Thứ Sáu, 11/10/2024 23:33 CH
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII: Thông qua ba Nghị quyết quan trọng
Thứ Tư, 09/11/2011 17:30 CH

Ngày 9/11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Nghị quyết về kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 và Nghị quyết về kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Quốc hội cũng thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước.

 

QH1-111109.jpg
Nguồn: chinhphu.vn

Với 90,40% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, trong đó nhiệm vụ ưu tiên kiềm chế lạm phát được đặt lên hàng đầu.  Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012 sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.

 

Một số chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế năm 2012: Tăng trưởng GDP năm 2012 ở mức khoảng 6% - 6,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%. Nhập siêu khoảng 11% - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong điều kiện cho phép, phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

 

Bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8% GDP. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33,5% GDP. Chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%.

 

Các chỉ tiêu về xã hội: Tạo khoảng 1,6 triệu  việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt đạt 46%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng ở các huyện nghèo giảm 4%. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 16,6 %. Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 21,5 giường.

 

Về chỉ tiêu  môi trường: Tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 79%. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 70%. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 41%.

 

Để đạt mục tiêu này, Quốc hội cũng đề ra 9 giải pháp thực hiện. Trong đó nêu rõ, giao Chính phủ khẩn trương hoàn thành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; thực hiện đồng bộ theo lộ trình thích hợp trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

 

Quốc hội nêu rõ, tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công theo hướng giảm dần tỉ trọng và nâng cao hiệu quả. Xây dựng cơ chế, chính sách định hướng và tạo điều kiện đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động đầu tư. Nâng cao chất lượng và tính bền vững của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và năng lực quản trị doanh nghiệp nhà nước; minh bạch hóa tài chính và kết quả hoạt động sản xuất-kinh doanh góp phần tăng tính an toàn của nền kinh tế.

 

Cơ cấu lại thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính. Nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính an toàn hệ thống; giảm dần việc huy động đầu tư chủ yếu từ tín dụng ngân hàng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động vốn đầu tư từ thị trường vốn; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty chứng khoán; tăng hiệu quả hoạt động bảo hiểm; kiểm soát hiệu quả các quỹ đầu tư, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ lũng đoạn thị trường.

 

Nghị quyết cũng nêu, thực hiện mục tiêu ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia. Điều hành chặt chẽ, thận trọng các chính sách tài khóa, tiền tệ, xuất- nhập khẩu... kiểm soát để chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp, ổn định theo từng tháng và đạt mục tiêu cả năm. Ưu tiên sử dụng số vượt thu ngân sách nhà nước năm 2011 để giảm bội chi, tăng trả nợ hoặc giảm vay nợ. Kiểm soát chặt chẽ và giảm tối đa nhập khẩu đặc biệt là nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu.

 

Rà soát, đánh giá các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là ở các vùng kinh tế trọng điểm để bố trí vốn đầu tư dứt điểm cho các dự án có thể hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay trong 2 năm 2012-2013. Khai thác có hiệu quả quỹ đất dành cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, gắn kết quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng giao thông để tăng thêm nguồn vốn huy động ngoài ngân sách.

 

Tiếp tục thực hiện tốt nhóm chính sách an sinh xã hội, triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo, nhất là ở các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ hộ nghèo, đối tượng chính sách chịu tác động lớn khi Nhà nước điều chỉnh giá một số mặt hàng điện, xăng dầu, than và giá dịch vụ công theo cơ chế thị trường. Nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng, hỗ trợ cho nông dân tham gia lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân.

 

Tập trung đẩy mạnh khắc phục ô nhiễm môi trường trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, bệnh viện, thường xuyên thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

 

Làm tốt hơn nữa công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược, bám sát các diễn biến mới của tình hình thế giới và khu vực, kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề nảy sinh đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ  cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, tạo tiền đề hoàn thành toàn diện Kế hoạch 5 năm 2011- 2015.

 

Cũng trong sáng nay, với tỉ lệ tán thành đạt 82%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2011 – 2015 với tổng mức kinh phí thực hiện cả giai đoạn không quá 276.372 tỉ đồng cho 16 chương trình như đề xuất ban đầu của Chính phủ. Theo đó, danh mục CTMTQG giai đoạn 2011-2015 gồm: Việc làm và dạy nghề; Giảm nghèo bền vững; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Y tế; dân số và kế hoạch hóa gia đình; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Văn hóa; giáo dục và đào tạo; Phòng – chống ma túy; Phòng, chống tội phạm; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng nông thôn mới; phòng chống HIV/AIDS; Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

 

Nguồn kinh phí thực hiện CTMTQG không quá 276.327 tỉ đồng được huy động từ ngân sách Trung ương là 105.392 tỉ đồng (chưa bao gồm số đã phân bổ cho Chương trình 135 giai đoạn 3 và chương trình 30a năm 2011), ngân sách địa phương là 61.542,5 tỉ đồng; vốn nước ngoài là 19.987,5 tỉ đồng; vốn tín dụng là 39.815 tỉ đồng và vốn huy động khác là 49.635 tỉ đồng.
Quốc hội giao Chính phủ rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần trong từng CTMTQG, trình UBTVQH cho ý kiến trước khi thực hiện. Đồng thời, Chính phủ đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, thanh tra việc triển khai thực hiện cũng như việc sử dụng các nguồn lực nhằm đảm bảo hiệu quả của các CTMTQG. Bên cạnh đó, UBTVQH, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội cùng các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, theo chức năng, nhiệm vụ, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn CTMTQG tại các Bộ, ngành và địa phương.

 

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 9/11về dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi, mặc dù tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về một số nội dung cụ thể trong dự Luật nhưng các đại biểu đều tán thành cần thiết phải ban hành Luật tài nguyên nước sửa đổi. Đánh giá Dự thảo Luật Tài nguyên nước với 86 điều, trong đó có 39 điều mới và 45 điều đã được sửa đổi, bổ sung là bước tiến mới trong tiếp cận xây dựng Luật, đáp ứng đúng định hướng phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị gắn trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng giữa các tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng với tổ chức bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên này, nhất là tại các địa phương. Theo đó, nguyên tắc quản lý là bảo đảm hài hòa lợi ích, tiết kiệm, an toàn, có hiệu quả, sử dụng tổng hợp đa mục tiêu, đảm bảo công bằng giữa quyền và lợi ích của các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động này.

 

Việc điều chuyển nước trong phạm vi lưu vực sông thuộc tỉnh cần xin ý kiến của UBND các tỉnh có liên quan vì đó là lợi ích chung của cả luồng sông. Tương tự như vậy, việc xây dựng các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên dòng sông thì cần tham luận giữa các tỉnh có sông chảy qua.

 

Về trách nhiệm chủ đầu tư các nhà máy thủy điện như Ba Hạ, A Vương sử dụng nguồn tài nguyên nước để phát điện nhưng khi vận hành và xả lũ đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư vùng hạ lưu, gây thiệt hại kinh tế và gây ô nhiễm môi trường, đại biểu Lâm Thành chỉ ra: Đây là vấn đề gây bức xúc trong xã hội nhưng dự thảo Luật lại chưa có nội dung nào quy định trách nhiệm của chủ đầu tư gây thiệt hại đến đời sống nhân dân vùng hạ lưu. Do vậy, dự Luật cần có thêm quy định về trách nhiệm chủ đầu tư để xảy ra sự cố khi vận hành nhà máy thủy điện thì phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại gây ra.

 

Đóng góp ý kiến cho dự Luật, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng cần điều tra quy hoạch tài nguyên nước khu vực sông, theo cả vùng và có phân loại cụ thể sát với nhu cầu thực tế, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Với tầm nhìn dài hạn, quy hoạch tài nguyên nước nên giao UBND tỉnh, thành phố lập, phê duyệt nhiệm vụ sau khi có ý kiến phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm tạo sự thống nhất trong phân cấp quản lý nhà nước trên toàn quốc. Luật cũng cần quy định việc thu tiền sử dụng khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sử dụng; trong đó, nguồn thu từ khai thác tài nguyên phải đưa vào ngân sách Nhà nước; các khoản chi phải được giám sát và quyết toán chặt chẽ.

 

Đề cập đến phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị không nên chia cắt tài nguyên nước thành nước trên đất liền, nước trên biển và tài nguyên nước biển. P hạm vi điều chỉnh của dự Luật chỉ đề cập đến tài nguyên nước trên vùng lãnh thổ bởi đã có Luật điều chỉnh về tài nguyên nước trên biển. Tuy nhiên, đại biểu này vẫn băn khoăn và đề xuất đưa Tài nguyên nước vùng lãnh hải vào Luật Tài nguyên nước trên biển vì lãnh hải cũng là lãnh thổ nước ta và nguồn tài nguyên nước biển thậm chí này còn lớn hơn cả tài nguyên nước trong lãnh thổ, cũng như có thể chuyển thành nước ngọt. Hơn nữa, việc quản lý tài nguyên nước vùng lãnh hải rất cần thiết nhất là khi Việt Nam đang tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, dự Luật cần có quy định xử nghiêm các hành vi cố ý đổ nước thải, chất thải gây ô nhiễm nguồn nước; hành vi gây rò rỉ nước thải, chất thải do quản lý kém.

 

Tổng kết phiên họp sáng 9/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Những nội dung cụ thể trong dự Luật Tài nguyên nước sửa đổi mà các đại biểu Quốc hội đóng góp sẽ được UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý sửa đổi và chỉ đạo Ủy ban Kinh tế, các ủy ban, cơ quan liên quan của Chính phủ và Quốc hội nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý sửa đổi dự Luật để trình ra Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tới.

 

Danh mục 16 Chương trình MTQG:

 

Việc làm và dạy nghề; Giảm nghèo bền vững; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Y tế; Dân số và kế hoạch hóa gia đình; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Văn hóa; Giáo dục và đào tạo; Phòng, chống ma túy; Phòng, chống tội phạm; Sử  dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng nông thôn mới; Phòng chống HIV/AIDS; Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

 

H.TRỌNG (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn, SGGPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek