Thứ Bảy, 12/10/2024 17:21 CH
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:
Thảo luận dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012
Thứ Hai, 31/10/2011 18:00 CH

* Kiến nghị Quốc hội giám sát tối cao về tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông; kết thúc dự án 5 triệu ha rừng để chuyển sang giai đoạn mới

 

Trong phiên họp Quốc hội sáng 31/10, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012. Theo đó, đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm. Hội đồng Dân tộc giám sát từ 2 đến 3 chuyên đề; các ủy ban mỗi ủy ban giám sát từ 1 đến 2 chuyên đề; báo cáo kết quả với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội. 

 

gt-111031.jpg

Ùn ứ xe gắn máy trên đường Cộng Hòa - TPHCM. - Ảnh minh họa: SGGPO

Đánh giá tình hình thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011, các đại biểu đồng tình, mặc dù năm 2011 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội vẫn được chú trọng, tiếp tục có những cải tiến về quy trình, thủ tục, cách thức giám sát; đạt được những kết quả tích cực; hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra. Hoạt động giám sát của Quốc hội đã có tác động tích cực, làm chuyển biến mạnh mẽ nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội, được cử tri đánh giá cao. Kết quả hoạt động giám sát tối cao đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

 

Các đại biểu cơ bản nhất trí với dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2012, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung, chuyên đề, xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và nguyện vọng của đông đảo cử tri. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhấn mạnh: Giám sát là chức năng cơ bản, quan trọng, là hoạt động đặc thù của cơ quan dân cử, được cử tri cả nước rất quan tâm. Về việc lựa chọn nội dung giám sát, đại biểu cơ bản nhất trí với 5 nhóm vấn đề như đã nêu trong Tờ trình và đề nghị bổ sung thêm 1 tiêu chí cơ bản là lựa chọn những vấn đề có tác động đến việc chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô một cách bền vững. Đại biểu nhất trí chọn chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tiến hành giám sát tại 2 kỳ họp trong năm 2012 vì đây là lĩnh vực quan trọng đối với kinh tế-xã hội của đất nước. Theo đại biểu, nên bổ sung chuyên đề giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước, tập đoàn kinh tế bởi đây đang là vấn đề được cử tri đặc biệt quan tâm.

 

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, việc theo dõi, đánh giá thực hiện các kiến nghị sau giám sát còn chưa làm được nhiều và đề nghị cần mở rộng sự tham gia của cử tri và báo chí vào hoạt động giám sát của Quốc hội. Theo đại biểu, báo chí và công tác truyền thông có tác động mạnh mẽ của trong việc nâng cao hiệu quả, tạo thêm sức mạnh cho hoạt động giám sát của Quốc hội. Qua cầu nối này, hoạt động giám sát của Quốc hội cũng được cải tiến mạnh mẽ hơn. Đại biểu cũng đề nghị mở rộng quyền thông tin của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội. Về dự kiến chương trình giám sát năm 2012, đại biểu Lê Thị Nga cũng thống nhất lựa chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đề xuất thêm một chuyên đề về việc chấp hành pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông bởi đây đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, đe dọa đến sự an toàn của mỗi người dân.

 

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) đề nghị cần tăng cường thêm các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, UBTVQH để tăng hiệu quả, sức lan tỏa và tác động tạo chuyển biến, đột phá căn bản, sâu sắc. Đại biểu Hồ Trọng Ngũ cũng cho rằng, trật tự an toàn giao thông là vấn đề của toàn xã hội, đòi hỏi tiếp tục giám sát bởi nếu không giải quyết tốt, sẽ không thực hiện được các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, văn hóa, quốc phòng an ninh. Nếu có giám sát một cách đồng bộ sẽ giúp chuyển biến tốt trong lĩnh vực này. Đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) cũng nhất trí với việc lựa chọn chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn với 2 vấn đề “nóng” hiện nay là đất đai và đầu tư. Một chuyên đề nữa được đại biểu đề xuất cũng là về chủ đề thực thi chính sách pháp luật về phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, cần nhận rõ, nếu chỉ đặt vấn đề giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông thì mới giải quyết được phần ngọn mà chưa giải quyết được phần gốc của vấn đề là cơ sở hạ tầng giao thông chưa đảm bảo.

 

Cũng trong sáng 31/10, Quốc hội đã nghe báo cáo Tổng kết thực hiện Dự án “Trồng mới 5 triệu ha rừng” và Kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2011- 2020 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trình bày và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà đọc báo cáo thẩm tra việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Dự án.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường thống nhất  với nhận định của Chính phủ cho rằng, dự án đã tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức về hiệu quả kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường. Ý thức trách nhiệm về bảo vệ, phát triển rừng của các địa phương và người dân đã có bước chuyển biến rõ rệt. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt những kết quả đáng kể: độ che phủ rừng tăng dần qua các năm, từ 32% (năm 1998) lên 37,1% (năm 2005) và 39,5% (năm 2010); bước đầu hình thành vùng vùng nguyên liệu cho sự phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, huy động được nguồn vốn của toàn xã hội cho công tác trồng mới và bảo vệ rừng; góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống cho một bộ phận dân cư…

Nhìn chung, đến cuối năm 2010, hầu hết các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch của Dự án đều đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội. Số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng có xu hướng giảm: năm 2010 giảm 46% so với năm 1998. Tuy nhiên, Dự án cũng còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức thực hiện Dự án trong giai đoạn 1998 – 2005 còn nhiều lúng túng. Công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch 3 loại rừng còn chậm, bộc lộ nhiều hạn chế.

Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp thực hiện chưa tốt; mức giao đất lâm nghiệp bình quân chỉ khoảng 5-6ha/ hộ, chưa đủ để người dân có thu nhập chủ yếu từ rừng. Việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Độ che phủ rừng vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra (39,5% so với chỉ tiêu trên 40%) và không đồng đều; chất lượng, trữ lượng rừng chưa cao; khả năng cung cấp gỗ của rừng còn thấp (có tới 80% nguyên liệu gỗ phải nhập khẩu). Phần lớn diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng hỗn giao (chiếm tới 75%), rừng giàu và trung  bình chỉ đạt 25%. Tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép, cháy rừng, xâm lấn rừng, chống người thi hành công vụ vẫn xảy ra nghiêm trọng tại một số địa phương…

Chính phủ và Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đều kiến nghị Quốc hội kết thúc Dự án này để chuyển sang giai đoạn bảo vệ và phát triển rừng từ 2011- 2020. Ủy ban đề nghị Quốc hội cho thực hiện chương trình này theo cơ chế Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo vệ và phát triển rừng như Nghị quyết 73/2006/QH11 đề ra.

 

Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm về những thiếu sót trong quy hoạch, giao đất, giao rừng và huy động vốn; bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; đổi mới mô hình quản lý theo chức năng từng loại rừng; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, chọn giống, khai thác, chế biến lâm sản, làm gia tăng giá trị sản phẩm lâm nghiệp; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng…

 

Sáng mai (1/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ và sáng 10/11 tới sẽ thảo luận ở Hội trường về Dự án này. Đến chiều 25/11, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết về Dự án.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn, SGGPO)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek