Thứ Sáu, 11/10/2024 01:21 SA
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Phải giữ ổn định 3,81 triệu ha đất lúa
Thứ Năm, 24/11/2011 11:00 SA

Chiều 23/11, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về những vấn đề lớn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

Phat-111123.jpg

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn tại Quốc hội - Ảnh Chinhphu.vn

Có tới 34 câu hỏi trực tiếp từ các đại biểu Quốc hội dành cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 23/11 cho thấy tầm quan trọng cũng như sự quan tâm của cử tri cả nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Những chất vấn tập trung vào 3 nhóm vấn đề: chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha.

 

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thái Học (tỉnh Phú Yên) đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra những giải pháp khắc phục tình trạng các viện nghiên cứu, hệ thống khuyến nông, thú y xa rời thực tế đời sống của người dân. Về việc này Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận mặc dù đã cố gắng nhưng hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học còn nhiều tồn tại yếu kém, đặc biệt là khâu phục vụ trực tiếp nhu cầu của nông dân. Bộ trưởng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị phải đổi mới hoạt động sát hơn. “Tôi đã yêu cầu các đơn vị là đừng đem các báo cáo khoa học cho Bộ trưởng mà hãy đem đến bông lúa, trái cây có hàm lượng chất lượng, giá trị cao. Đó là đường hướng chúng tôi tiến hành”, Bộ trưởng nói.

 

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và một số đại biểu khác đặt ngay câu hỏi cho Bộ trưởng: “Giải pháp căn cơ để bảo vệ đất lúa là gì?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết thách thức lớn với đất lúa là bị lấy để phát triển hạ tầng đô thị, khu công nghiệp… “Tuy nhiên tôi thấy rằng trong 10 năm vừa qua nếu nhìn lại thì diện tích đất lúa đã giảm xuống 348.000 ha, trong đó 5 năm 2001 - 2006 là 303.000ha; năm 2006 – 2010, diện tích giảm chỉ còn 45.000ha. Điều đó cho thấy rằng một khi chúng ta quan tâm chỉ đạo quyết liệt thì việc bảo vệ lúa đã có hiệu quả mà chưa cần có nhiều giải pháp lớn khác...”. Tiếp theo, đương nhiên phải có quy hoạch để đáp ứng nhu cầu về đất cho các mục tiêu phi nông nghiệp. Mặt khác, chúng ta nên có chính sách để hỗ trợ khuyến khích các địa phương và bà con nông dân yên tâm làm ruộng.

 

Bổ sung các giải pháp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nêu 5 giải pháp bảo vệ 3,81 triệu ha đất lúa là: Điều tiết, phân bổ ngân sách đảm bảo lợi ích các địa phương thuần nông; có chính sách đối với các vùng quy hoạch chưa sản xuất lúa theo hướng hàng hóa; tăng cường đào tạo nghề để giúp các hộ dân mất đất lúa chuyển đổi nghề; xây dựng các quy định pháp lý nhằm động viên người dân trồng lúa thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người sản xuất lúa gạo và đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi 30% giá thành. Cuối cùng là rà soát xác định rõ chỉ tiêu khống chế về diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, phân bổ xác định ranh giới cắm mốc công khai đến từng xã, giao cho UBND xã chịu trách nhiệm quản lý...

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) đặt câu hỏi “Bộ trưởng đã có những giải pháp gì để tổ chức mô hình sản xuất phù hợp với đòi hỏi của một nền nông nghiệp sản xuất lớn?”. Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận việc đi lên sản xuất nông nghiệp lớn là bài toán khó khi phải khắc phục tình trạng sản xuất manh mún hiện nay. “Diện tích đất nông nghiệp có 10,1 triệu ha nhưng chúng ta có 13,5 triệu hộ nông dân canh tác và có hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ”. “Nhưng chúng ta vẫn có thể làm được và trong nhiều lĩnh vực chúng ta đã làm được điều đó, đã hình thành được các vùng sản xuất cao su, cà phê quy mô lớn, những vùng sản xuất lúa gạo quy mô lớn, chúng ta đang từng bước hình thành những vùng sản xuất về thủy sản, các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn…”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

 

chat-van-111124.jpg

Các đại biểu chất vấn về vấn đề nông nghiệp, nông thôn - Ảnh Chinhphu.vn

Chưa hài lòng, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa tiếp tục hỏi: “Vấn đề tôi quan tâm ở đây là sự tích tụ, tập hợp một cách tự phát của nông dân hay dưới góc độ quản lý Nhà nước, chúng ta đã có những tác động gì để thúc đẩy nhanh quá trình này?” Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết “tích tụ ruộng đất không phải hình thành một cách tự phát mà trong nhiều năm qua đã có sự tác động của Nhà nước mà trước hết thông qua công tác quy hoạch. Sau đó cũng đã có cơ chế chính sách để hỗ trợ bằng cách đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi, chính sách hỗ trợ trực tiếp từ nhân dân, trồng cao su, trồng các loại cà phê, trồng chè trong nhiều năm qua…”

 

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) và nhiều đại biểu khác lo lắng trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng mạnh tới sản xuất nông nghiệp. Các đại biểu chất vấn kế hoạch sắp tới của ngành để khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu? Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngoài các chủ trương, kế hoạch của Chính phủ thì riêng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang chỉ đạo, rà soát lại quy hoạch thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miền Trung và cũng đang có kế hoạch đối với những khu vực khác.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang bổ sung, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu mới được thực hiện qua 2 năm, tập trung giải quyết vấn đề về thể chế, về chiến lược, chính sách, chương trình hành động, truyền thông... Nguồn vốn thực hiện Chương trình “là cực lớn, nhưng trước mắt xin kiến nghị phải làm dần và kêu gọi nhiều nguồn vốn. Trong đó, hiện nay đã có một số nguồn vốn vay vài trăm triệu USD của các tổ chức quốc tế”, trong khi hiện có 600 dự án của các tỉnh gửi về.

 

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, các đại biểu cũng đã chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát và các bộ trưởng liên quan về việc bảo vệ rừng, xuất nhập khẩu nông sản, phân phối nông sản,…

 

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Bộ trưởng Cao Đức Phát và 4 bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn nghiêm túc và thấy được những vấn đề tồn tại cũng như đưa ra được nhiều giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện nền nông nghiệp nước nhà. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nhiều năm gần đây Đảng và Nhà nước đã tăng cao đầu tư cho nông nghiệp nông thôn. Đây là điều rất đáng mừng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hy vọng cuộc trả lời chất vấn hôm nay và các ý kiến của các bộ trưởng đưa ra cũng như cam kết thực hiện sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên trình độ cao hơn.

 

Ngày 24/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời chất vấn.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek