Sáng 23/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn kéo dài hai ngày rưỡi đối với thành viên Chính phủ. Người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn là Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều khiển phiên họp.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là người đầu tiên "đăng đàn".
Với 24 câu hỏi chất vấn, trong đó có 4 đại biểu chất vấn tới 2 lần, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã được yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến tai nạn, ùn tắc giao thông, chất lượng thi công và tiến độ các công trình giao thông trong điều kiện phải tiết giảm chi tiêu công. Ba vị Bộ trưởng khác đã cùng ông làm rõ thêm các vấn đề liên quan.
Thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình tai nạn giao thông hiện nay và coi đây là hệ quả của rất nhiều yếu tố, từ cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ đến quản lý nhà nước còn bất cập, ý thức người tham gia giao thông chưa cao, song Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là hiệu quả quản lý nhà nước còn yếu kém. Đây được coi là khâu đột phá quan trọng sẽ được vị Tư lệnh ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát.
Chưa hài lòng với “giải pháp chung chung”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn lại lần thứ 2: “Bộ trưởng có thể cam kết trong mấy năm thì giảm được tai nạn, ùn tắc”? Đây cũng là vấn đề được Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt ra. Ông Nghĩa “đòi” quyền phát biểu hết 2 phút và kết luận bằng chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng phối hợp với Bộ Công an đưa ra chỉ tiêu cụ thể về vấn đề này để cử tri theo dõi, giám sát”?
Đáp lời, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ đã xác định mục tiêu kể từ năm 2012 mỗi năm giảm 5%-10% số vụ tai nạn giao thông. Trước mắt, năm 2012 được ngành giao thông lựa chọn là năm An toàn giao thông. Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ thêm: “Khó có thể nói được bao giờ thì hết được tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, đó là vấn nạn song hành cùng với quá trình phát triển, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Nhưng Bộ Giao thông Vận tải sẽ không ngồi đợi mà làm được gì thì sẽ làm ngay, làm kiên quyết”. Tư lệnh ngành giao thông cũng kêu gọi toàn hệ thống chính trị và mọi người dân tham gia giao thông cùng chung sức thực hiện mục tiêu này.
Một thực tế được nhiều đại biểu như ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), bà Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)… phản ánh là chất lượng một số công trình giao thông kém, tiến độ thi công chậm góp phần gây ùn tắc, tai nạn giao thông. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) phê bình một cách hình ảnh: “Công trình làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh, hậu quả người dân gánh”. Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, bên cạnh nguyên nhân khách quan là phải thắt chặt chi tiêu ngân sách, dẫn đến tình trạng một số công trình thiếu vốn nên không đảm bảo tiến độ thi công, còn có những nguyên nhân chủ quan liên quan đến chất lượng ban quản lý dự án, chất lượng nhà thầu. “Không loại trừ có tình trạng bán thầu, thậm chí tiêu cực như đại biểu đã nêu. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các ban quản lý, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các nhà thầu. Đơn vị nào có sai phạm sẽ xử lý thích đáng, sai phạm nặng thì kiên quyết thay thế”, ông Thăng nói.
Một động thái được ông nêu ra để dẫn chứng cho quyết tâm này là việc đình chỉ công tác đối với Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương để làm rõ trách nhiệm. Bộ trưởng cho biết, sau khi nhận được thông tin về chất lượng kém của công trình này, sáng Chủ nhật vừa rồi ông đã vào tận nơi kiểm tra và xác nhận nhiều đoạn đường không đảm bảo. Ngoài việc đình chỉ công tác của Giám đốc Ban quản lý dự án, Bộ đã yêu cầu nhà thầu thi công phải khẩn trương khắc phục và phải chịu mọi chi phí.
Là một trong 4 đại biểu đăng ký chất vấn tới 2 lần, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) kiên trì yêu cầu Bộ trưởng cho biết về tuổi thọ công trình gắn với suất đầu tư một cách cụ thể. Mặc dù cho rằng vấn đề này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện sử dụng, tải lượng, điều kiện thời tiết… và cho đến nay chưa có văn bản nào quy định; song tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng hứa sẽ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn theo hướng này để cử tri có thể giám sát, kiểm tra.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) - Ảnh: SGGPO
Nhiều vấn đề khác như định hướng quy hoạch đầu tư mạng lưới đường sắt, kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo lái xe, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia; minh bạch hóa thu – chi quỹ bảo trì đường bộ cũng đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn trao đổi với các đại biểu.
Bộ trưởng Thăng cho biết, việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ được thu trực tiếp trên đầu phương tiện, vì thế không có chuyện tùy tiện sử dụng tiền thuế của người dân vào mục đích duy tu, sửa chữa đường bộ.
Tham gia trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng hiện đang có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng tắc nghẽn trong thành phố. Mật độ dân cư của Việt Nam tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, đặc biệt tại các quận nội thành quá cao, lên tới trên 20.000 người/km2 trong khi tại các đô thị nén của Singapore, Hong Kong chỉ khoảng 8.000 người/km2. Trong khi đó, đất dành cho giao thông ở Việt
Để giảm tai nạn giao thông, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị tăng cường giáo dục pháp luật cho người dân. Ông Quang đề nghị phải cấp phiếu theo dõi việc chấp hành luật lệ giao thông của lái xe, đặc biệt là xe tải. Cần đăng công khai những người vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Quang cũng chính thức thể hiện quan điểm phải tăng mức xử phạt vi phạm, với các hành vi như đua xe, phải tịch thu phương tiện chứ không thể trả lại như hiện nay. Ngoài ra, cần nghiêm cấm cán bộ công chức can thiệp vào xử lý vi phạm về an toàn giao thông. Ông Quang cho biết Bộ Công an cũng đang tích cực xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông trong sạch vững mạnh, sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tước quân tịch, truy tố những cảnh sát giao thông vi phạm.
Kết thúc phần chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phần hỏi và trả lời của Bộ trưởng Thăng và các đại biểu là "rõ ràng, đi thẳng vấn đề".
Sau phần chất vấn đối với Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, chiều nay, 23/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về nhóm vấn đề nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đăng đàn, trả lời việc thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân; xây dựng nên nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng thương hiệu nông sản xuất khẩu Việt Nam; sắp xếp đổi mới mô hình quản lý các công ty, nông, lâm trường; giải pháp giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và việc giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2020…
H.NGUYỄN (tổng hợp từ VOV, Tuổi Trẻ, SGGPO)