Thứ Bảy, 12/10/2024 19:25 CH
Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII:
Tập trung sửa đổi hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng hiệu quả đầu tư công(*)
Thứ Hai, 31/10/2011 09:00 SA

* Phát biểu của đồng chí ĐÀO TẤN LỘC, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tại phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội chiều 28/10

 

LTS: Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012, chiều 28/10, đồng chí Đào Tấn Lộc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đã có bài phát biểu. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu bạn đọc.

 

DTL-noi111031.jpg

Đồng chí Đào Tấn Lộc phát biểu tại hội trường chiều 28/10 - Ảnh: CTV

Tôi cơ bản nhất trí với các báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Tôi cũng đã nghiên cứu báo cáo tiếp thu giải trình của Chính phủ, cho rằng giải trình như vậy rất rõ ràng trong việc tăng thu năm 2011 thì phải tăng chi, không có lý do gì không tăng chi. Vấn đề là ở chỗ trong đó chi cái gì? Chi chuyển nguồn, chi trả nợ, chi bổ sung an ninh, quốc phòng và chi bổ sung đầu tư phát triển. Tôi rất đồng tình với giải trình này.

 

Về dự toán ngân sách năm 2012, tôi tham gia thêm mấy ý kiến liên quan đến giải pháp để thực hiện hiệu quả dự toán.

 

Thứ nhất, tôi đề nghị xem xét lại nguồn thu tiền sử dụng đất. Tôi cho rằng mức dự toán 37.000 tỉ đồng năm 2012 tuy thấp hơn năm 2011 nhưng vẫn là cao. Đất đai là tài nguyên không tái tạo và là “của để dành”. Cho nên trong điều kiện thị trường nhà đất rất khó như hiện nay thì không vội vàng gì đặt nặng chỉ tiêu bán đất. Tôi nghĩ ngay cả Phú Yên được đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách tập trung vào loại thấp trong cả nước nhưng cũng không vì thế mà phải vội vàng bán đổ tháo quỹ đất với giá thấp. Tôi đề nghị chỉ nên ghi nguồn thu tiền sử dụng đất thấp hơn, khoảng 2/3 số này thôi và dùng một phần nguồn vượt thu năm 2011 bù vào. Đây là vấn đề lớn vì nguồn quỹ đất chúng ta càng về sau này cũng không còn nhiều nữa.

 

Thứ hai, lâu nay ta thường hay nói đầu tư công tràn lan, kéo dài, chỉ số ICOR cao, hiệu quả đầu tư công thấp. Nhưng có những vấn đề do chính bản thân luật pháp, cơ chế, chính sách của ta gây ra mà nếu sớm tập trung sửa đổi hoàn thiện thì có thể tăng hiệu quả đầu tư công. Tôi xin giới thiệu mấy nội dung sau:

 

- Điểm thứ nhất, đề nghị thay đổi cơ chế quản lý theo nguồn vốn xây dựng cơ bản vừa mất sự chủ động của các ngành, địa phương, vừa làm chậm tiến độ xây dựng cơ bản và gây lãng phí lớn. Lâu nay vì phải điều hành theo từng nguồn vốn, cụ thể: vốn xây dựng cơ bản tập trung, rồi nguồn hỗ trợ mục tiêu, nguồn trái phiếu Chính phủ… nên đã xảy ra việc vừa thừa, vừa thiếu vốn, làm nhiều công trình chậm hoàn thành đưa vào sử dụng. Lẽ ra sau khi Quốc hội, Chính phủ cân nhắc phân bổ các nguồn cho địa phương và ngành rồi, thì Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ theo tiến độ và hiệu quả các công trình xây dựng cơ bản mà chủ động điều phối các nguồn, qua đó điều hành sao cho có hiệu quả nhất, nhanh nhất để hoàn thành được một số công trình đưa vào sử dụng sớm, không phải phân bổ vốn tràn lan theo nguồn.

 

Hiện nay, nếu mà phân bổ khác nguồn thì kho bạc ách lại không giải ngân và như vậy chúng ta vừa nợ các nhà thầu làm tốt, gây thua lỗ cho họ, trong khi tồn vốn xây dựng cơ bản phải chuyển nguồn năm sau. Tôi thấy nếu đã điều động mượn nguồn, thì các năm sau có trách nhiệm điều động trả lại nguồn cho dự án đã mượn nếu nó đẩy nhanh tiến độ, không có gì khó. Tôi đề nghị Chính phủ nên có nghị định hoặc có quyết định về vấn đề này, nếu không thì nhiều bộ sẽ can thiệp và kho bạc Nhà nước sẽ không giải ngân, việc gom vốn để tập trung nguồn lực vào một số dự án cần hoàn thành sẽ tiếp tục không làm được.

 

- Điểm thứ hai, đề nghị thay đổi cơ chế đấu thầu, chỉ định thầu. Đấu thầu nghe thì rất hay, nhưng thực chất thì có nhiều điểm không hay. Hiện tượng thông thầu, lộ thầu còn phổ biến. Người trúng thầu, kể cả số nhà thầu nước ngoài bỏ thầu giá thấp để trúng, sau đó ì ạch, chất lượng kém, trượt giá và cuối cùng thì công trình chúng ta giá thành cao, chất lượng kém, kéo dài. Đề nghị điều chỉnh Luật Đấu thầu và các văn bản pháp quy liên quan theo hướng chọn nhà thầu năng lực cao, làm có chất lượng, còn tiêu chí giá bỏ thầu (nếu cùng thấp hơn giá sàn) là yếu tố phụ để kết hợp xem xét thầu. Đồng thời mở rộng khung giá trị gói thầu được chọn chỉ định thầu lên gấp 5 lần hiện nay và nếu chọn sai nhà thầu thì chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật. Làm cách này có thể rút gọn thời gian khoảng 3-4 tháng cho mỗi công trình.

 

thi-cong111031.jpg

Nhiều công trình chậm tiến độ do vướng mắc trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư - Ảnh: N.TRƯỜNG

- Điểm thứ ba, về xử lý trượt giá trong quá trình thi công: lâu nay cứ phải làm đi, làm lại dự toán khi có trượt giá, công trình phải dừng lại, rất tốn thời gian. Đề nghị Chính phủ nên có một văn bản pháp quy quy định rõ ràng các công trình nào thực hiện đảm bảo tiến độ theo hợp đồng và nếu có trượt giá thì lấy đơn giá vật tư, nhân công, xe máy tại thời điểm nghiệm thu. Nếu kéo dài thời gian nghiệm thu so với hợp đồng thì lấy đơn giá thanh toán tại thời điểm phải nghiệm thu được quy định trong hợp đồng. Nếu việc này được tự động làm như thế thì chúng ta đỡ mất thời gian làm đi, làm lại dự toán, góp phần rút ngắn thời gian thi công công trình.

 

- Điểm thứ tư, về những sai sót trong khảo sát, thiết kế dự toán của tư vấn dẫn đến công trình phải dừng lại, sửa đi, sửa lại nhiều lần, kéo dài gây tổn thất. Đề nghị luật pháp quy định thẳng: nếu do tính toán sai của tư vấn thì tư vấn phải đền bù ít nhất là 80% giá trị phát sinh do làm sai; và như vậy sẽ chống được hiện tượng làm ẩu.

 

Tôi thấy lâu nay các dự án xây dựng cơ bản ta thi công chậm, kéo dài, hiệu quả kém… có rất nhiều nguyên nhân, nhưng các nguyên nhân trên là nguyên nhân chủ quan trong cơ chế chính sách luật pháp của ta, có thể khắc phục được. Vấn đề đáng lưu ý là một địa phương hàng năm có khoảng 1.000 tỉ đồng xây dựng cơ bản, nếu để chuyển nguồn năm sau 200 tỉ đồng có nghĩa là so với trượt giá sẽ tự động mất khoảng 25 - 30 tỉ đồng. Lâu nay, theo luật pháp của ta chỉ cần rút ruột công trình chừng khoảng vài trăm triệu đồng là bị phạt tù 5-7 năm, trong khi để mất 25-30 tỉ đồng một cách nghiễm nhiên như thế mà không ai bị kỷ luật, cứ nói là do khách quan từ cơ chế chính sách luật pháp.

 

Thứ ba, trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội về dự toán ngân sách 2012 có 2 điểm đáng lưu ý: ở Điểm 4 có nêu phụ cấp 25% công vụ cho cán bộ công chức, thì tôi đề nghị ghi bao gồm cả cán bộ công chức cấp xã. Ở điểm 5 có nêu: nếu địa phương có cửa khẩu trên bộ thu vượt thuế xuất nhập khẩu để lại hỗ trợ 30%, tối đa không quá 200 tỉ đồng/năm để xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, tôi thấy việc này trước đây đã làm rồi, phát sinh rất nhiều rắc rối và tiêu cực, vả lại thuế từ hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu là phát sinh từ nhu cầu trao đổi hàng hóa của cả vùng, cả nước, không phải do cửa khẩu phát sinh. Nếu thấy cần đầu tư hạ tầng cửa khẩu thì bố trí vốn đầu tư lại sẽ hợp lý hơn. Còn trong trường hợp Quốc hội thấy việc này là hợp lý thì đề nghị cho Khu kinh tế Nam Phú Yên, có cảng cửa khẩu do tỉnh chắt chiu nhiều năm đầu tư mà hiện nay vẫn còn thiếu nhiều thứ, được hưởng theo chủ trương này để có kinh phí hoàn thiện cầu cảng, bến bãi mà lâu nay Trung ương không có hỗ trợ đầu tư.

 

---------------

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek