Thứ Bảy, 12/10/2024 01:20 SA
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:
Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm
Thứ Ba, 08/11/2011 17:00 CH

* 9 giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu

 

Sáng 8-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Nghị quyết được 446 đại biểu bỏ phiếu tán thành (đạt 89,2%).

 

QH-111108.jpg

Đại biểu Quốc hội góp ý Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm

Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 quyết nghị, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2006-2010) với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, toàn Đảng toàn dân đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, duy trì tăng trưởng khá, bình quân 5 năm đạt 7% GDP. Nước ta đã gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, đời sống nhân dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Tuy nhiên, do những khó khăn của tình hình thế giới và trong nước nên trong 24 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm, có 10 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng hiệu quả, sức cạnh trạnh của nền kinh tế còn thấp.

 

Về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, dự thảo nghị quyết nêu rõ: Kế hoạch 5 năm cần bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đã được Đại hội Đảng lần thứ XI xác định; lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt hơn và có bước đi phù hợp từng bước tạo tiềm lực để thực hiện mục tiêu tông quát, các chỉ tiêu, 3 đột phá và 12 định hướng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.

 

Với mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới quy mô tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân; tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế; bảo vệ vững chắc đôc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong 2-3 năm đầu tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, tăng trưởng ở mức hợp lý và tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; 2-3 năm tiếp theo hoàn thành cơ bản cơ cấu lại nền kinh tế để phát triển nhanh bền vững.

 

Theo đó, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu 5 năm tới: Tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 6,5-7%; Tỉ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm khoảng 33,5%-35% GDP; Giảm dần nhập siêu từ năm 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất vào năm 2015; Bội chi ngân sách Nhà nước đạt dưới 4,5% vào năm 2015 (mức bội chi cộng thêm trái phiếu Chính phủ); Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP; Chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%-7% vào năm 2015...

 

Về các chỉ tiêu xã hội: Tạo việc làm cho 8 triệu người; thu nhập thực tế của dân cư đến năm 2015 gấp 2-2,5 lần so với năm 2010; Giảm hộ nghèo nhanh bền vững, tỉ lệ giảm 2%/năm và giảm 4%/năm đối với các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; Diện tích nhà ở bình quân đạt 22m2 sàn/người đến năm 2015 và đạt 8 bác sĩ và 23 giường bệnh/10.000 dân… Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42-43%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử đạt 85%...

 

Đối với các chỉ tiêu khác về kinh tế, xã hội, môi trường, Quốc hội giao Chính phủ xem xét, quyết định và báo Quốc hội kết quả thực hiện hàng năm.

 

Dự thảo Nghị quyết Quốc hội cũng đề ra 9 nhóm định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội. Thứ nhất, khắc phục nhanh, hiệu quả những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Thứ hai, có đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản xuất chủ yếu. Thứ ba, tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền. Cơ cấu lại thu-chi ngân sách. Rà soát, điều chỉnh phân cấp quản lý đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ. Đổi mới chính sách xuất-nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu. Thứ tư, tập trung thực hiện 3 đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-2020. Cơ bản xây dựng xong hệ thống pháp luật gắn với cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Rà soát, sửa đổi lại quy định về phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Rà soát, đánh giá các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm. Thứ năm, áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo.Thứ sáu, đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục – Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đến nhân lực lãnh đạo. Nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là bậc đại học. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Đổi mới căn bản cơ chế quản lý Khoa học-Công nghệ, phát triển kinh tế tri thức. Thứ bảy, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả, hiệu lực các chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Thứ tám, tập trung xây dựng, thực hiện các đề án cải cách tư pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ. Thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ. Kiên quyết phòng chống và xử lý nghiêm, hiệu quả nạn tham nhũng. Thứ chín, quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, giữ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, chú trọng vấn đề biển Đông một cách thỏa đáng, cân bằng trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng pháp luật quốc tế và nguyên tắc ứng xử khu vực.

 

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm 2011-2015.

 

Cũng trong sáng 8/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015. Các đại biểu đã tập trung thảo luận về nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015; Tổng mức vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015; Nguyên tắc, tiêu trí  và danh mục các dự án dự kiến bố trí vốn trái phiếu Chính phủ; Nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2006-2010 và năm 2011; Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2011-2015; Nguyên tắc, tiêu trí  và danh mục các chương trình mực tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

 

Về Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ, theo báo cáo của Chính phủ, tổng mức đầu tư vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 là 225.000 tỉ đồng, tương ứng với 45.000 tỉ đồng mỗi năm. Chính phủ cũng khẳng định không bổ sung mới các công trình, dự án; thực hiện rà soát cắt, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư đối với các công trình, dự án đã có trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015.

 

Thảo luận về vấn đề này, hầu hết các đại biểu quốc hội cho rằng việc lựa chọn các dự án, việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ vừa qua chưa căn cứ vào tiêu chí cụ thể, chưa theo quy hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực nên hiệu quả đầu tư chưa cao, còn lãng phí, thất thoát nhưng chưa có cơ chế xác định trách nhiệm.

 

Do vậy, các đại biểu quốc hội đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn từ 2003 đến nay, nhất là trong việc để số lượng, công trình được phê duyệt, tổng mức đầu tư tăng quá cao, vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến cho rằng khâu quản lý trái phiếu chính phủ hiện nay còn lỏng lẻo, gây lãng phí lớn, dẫn đến gia tăng nợ công. Đầu tư trái phiếu Chính phủ thời gian qua còn tràn lan, dễ dãi...

 

Hầu hết các ý kiến đề nghị phải đưa vốn trái phiếu Chính phủ  vào cân đối ngân sách TƯ hàng năm để dễ bề giám sát, quản lý. Đại biểu Trần  Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị vốn trái phiếu Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng, ưu tiên cho giao thông, thủy lợi, y tế giáo dục. Tuy nhiên, cũng cần chỉ rõ những dự án cấp bách trong vài năm tới để phát hành trái phiếu Chính phủ để triển khai hiệu quả, tránh lãng phí như thời gian qua.

 

Về chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015, Chính phủ đề ra 16 chương trình trong giai đoạn 2011-2015. Tổng mức kinh phí từ ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn này tối đa là 105.392 tỉ đồng trên tổng mức vốn đầu tư là 276.372 tỉ đồng, chưa kể chương trình 135 và 30A đã được ngân sách trung ương bố trí năm 2011 là 4.110 tỉ đồng.

 

Thảo luận về vấn đề này, hầu hết các ý kiến cho rằng, kết quả đạt được của nhiều chương trình chưa tương xứng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và  các nguồn vốn khác. Một số chương trình chưa hiệu quả, còn nhiều trùng lắp…  Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều tồn tại. Chính phủ cần rà soát các chương trình quốc gia, chỉ rõ những hạn chế, xử lý các sai phạm.

 

Nhiều đại biểu tuy đồng tình với các chương trình trong giai đoạn tới nhưng vẫn cho rằng còn nhiều trùng lắp, cần ghép một số chương trình lại như chương trình nước sạch ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới: ghép chương trình phòng chống HIV/AIDS và ma túy. Chỉ còn lại khoảng 10-12 chương trình thay vì 16 chương trình như Chính phủ báo cáo.

 

Trao đổi với báo chí bên hàng lang hội trường Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, 20 chỉ tiêu chủ yếu đã được các đại biểu Quốc hội xem xét rất kỹ. 9 nhóm giải pháp có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Trong giải pháp tái cơ cấu kinh tế có 3 nội dung trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu thị trường tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp và không được xem nhẹ nội dung nào.

 

Trong đó, đề án tập trung vào tái cơ cấu 3 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

 

Ngay từ năm 2012 tiến hành bước khởi động đề án và chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2013 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản và năm 2015 có hiệu quả rõ rệt.

 

Bên cạnh đó tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền; áp dụng đồng bộ chính sách phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa...

 

H.NGUYỄN (tổng hợp từ VOV, chinhphu.vn,  SGGPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek