Thứ Hai, 30/09/2024 20:34 CH
Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2006, nhiệm vụ năm 2007
Chủ Nhật, 22/10/2006 08:11 SA

Hôm qua (21/10), các đại biểu Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2006; phương hướng nhiệm vụ năm 2007. Nội dung này đã được các đại biểu thảo luận trong buổi họp tổ. Dự kiến, Quốc hội sẽ dành 3 ngày, từ 21 đến 24/10 để thảo luận về nội dung này.

 

Trong buổi thảo luận, gần 30 ý kiến đại biểu phát biểu tại hội trường đồng tình với đánh giá của báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2006, phương hướng, nhiệm vụ năm 2007. Các đại biểu cho rằng, năm 2006, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng với tốc độ tăng trưởng khá, GDP đạt 8% và dự báo đến cuối năm có thể đạt 8,2-8,5%; hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các lĩnh vực về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thông tin, dạy nghề, y tế, thể dục thể thao và nhiều lĩnh vực xã hội khác cũng có chuyển biến tích cực…

 

Tuy nhiên, theo các đại biểu, năm 2006 vẫn còn không ít yếu kém, tồn tại. Đó là, tốc độ tăng GDP tuy vượt kế hoạch đề ra nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; Chất lượng của sự tăng trưởng, nhất là sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều yếu kém; Hội nhập kinh tế quốc tế và hoạt động kinh tế đối ngoại còn nhiều trở ngại; Đời sống nhân dân nhiều nơi ở nông thôn, nhất là miền núi, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn; Cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tuy có được những kết quả, nhưng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng; Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao...

 

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐƯỢC QUAN TÂM

 

Các nội dung được nhiều đại biểu cho ý kiến trong phiên họp là các vấn đề về về giáo dục, về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, giao thông đô thị, giải pháp chỉ đạo cải cách hành chính...

 

Khi thảo luận về vấn đề về giáo dục, đại biểu Trần Tiến Cảnh (đoàn Hà Nam), đại  biểu Nguyễn Bá Thanh (đoàn thành phố Đà Nẵng) cho rằng, mặc dù Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng đã chỉ đạo xử lý nghiêm những vụ tiêu cực trong giáo dục và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, không phải đã hết bức xúc, bởi lẽ cốt lõi của vấn đề chưa được giải quyết. Hiện nay cả nước đang hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Giáo dục và Đào tạo nói không với bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, sẽ có sự mâu thuẫn giữa việc chống tiêu cực với những chỉ tiêu đề ra trong thi đua của ngành giáo dục như trường chuẩn quốc gia, phổ cập giáo dục. Bởi lẽ chỉ tiêu của các trường chuẩn đề ra quá cao, phải là không có học sinh lưu ban, tỷ lệ học sinh khá, giỏi quá cao, điều đó buộc các giáo viên phải lỏng tay khi cho điểm để giữ vững chỉ tiêu.

 

Cũng liên quan đến vấn đề về giáo dục, đại biểu Nguyễn Bá Thanh đề nghị, Quốc hội lần này nên ra Nghị quyết, chí ít là việc biên soạn và chống độc quyền trong in sách giáo khoa. Nếu làm được điều này, sẽ có lợi cho xã hội hơn rất nhiều.

 

Về phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, nhiều đại biểu đồng tình với việc Báo cáo Chính phủ coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời gian tới. Các đại biểu cho rằng, những năm gần đây Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương chính sách thiết thực và hiệu quả, góp phần đưa bộ mặt nông thôn, miền núi ở nhiều vùng được khởi sắc. Tuy nhiên sự phát triển chưa đồng đều, nhiều vùng vẫn còn khó khăn, nhiều tỉnh nông thôn, miền núi có tiềm năng lớn của đất đai, lao động, tài nguyên khoáng sản, nhưng do hạ tầng quá yếu kém, đầu tư còn thiếu tập trung, không đồng bộ, nên không tạo được hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Các đại biểu Vũ Ngọc Cừ (đoàn Lào Cai), Lỳ Khai Phà (đoàn Lai Châu), Nguyễn Hữu Nhơn (đoàn Đồng Tháp)  cho rằng, thực trạng nền sản xuất nông nghiệp chưa ổn định, luôn luôn chịu sự tác động bất lợi của thị trường, giá cả nên người nông dân đã thay đổi liên tục quy trình sản xuất, nay trồng cây này, mai nuôi con khác, chưa có những chính sách bền vững ổn định đối với nông nghiệp và nông thôn. Do đó, người nông dân thiếu chỗ dựa vững chắc, luôn luôn bị động và nơm nớp lo sợ khi sản phẩm của mình sản xuất ra giá cả thế nào, tiêu thụ ra sao, tự họ phải bơi lặn trong thương trường của nền kinh tế thị trường. Các đại biểu đề nghị Nhà nước cần có chính sách đầu tư từ ngân sách và đa dạng hoá các nguồn vốn phát triển nông nghiệp nông thôn hơn nữa.

 

Giao thông đô thị hiện là vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.  Đại biểu Đào Xuân Nay (đoàn Bình Thuận), Nguyễn Bá Thanh (đoàn thành phố Đà Nẵng) cho rằng, đây là vấn đề cấp bách mà Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh đã và đang tập trung giải quyết. Tuy nhiên, mức độ kẹt xe ở các thành phố lớn ngày một tăng, không chỉ còn ở những giờ cao điểm trong ngày. Trong khi đó các trường đại học và các khu công nghiệp vẫn tiếp tục xây dựng thêm ở trung tâm và vùng ven ở các thành phố lớn. Đến lúc Chính phủ cần xem xét thêm tính hợp lý của quy hoạch, nên chuyển bớt một số viện nghiên cứu, trường đại học, khu công nghiệp về xây dựng ở các tỉnh nông thôn lân cận.

 

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

 

Về giải pháp chỉ đạo cải cách hành chính, các đại biểu Đào Xuân Nay (đoàn Bình Thuận), Nguyễn Tiến Cảnh (đoàn Hà Nam) đồng ý với giải pháp chỉ đạo của Chính phủ và đề nghị, Chính phủ cần nhanh chóng hơn nữa việc rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc hủy bỏ chính sách, cơ chế nào không còn phù hợp với thực tiễn và các đạo luật do Quốc hội ban hành gần đây. Nhất là những quy định chưa sát thực tế, còn kẽ hở để kéo dài cơ chế xin cho, rà soát cơ chế chính sách không chỉ trong lĩnh vực đầu tư, lĩnh vực xây dựng cơ bản, lĩnh vực tài chính mà cả trong chính sách thu hồi đất với người nông dân, giải toả, đền bù, tái định cư.

 

Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại cũng là một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong buổi thảo luận này. Đại biểu Vũ Ngọc Cừ (đoàn Lào Cai), Nguyễn Bá Thanh (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, công tác này thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, nhiều cơ quan đơn vị giải quyết công tác khiếu nại của nhân dân chưa đúng thẩm quyền, vi phạm thủ tục… Đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại vượt cấp, khiếu nại đông người và đùn đẩy trách nhiệm cho các cơ quan Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần thanh tra, kiểm tra, sớm xử lý những vi phạm để đưa công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại của nhân dân của các cấp chính quyền đi vào nền nếp và đúng quy định của pháp luật.

 

Về việc Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đại biểu Nguyễn Tiến Cảnh (đoàn Hưng Yên) đề nghị, Chính phủ nên chỉ đạo các Bộ, ngành nên có những dự báo khả năng và những khó khăn thách thức của ta khi gia nhập WTO, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đại biểu Hoàng Thiện Cát (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh rằng, khi gia nhập WTO nền kinh tế chịu 2 yếu tố tác động lớn là về tăng trưởng và thu ngân sách nhưng các yếu tố này chưa được tính toán kỹ. Đại biểu đề nghị, đây là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO, Chính phủ nên tập trung phân bổ nguồn lực, tổ chức thực hiện giải quyết một số vấn đề vướng mắc để phát triển toàn diện. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp Nhà nước để các doanh nghiệp này đóng vai trò chủ động trong quá trình tham gia hội nhập, các doanh nghiệp này tiếp tục đổi mới theo hướng cổ phần hoá.

 

Cũng trong buổi thảo luận này, một số vấn đề đang gây bất bình trong nhân dân hiện nay cũng được các đại biểu đặt lên bàn nghị sự. Đó là việc sử dụng sai mục đích nhà công vụ. Các đại biểu cho rằng, nhà công vụ là để tạo điều kiện chỗ ở cho cán bộ khi chưa có nhà, chủ trương đó là hợp lý, hợp tình, vậy mà phân công quản lý lại để xảy ra tình trạng có những nhà công vụ như những biệt thự lại thuộc quyền sở hữu của riêng cá nhân. Vậy nguyên nhân có phải là do sự lỏng lẻo trong quản lý của Nhà nước Nhà nước?. Đại biểu Nguyễn Tiến Cảnh (đoàn Hà Nam) đề nghị Chính phủ có báo cáo trước Quốc hội.

 

Vấn đề về việc quản lý, sử dụng quỹ từ thiện nhiều nơi còn yếu kém, gây bức xúc trong nhân dân đã xảy ra ở một số địa phương. Các đại biểu cho rằng, đóng góp cho các quỹ từ thiện, nhân đạo để giúp đỡ, ủng hộ nhân dân vùng bị thiên tai là trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp vì vậy mọi người dân luôn sẵn lòng ủng hộ. Vì thế, Chính phủ phải có biện pháp kiểm tra và xử lý nghiêm minh những trường hợp lợi dụng, vi phạm chế độ chính sách, làm trái gây mất lòng tin của nhân dân.

 

Cũng trong hôm qua, nhiều đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, các vấn đề về chăm sóc y tế…

 

Hôm nay (22/10), Quốc hội nghỉ.

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek