Thứ Sáu, 11/10/2024 07:30 SA
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp
Thứ Hai, 21/11/2011 17:00 CH

* Báo cáo về đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

 

Sáng 21/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giám định tư pháp.

 

giam-dinh-111121.jpg

Hình ảnh tại Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hòa - Ảnh minh họa

Trong phần thảo luận, đa số đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào việc giữ nguyên cơ quan giám định pháp y trong lực lượng công an tỉnh; xã hội hoá lĩnh vực giám định tư pháp. Lo ngại về thực trạng cán bộ giám định tư pháp thiếu và yếu, cộng với quy định cho phép thành lập các doanh nghiệp tư nhân thực hiện hoạt động giám định tư pháp có thể dẫn đến việc kết quả giám định không chính xác, thiếu khách quan, các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Giàng A Chu (Yên Bái) đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định về giám định lại, giám định bổ sung. 

 

Đại biểu Vi Thị Hương (đoàn Điện Biên) cho rằng: Những năm qua, hoạt động giám định tư pháp được Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, để giảm tải ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này, Chính phủ có thể cho thực hiện xã hội hoá giám định tư pháp trên lĩnh vực: Tài chính, kinh tế, xây dựng, văn hoá. Riêng lĩnh vực giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự không nên cho xã hội hoá. Bởi vì những lĩnh vực này nếu thực hiện sai sót sẽ ảnh hưởng đến lợi ích, uy tín và tính mạng của những người có liên quan đến vụ án.

 

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) quan tâm đến cơ cấu tổ chức của bộ máy giám định tư pháp. Bà Hương Thủy cho rằng không nên bỏ tổ chức giám định tư pháp ở Công an tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh tội phạm gia tăng và thủ đoạn phạm tội ngày càng phức tạp, tinh vi.

 

“Người làm công tác giám định pháp y cần phải có tính kỷ luật cao, đáp ứng yêu cầu làm việc mọi nơi, mọi lúc. Đồng thời, khi tham gia vào một vụ án, họ không đơn thuần giám định mà còn phải vận dụng nghiệp vụ công an để phân tích, đánh giá đối tượng, góp phần vào công tác định hướng điều tra, phá án”, đại biểu Hương Thủy lý giải.

 

Phát biểu sau đó, các đại biểu Vũ Thị Hương (Điện Biên), Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn)... bày tỏ đồng tình với quan điểm này.

 

Bà Vũ Thị Hương đặt câu hỏi: “Nếu nói để đảm bảo công tác giám định thật sự khách quan, độc lập với quá trình điều tra thì phải bỏ hoàn toàn hệ thống giám định tư pháp thuộc lực lượng công an, tại sao dự thảo Luật lại vẫn giữ tổ chức giám định tư pháp thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an”?

 

Ông Nguyễn Văn Minh nói thêm, hiện nay chỉ có giám định viên về pháp y và kỹ thuật hình sự mới buộc phải qua đào tạo về tư pháp là chưa đủ. Trên cơ sở phân tích tính chất đặc thù của công việc này, đại biểu nhấn mạnh: “Tất cả các giám định viên thuộc mọi lĩnh vực nhất thiết phải được đào tạo, bồi dưỡng về giám định tư pháp, trang bị kiến thức về pháp luật tố tụng. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung tiêu chuẩn này đối với giám định viên nói chung”. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) lại nhất trí với phương án bỏ bộ phận giám định tư pháp ở Công an tỉnh. “Nên tập trung nguồn lực vì một tổ chức giám định tư pháp mạnh”, ông Hiến nói.

 

Về nội dung xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng, trên thực tế hoạt động giám định pháp y là dễ xã hội hóa hơn cả, bởi đây là lĩnh vực nhiều việc nhất. Đại biểu đồng tình với quan điểm của Chính phủ cho rằng đây là lĩnh vực nhạy cảm, chưa nên xã hội hóa ngay, nhưng theo ông, quy định về văn phòng giám định tư pháp như trong dự thảo luật là khá chặt; trong khi lại chỉ được nhận việc ở những lĩnh vực ít việc nhất nên “chưa chắc mục tiêu xã hội hóa giám định tư pháp đã có thể hiện thực hóa”. Có cùng quan điểm này, song đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) có phần “thoáng” hơn khi đề nghị nghiên cứu, cho phép xã hội hóa cả hoạt động giám định pháp y. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) thẳng thắn cho rằng, với nội dung như hiện nay, dự thảo Luật chưa thể giải tỏa được những “điểm nghẽn” trong hoạt động giám định tư pháp. Một nội dung cần được chú trọng xây dựng, theo đại biểu, là quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao tính chính xác, khách quan trong các kết luận giám định.

 

* Bộ Tài chính cũng có báo cáo về tình hình đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước gửi đến các vị đại biểu Quốc hội ngay trước phiên chất vấn sẽ diễn ra vào giữa tuần này. Theo đó, đến cuối năm 2010, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư 3.576 tỉ đồng vào chứng khoán, 2.236 tỉ đồng vào lĩnh vực bảo hiểm, 5.379 tỉ đồng vào bất động sản, vào quỹ đầu tư 495 tỉ đồng; riêng lĩnh vực ngân hàng vượt trội với 10.128 tỉ đồng.

 

tai-111121.jpg

Lực lượng cứu hộ vớt xe gắn máy bị chìm trong vụ tai nạn chìm phà tại sông Trường Giang (Quảng Nam) sáng 21/11. Ảnh: SGGPO

Còn nếu tính trong giai đoạn 2006 - 2009 thì đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán là 707 tỉ đồng (năm 2006), 1.328 tỉ đồng (năm 2007), 1.697 tỉ đồng (năm 2008) và 986 tỉ đồng (năm 2009). Đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm từ 2006 - 2009 là 758 tỉ đồng (năm 2006), 2.655 tỉ đồng (năm 2007), 3.007 tỉ đồng (năm 2008) và 1.578 tỉ đồng (năm 2009). Đầu tư vào các quỹ lần lượt là 600 tỉ đồng, 1.050 tỉ đồng, 1.424 tỉ đồng và 694 tỉ đồng. Và đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng với 3.838 tỉ đồng, 7.977 tỉ đồng, 11.427 tỉ đồng và 8.734 tỉ đồng.

 

Những con số này cho thấy, trong khi các lĩnh vực khác có những “thăng trầm” nhất định thì ngân hàng là lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn hơn cả trong cơ cấu đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

 

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cơ cấu để giảm dần tỉ lệ vốn góp vào các lĩnh vực nêu trên. Tuy nhiên việc thoái vốn ở những lĩnh vực này chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra của Chính phủ, mà nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế thế giới và trong nước suy giảm. Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về đầu tư vốn nhà nước làm chủ sở hữu vào cuối năm 2011. Ban đầu, nội dung này dự kiến được luật hóa, nay sẽ chỉ được quy định trong một nghị định.

 

* Cũng trong sáng 21/11, báo cáo tổng hợp việc thực hiện lời hứa qua hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII cũng được gửi đến các đại biểu Quốc hội.

 

V giải pháp đảm bảo an toàn cho các dự án khai thác và chế biến bauxite ở Tây Nguyên, Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo chủ đầu tư thuê đơn vị tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, uy tín để tái thẩm định thiết kế hồ bùn đỏ Tân Rai. Bộ cũng đã tổ chức nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu, rút kinh nghiệm về đảm bảo an toàn cho các dự án bauxite. Hiện tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đang được thẩm định, dự kiến trình Thủ tướng trong tháng 11-2011. Bản báo cáo thẳng thắn nhìn nhận, sự cố rò rỉ xút ở dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng xảy ra trong thời gian gần đây là điều đáng tiếc, mà nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người thi công. Nhờ khắc phục kịp thời nên theo đánh giá ban đầu, mức độ ảnh hưởng đến môi trường là không đáng kể.

 

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục hậu quả của sự cố, giải quyết bồi thường thiệt hại (nếu có) cho các hộ dân bị ảnh hưởng; đồng thời khẩn trương lập và phê duyệt biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo quy định.

 

Liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trách nhiệm của Bộ đã được nêu rõ tại kết luận của Thanh tra Chính phủ. Đó là chưa kiên quyết có những giải pháp kịp thời và hiệu quả để yêu cầu Hội đồng Quản trị Vinashin xây dựng, trình Thủ tướng ban hành điều lệ tổ chức và hoạt động, bổ nhiệm hoặc thuê tổng giám đốc điều hành; chưa phát hiện kịp thời những yếu kém và cố ý làm trái trong hoạt động của tập đoàn để chủ động đề nghị các cơ quan chức năng báo cáo Thủ tướng ngăn chặn, xử lý.

 

Bộ đã hướng dẫn Vinashin hoàn chỉnh hồ sơ để Bộ thẩm định, trình và được Thủ tướng phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty mẹ - Vinashin và quyết định kiện toàn hội đồng thành viên, tổng giám đốc tập đoàn.

 

Qua một năm thực hiện tái cơ cấu, Bộ đã hướng dẫn, phối hợp chặt chẽ với Vinashin, trực tiếp tháo gỡ khó khăn để tập đoàn từng bước ổn định sản xuất kinh doanh.

 

Báo cáo tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tai nạn giao thông trong cả nước và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn cũng vừa được gửi đến Quốc hội. Tính bình quân ở Việt Nam trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do tai nạn giao thông gây ra. So sánh với đại thảm hoạ động đất và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản ngày 11-3-2011 thì số người chết vì tai nạn giao thông một năm ở Việt Nam bằng 75,55% (số người chết do thảm họa sóng thần là 15.790 người), số người bị thương vì tai nạn giao thông bằng 156,58% (số người bị thương do thảm họa sóng thần là 5.933 người).

 

Với những thiệt hại về người và tài sản to lớn như vậy, tai nạn giao thông có thể coi là “quốc nạn” mà cả hệ thống chính trị cần kiên quyết chung tay giảm thiểu. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là do: công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém; công tác đào tạo, sát hạch lái xe ở một số nơi chưa thật sự nghiêm túc dẫn đến một số lái xe chưa thành thạo điều khiển phương tiện đã tham gia giao thông, gây mất an toàn giao thông. Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ chưa quyết liệt, không đảm bảo tinh răn đe, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh khi xử lý vi phạm.

 

Để đạt được mục tiêu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông hàng năm, nhiều giải pháp cụ thể đã được Chính phủ nêu rõ trong Báo cáo. Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đảm bảo tính đồng bộ và các giải pháp mạnh có tính răn đe; xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đủ mạnh và nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông… 

 

H.T (tổng hợp từ VOV, SGGPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek