Thứ Tư, 02/10/2024 11:28 SA
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam
Thứ Ba, 31/05/2011 09:00 SA

Ngày 29/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo về việc ngày 26/5, tàu Hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) khi tàu này đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam.

 

veben110531.jpg

Một tàu câu cá ngừ đại dương của Phú Yên trở về cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa) sau thời gian dài đánh bắt ở khơi xa. - Ảnh: K.NGUYÊN

 

Phát biểu tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Quốc phá hoại, cản trở các hoạt động thăm dò khảo sát bình thường của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho PVN. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, cũng như nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam”.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phát biểu ngày 28/5 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng “việc phía Việt Nam tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển do Trung Quốc quản lý đã làm tổn hại lợi ích và quyền quản lý của Trung Quốc ở “Nam Hải”, đi ngược lại nhận thức chung của hai nước về vấn đề “Nam Hải”… “Hành động mà cơ quan chủ quản của phía Trung Quốc áp dụng hoàn toàn là hoạt động giám sát và chấp pháp trên biển trong vùng biển do Trung Quốc quản lý. Phía Trung Quốc luôn nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định “Nam Hải””, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta nêu rõ:

 

“Chúng tôi bác bỏ phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/5 về vấn đề này. Cần làm rõ một số điểm như sau:

 

Thứ nhất là, khu vực Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, theo Công ước Luật Biển của Liên Hợp Quốc năm 1982. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực “do Trung Quốc quản lý”. Trung Quốc đang cố tình làm dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp.

 

Thứ hai là, Việt Nam luôn tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước là giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình. Không có nhận thức chung nào nói rằng Trung Quốc có quyền cản trở các hoạt động của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Chính hành động này của Trung Quốc đã đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.

 

Thứ ba là, Trung Quốc kêu gọi giải quyết các tranh chấp liên quan bằng biện pháp hòa bình, nhưng chính hành động của Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết có phải Trung Quốc đang muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” với đường yêu sách 9 đoạn, trong khi gần đây Trung Quốc có một loạt va chạm với Việt Nam và cả Philippines, ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, khẳng định: “Yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, trái với Công ước 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Trung Quốc là một thành viên. Yêu sách này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, và đã bị nhiều nước phản đối. Việc Trung Quốc tìm cách thực hiện yêu sách này trên thực tế đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”.

 

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố “Trung Quốc chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp”, “dù lớn mạnh cũng không xưng bá”, bà Nguyễn Phương Nga nói: “Chúng tôi mong rằng Trung Quốc sẽ thể hiện vai trò có trách nhiệm của một nước lớn, thực hiện đúng tinh thần tuyên bố của lãnh đạo Trung Quốc”.

 

Tại cuộc họp báo, ông Đỗ Văn Hậu, Phó Tổng Giám đốc PVN đã thông báo diễn biến sự việc tàu Bình Minh 02 của PVN bị 3 tàu Hải giám của Trung Quốc cản phá, đe dọa, cắt cáp thăm dò tại vị trí: 12048’25” Bắc và 111026’48” Đông, cách mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) 116 hải lý. Ông Hậu khẳng định: Khu vực khảo sát nằm rất sâu trong thềm lục địa của Việt Nam; PVN đã tiến hành khảo sát nhiều lần và hoạt động khảo sát của tàu Bình Minh 02 trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là hết sức bình thường. Việc cắt cáp là có chủ ý và đã được chuẩn bị từ trước, vì nếu không có thiết bị đặc biệt thì không thể cắt cáp ở độ sâu 30m. Sự việc này đã gây thiệt hại đáng kể và cản trở hoạt động của PVN. Tàu Bình Minh 02 và các tàu bảo vệ đã phải dừng công việc để thay thế, sửa chữa thiết bị. Tuy nhiên, đến nay, tàu Bình Minh 02 đã trở lại hoạt động bình thường.

 

Phát huy sức mạnh của tổ tàu thuyền an toàn để giữ biển

 

Trao đổi với Báo Phú Yên ngày 30/5, thượng tá Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết: “Nhờ có “tai, mắt” là những tàu thuyền đánh bắt xa bờ thường xuyên liên lạc báo về, Bộ đội Biên phòng Phú Yên biết được những diễn biến ở các vùng biển của Tổ quốc. Qua đó, chúng tôi có báo cáo, kiến nghị cấp trên tìm biện pháp giải quyết ngay, nhất là tình trạng tàu cá, tàu hải quân nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam. Trước tình hình hàng trăm tàu hành nghề mành chụp mực của Trung Quốc lấn chiếm ngư trường Việt Nam, bên cạnh kiến nghị lên cấp trên đấu tranh, giải quyết, Bộ đội Biên phòng Phú Yên đã tuyên truyền, đề nghị tàu thuyền tập trung lại tạo thành sức mạnh để đấu tranh, xua đuổi các tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam; tiếp tục bám biển để khẳng định chủ quyền”.

 

Phú Yên là địa phương sớm thành lập được tổ tàu thuyền an toàn. Tổ tàu thuyền an toàn đầu tiên của tỉnh được thành lập ở thôn Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) vào năm 2003. Thượng tá Nguyễn Ngọc Minh cho biết, đến nay, theo thống kê của bộ đội biên phòng Phú Yên, toàn tỉnh đã có 121 tổ tàu thuyền an toàn, mỗi tổ có 5-10 tàu tham gia. Các tổ này thường là tập hợp các tàu thuyền theo nhóm ngành nghề, theo địa bàn sinh sống hoặc dòng họ. Theo đánh giá của Bộ đội Biên phòng Phú Yên, trong 8 năm qua, các tổ tàu thuyền an toàn này đã thực hiện rất tốt việc phát hiện, đấu tranh, xua đuổi tàu cá nước ngoài xâm nhập trái phép vùng biển Việt Nam; giúp đỡ nhau trong cứu hộ cứu nạn trên biển và đoàn kết, hỗ trợ, thông tin lẫn nhau để đánh bắt đạt hiệu quả cao.

 

KHƯƠNG NGUYÊN

 

KHƯƠNG NGUYÊN (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek