Thứ Bảy, 30/11/2024 13:34 CH
Quốc hội tiếp tục thảo luận kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2006, phương hướng nhiệm vụ năm 2007
Thứ Ba, 24/10/2006 10:16 SA

Sáng nay (24/10), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2006, phương hướng, nhiệm vụ năm 2007.

Trong ngày hôm qua (23/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2006; Phương hướng, nhiệm vụ năm 2007. Trong ngày thảo luận này (23/10), phần lớn các ý kiến tập trung vào các vấn đề như phát triển nông nghiệp nông thôn, quy hoạch đô thị, cải cách hành chính, chính sách dân tộc và miền núi...

Cũng như các buổi thảo luận trước, vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến. Các đại biểu Trần Đình Long (đoàn Đắc Nông), Trương Văn Hiền (đoàn Nghệ An), Trần Công Kích (đoàn Ninh Bình) cho rằng, đây là địa bàn rộng lớn, với 76% lao động, tuy nhiên hiện khu vực này đang dồn ép nhiều bức bách, đòi hỏi phải giải quyết. Đó là, giá cả vật tư vẫn tăng liên tục trong khi hiệu quả sản xuất nông nghiệp lại rất thấp và bấp bênh; các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn chậm phát triển, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy có diễn ra nhưng rất chậm và tự phát nhiều, rất lúng túng. Theo các đại biểu, trong những năm gần đây, phát triển kinh tế và đời sống của nông dân khu vực nông thôn không những chậm phát triển mà nhiều nơi còn khó khăn hơn so với những năm trước. Đại biểu Trần Đình Long (đoàn Đắc Nông) đề nghị cần có chiến lược, chương trình kế hoạch xây dựng phát triển nông thôn và nông nghiệp một cách toàn diện, lâu dài và bền vững. Trước mắt, trong những năm 2007-2010, phân bổ ngân sách Nhà nước phải tính đến việc tăng đầu tư cho khu vực nông nghiệp và nông thôn; Nhà nước cần thực hiện chính sách hợp lý, tạo điều kiện cho người nông dân ở nông thôn cải thiện đời sống vật chất cũng như tinh thần tốt hơn, nhằm từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về cuộc sống giữa đô thị và nông thôn.

Thảo luận về công tác quy hoạch hiện nay, đại biểu Phạm Phương Thảo (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) và một số đại biểu cho rằng cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch. Theo đại biểu, quy hoạch phải đi trước, phải định hướng cho sự phát triển. Cần làm việc này một cách chặt chẽ, khoa học, có chiều sâu. Các đại biểu cũng đề nghị, trong quy hoạch, khi thu hồi đất phải có chính sách, phương thức đền bù phù hợp, sát với giá thị trường. Quy hoạch phải được công khai và cần thiết làm mô hình cho người dân xem.

Về cải cách hành chính, các đại biểu Phạm Phương Thảo (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Hồng Việt (đoàn Cần Thơ) cho rằng, đây là khâu trì trệ, yếu kém nhất so với các lĩnh vực khác, hàng năm ngân sách phải bỏ ra 40 tỷ đồng để thực hiện chương trình, đề án cải cách hành chính nhưng kết quả như thế nào thì chưa thấy bản Báo cáo của Chính phủ đề cập, đánh giá đến. Các đại biểu đề nghị cần sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với nhiệm vụ mới theo hướng làm gọn bộ máy hoặc Bộ đa ngành.

Về chính sách dân tộc và miền núi, đại biểu Bàn Hữu Dần (đoàn Bắc Kạn), Y Vêng (đoàn Kon Tum), Hoàng Thị Lệ (đoàn Cao Bằng) có chung nhận định, trong những năm qua các chương trình đầu tư của Nhà nước đã đem lại hiệu quả, đời sống của nhân dân ở các vùng được thụ hưởng các chính sách đã được cải thiện đáng kể và phát triển. Đối với Chương trình 135, giai đoạn 1 đã đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi cho đồng bào các dân tộc thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Để thực hiện tốt nội dung chương trình trong giai đoạn 2, các đại biểu đề nghị nên đưa Chương trình 135 đến trung tâm xã về đến thôn, bản và người dân. Đối với Chương trình 134, về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, các đại biểu cho rằng, nên kéo dài thêm thời gian triển khai chương trình. Đối với các tỉnh nghèo, thu ngân sách ít không nên quy định vốn đối ứng như hiện nay.

Về chính sách đối với cán bộ xã, đại biểu Bàn Hữu Dần (đoàn Bắc Kạn) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu xem xét cho công chức xã được đào tạo và có bằng cấp, được hưởng chế độ, hưởng hệ số lương như công chức Nhà nước được cùng đào tạo.

Cũng như các buổi thảo luận trước, một số đại biểu đã cho ý kiến đóng góp các vấn đề về giáo dục, chống tham nhũng...

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek