Thứ Sáu, 11/10/2024 01:24 SA
Chất vấn “nóng” bởi chuyện lỗ, lãi xăng dầu và điện
Thứ Sáu, 25/11/2011 11:00 SA

* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội

 

Chiều 24/11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ. Vấn đề về giá xăng, dầu và giá điện đã làm “nóng” nghị trường.

 

Hue-111125.jpg

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của Quốc hội - Ảnh: TTXVN

Trước những câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề quản lý và điều hành giá điện, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định: Việc quản lý giá luôn kiên trì nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước, tức phải tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, các khoản hạch toán chi phí hợp lý vào trong giá thành, đảm bảo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế có mức lãi phù hợp.

 

Trả lời các câu hỏi của các đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên), Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) về chuyện quản lý điều hành giá điện, giá than trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết trong quản lý điều hành giá, nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là kiên trì nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tôn trọng quyền định giá của doanh nghiệp, quản lý chi phí hợp lý vào giá thành và mức lãi của doanh nghiệp.

 

Đặc biệt về điện, do nhu cầu rất lớn, nếu không có giá phù hợp sẽ không thu hút được vốn đầu tư trong nước và nước ngoài. Hiện trong cơ cấu giá thành không được bao cấp hoàn toàn mà bù chéo cho nhau. Hiện trong bù chéo, than chỉ tính 57%-63% giá tiêu thụ của than, giá than bán cho điện thấp hơn rất nhiều so với thị trường. Cũng theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, hiện giá điện vẫn bao cấp cho sản xuất thép và ximăng. Theo kết quả kiểm toán năm 2010, sản lượng điện thương phẩm cung cấp thép và xi măng chiếm hơn 11% tổng lượng điện thương phẩm với 982 triệu kWh và giá bán điện cho thép chỉ 914 đồng.

 

Vì vậy, có hiện tượng các doanh nghiệp nước ngoài nhập phôi thép vào Việt Nam rồi sử dụng năng lượng giá rẻ tại Việt Nam sản xuất để xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài. Đó là hiện tượng chúng ta cần khắc phục trong điều hành về giá. Yếu tố thị trường không ngăn cản gì đến việc Nhà nước quản lý về giá trên cơ sở ban hành những chính sách văn bản điều hành về giá.

 

Liên quan đến việc bình ổn giá, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, trong những trường hợp những mặt hàng liên quan đến Nhà nước bình ổn giá thì Nhà nước thực hiện bình ổn đảm bảo giá để phục vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo cho người nghèo, thu nhập thấp được trợ giá. Những hộ sử dụng điện trung bình thì cũng phải thấp hơn mức bình quân chung. Vì vậy, trong năm 2011 vừa phải điều hành giá theo thị trường vừa thực hiện điều chỉnh giá như vừa nêu.

 

Tham gia cùng trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài chính về những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định có một số dự án điện độc lập bán điện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) giá thấp là nguyên nhân dẫn đến tình hình kinh doanh khó khăn của những dự án này. Phần lớn những dự án điện độc lập này có quy mô nhỏ, công suất dưới 30kW, mới được xây dựng, kinh doanh trong những năm gần đây. Lỗ có nhiều lý do như chênh lệch tỉ giá, vay ngân hàng đầu tư… Trong khi hợp đồng với EVN là hợp đồng không điều chỉnh giá, nên khó khăn cho dự án. Bộ Công Thương theo chỉ đạo của Chính phủ đã ban hành Thông tư yêu cầu EVN cùng các dự án điện độc lập xem xét lại các hợp đồng đã ký kết, những yếu tố khách quan biến động lớn phải điều chỉnh chứ không thể để kéo dài. Xung quanh chuyện lãi, lỗ của ngành điện và xăng dầu

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng), Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng), Đặng Thế Vinh (đoàn Long An) về tình hình kinh doanh thua lỗ của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: đối với EVN số liệu đã được kiểm toán là lỗ 8.040 tỉ đồng và tổng số 23.500 tỉ đồng. Nguyên nhân là do EVN thực hiện mua điện của các doanh nghiệp ngoài ngành EVN với giá cao. Trả lời câu hỏi vì sao có tình trạng này, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ là do cơ cấu hiện nay thủy điện là rẻ nhất, sau đó đến nhiệt điện chạy dầu và tua bin khí. Tuy nhiên, do sản lượng điện từ thủy điện chỉ chiếm 40% nên mặc dù có 100% thủy điện chăng nữa chúng ta vẫn phải có nhiệt điện, như vậy phải mua điện. Lỗ 8.040 tỉ đồng nguyên nhân chính là mua điện giá cao để cung cấp cho lưới điện Quốc gia. Hiện nay, việc đầu tư ngoài ngành điện có loại lãi, có loại lỗ nhưng không được tính riêng vào khoản lỗ 8.040 tỉ và chênh lệch tỉ giá lỗ 15.200 tỉ đồng. Khi tỉ giá biến động thường xuyên thì doanh nghiệp nào càng sử dụng ngoại tệ càng lỗ. Bộ trưởng Vương Đình Huệ dự báo, năm nay tình hình này sẽ đỡ hơn. Kế hoạch lỗ của EVN năm 2011 riêng về điện là trên 11.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến hết 9 tháng lỗ thực chỉ 680 tỉ đồng.

 

Trả lời về vấn đề lãi, lỗ của ngành xăng dầu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: trước năm 2008 chúng ta phải bù lỗ cho mặt hàng dầu để phục vụ sản xuất, xăng điều hành bình thường. Nhưng từ sau năm 2008 trở đi chúng ta điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Khi tiến hành theo kết quả kiểm toán thì năm 2008 Petrolimex lãi 913,7 tỉ USD riêng xăng dầu lãi 642 tỉ USD. Năm 2009 lãi 219 tỉ USD; năm 2010 lãi 314 tỉ, riêng xăng dầu lỗ 142 tỉ. Nếu năm 2011 không có biến động đột biến về tỉ giá điều chỉnh tháng 2 và 3, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thực hiện đúng định mức về bán hàng thì không có chuyện lỗ và vẫn có thể lãi.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết thêm, các hoạt động ngoài lĩnh vực xăng dầu thì hạch toán độc lập. Có lẽ trong báo cáo của Petrolimex trình bày chưa rõ, khi nói về tổng thể tình hình tài chính của Tổng công ty khi IPO công bố là lãi là vì lý do đó.

 

Về ý kiến của dư luận xung quanh thu nhập của người lao động trong ngành điện, theo bộ truởng Vũ Huy Hoàng, thu nhập của lao động ngành điện là cao hay thấp phải dựa vào 3 yếu tố: Mức thu nhập của người lao động làm công ăn lương của cả nước; những doanh nghiệp cùng lĩnh vực sản xuất kinh doanh; cùng khu vực doanh nghiệp. Lẽ ra, lãnh đạo EVN phải công bố chi tiết. Riêng các loại phụ cấp ngành điện được hưởng do tính đặc thù như an toàn điện, độc hại nguy hiểm đã chiếm tới 25% tiền lương. Lãnh đạo EVN phải có phân tích chi tiết hơn thì sẽ tạo được sự chia sẻ của dư luận.

 

Binh-111125.jpg

Thống đốc Nguyễn Văn Bình: Hệ thống ngân hàng hải thay đổi để không chỉ đáp ứng vốn mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về các dịch vụ ngân hàng- tài chính. - Ảnh: Chinhphu.vn

* Cũng trong chiều 24/11, trả lời chất vấn tại hội trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng xuất phát từ nhu cầu nội tại để phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới.  Tái cấu trúc hệ thống tài chính mà trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời gian qua.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Quyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) đặt câu hỏi với Thống đốc rằng hiện có bao nhiêu ngân hàng hoạt động yếu kém và phương án đảm bảo an toàn hệ thống khi tái cấu trúc. Trả lời câu hỏi, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, chúng ta cần có cái nhìn thực sự đúng đắn về tái cấu trúc vì hoạt động ngân hàng có vai trò hết sức to lớn, đây cũng là vấn đề hết sức nhạy cảm.Thống đốc khẳng định, nhiệm vụ tái cấu trúc ngân hàng để đáp ứng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội mới của đất nước, khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Thống đốc cho biết, hiện nay hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn ổn định mà ví dụ mới nhất là cách đây 1 tuần, Vietcombank đã phát hành trái phiếu ra thế giới với giá khá cao. Thống đốc cho biết, Việt Nam hiện có 37 ngân hàng cổ phần, trong đó 8 ngân hàng mạnh làm trụ cột cho hệ thống, 8 ngân hàng ở mức trung bình, 8 ngân hàng quy mô nhỏ hoạt động lành mạnh và 8 ngân hàng quy mô nhỏ hoạt động chưa lành mạnh. Tỉ lệ ngân hàng hoạt động yếu kém không quá 5% số lượng các tổ chức tín dụng toàn quốc.

 

Theo Thống đốc, đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã được hoàn thành và đến phiên họp cuối tháng 11 này, Chính phủ sẽ thông qua và xin ý kiến Bộ Chính trị. Thống đốc nhấn mạnh, tái cấu trúc nhằm xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh trong và ngoài nước trong bối cảnh quốc tế biến động; tạo ra hệ thống ngân hàng đáp ứng yêu cầu phát triển sắp tới về vốn cũng như dịch vụ ngân hàng; tạo ra hệ thống ngân hàng đa dạng quy mô, đa dạng loại hình sở hữu. Theo tính toán sẽ có 2 ngân hàng có đủ sức cạnh tranh khu vực, từ 10- 15 ngân hàng đủ mạnh để làm trụ cột hệ thống ngân hàng. Đồng thời, có các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định.

 

Trả lời một số câu hỏi về lãi suất ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, thời điểm cuối năm 2010 trần lãi suất huy động là 14% có ý nghĩa tích cực vì kế hoạch lạm phát năm 2011 đưa ra là 7%. Từ đầu 2011 đến tháng 7/2011, lạm phát cao hơn nên trần lãi suất 14% trở thành rào cản, trong giai đoạn này việc người gửi tiền bị thiệt là có thật. Tuy nhiên, từ cuối tháng 8, trước diễn biến lạm phát giảm dần, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, trần lãi suất huy động 14% là để giảm cho vay từ trên 20% xuống 17- 19%.

 

Thống đốc cho rằng, đến nay, chúng ta đã đạt được mục tiêu đó. Nhiều ngân hàng đã đưa ra chương trình tín dụng lên đến hàng nghìn tỉ đồng với lãi suất 16%, lãi suất cho nông nghiệp, nông thôn ở mức 14- 15%. Hiện nay, đa số hoạt động sản xuất kinh doanh lành mạnh đã tiếp cận được vốn ở mức lãi suất này. Lạm phát tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới là điều kiện để xem xét việc giảm trần lãi suất.

 

Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội vào sáng 25/11.  Cũng trong sáng 25/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek