến nay lãi suất cho vay phổ biến ở 16%- 18%. Đối với kinh doanh bất động sản, chứng khoán, lãi suất thỏa thuận ở mức 18- 21%.
Theo tinh thần của Nghị quyết 11, cần giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, điều hành khiến một bộ phận doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn vay nhưng lại nằm trong chính sách điều hành vĩ mô để đạt mục tiêu chung về kiềm chế lạm phát. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng nên chia sẻ, Thống đốc cho biết. Thống đốc đánh giá, việc thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, lạm phát giảm mạnh là tiền đề rất cơ bản để giảm lãi suất trong thời gian tới.
“Kinh doanh vàng còn nhiều bất cập” là nhìn nhận của Thống đốc về hoạt động của thị trường vàng thời gian qua. Theo Thống đốc, Luật Ngân hàng Nhà nước năm 1997 quy định Ngân hàng Nhà nước thống nhất quản lý vàng nhưng các văn bản dưới luật quy định hoạt động quản lý có nhiều phân khúc, trong đó Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý khâu xuất nhập khẩu và nguyên liệu sản xuất vàng miếng, các khâu sau do các Bộ, ngành khác quản lý.
Thống đốc cho biết Nghị định khuyến khích hoạt động chế tác vàng trang sức để tạo ra hàng hóa cho thị trường trong nước, cho xuất khẩu, tạo công ăn việc làm. Nhà nước sẽ độc quyền về sản xuất kinh doanh vàng miếng và nếu có nhóm lợi ích nào bị ảnh hưởng thì các nhóm này cũng phải vì lợi ích quốc gia.
Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng thương hiệu vàng quốc gia dựa trên nhãn hiệu SJC (một thương hiệu thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh đang chiếm 90% thị phần trong nước). Để thương hiệu này mang cấp quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đang làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiết kiệm chi phí xây dựng thương hiệu. Và khi có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ đổi thương hiệu SJC thành SBV. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng đề án huy động vàng trong nhân dân phục vụ cho phát triển kinh tế, đảm bảo hoạt động thị trường vàng lành mạnh.
Tiếp tục thông tin rõ hơn về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo chất vấn của các đại biểu, Thống đốc cho biết việc tái cấu trúc hướng tới một hệ thống ngân hàng đa dạng về quy mô, loại hình sở hữu, trong đó có những ngân hàng làm trụ cột, có ngân hàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các phân khúc thị trường nhỏ lẻ. Phương châm của tái cấu trúc là hết sức thận trọng, tiết giảm tối đa chi phí, đảm bảo ổn định hệ thống, phát huy tối đa nội lực nền kinh tế. Lộ trình tái cấu trúc hệ thống được Thống đốc cho biết, từ nay đến quý 1/2012 sẽ định hình rõ 3 nhóm ngân hàng (nhóm ngân hàng lớn, có hoạt động tài chính lành mạnh; nhóm ngân hàng nhỏ không có khả năng phát triển thêm quy mô và nhóm ngân hàng nhỏ hoạt động khó khăn); từ quý 2 đến hết năm 2013 sẽ hoàn thành tái cấu trúc ngân hàng có hoạt động khó khăn; từ 2013- 2015 sẽ nâng cao hiệu quả an toàn, củng cố xây dựng các nhóm ngân hàng lành mạnh để trụ cột trong nước và đạt chuẩn khu vực.
Đến năm 2020, dựa trên thành quả tái cấu trúc ngân hàng giai đoạn 2011- 2015, đặt mục tiêu có 4 ngân hàng có tầm khu vực, trong đó có 2 ngân hàng lớn ở khu vực Đông Nam Á.
* Chiều 25/11, với tỉ lệ 91,6% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, được triển khai từ năm 1997-2010. Theo đó, Quốc hội ghi nhận Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 08/1997/QH10 và các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được điều chỉnh theo Nghị quyết số 73/2006/QH11.
Đồng ý kết thúc Dự án 5 triệu ha rừng, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 10 năm tới theo cơ chế chương trình mục tiêu quốc gia và hàng năm báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện.
Đồng thời, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như khẩn trương hoàn thành quyết toán và kiểm toán Dự án; bảo vệ diện tích rừng hiện có, tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng rừng; bảo đảm kinh phí cho việc bảo vệ, phát triển rừng; ổn định quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; đổi mới mô hình quản lý rừng theo chức năng từng loại rừng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong tạo giống, quản lý, khai thác và chế biến lâm sản để gia tăng giá trị rừng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật cũng như tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc bảo vệ và phát triển rừng, xác định giá trị rừng.
H.T (tổng hợp theo chinhphu.vn)