Trả lời: Sau khi nhận và kiểm tra tất cả các biên bản xác định kết quả bầu cử của các Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và giải quyết các khiếu nại, tố cáo (nếu có), Hội đồng bầu cử lập biên bản tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội trong cả nước. Biên bản phải ghi rõ những nội dung sau đây:
- Ngày bầu cử:
- Thành phần của Hội đồng bầu cử;
- Tổng số đại biểu Quốc hội được bầu;
- Tổng số người ứng cử;
- Tổng số cử tri;
- Tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu.
- Tỉ lệ cử tri đã tham gia bỏ phiếu so với tổng số cử tri;
- Số phiếu hợp lệ;
- Số phiếu không hợp lệ;
- Số phiếu bầu cho mỗi người ứng cử;
- Danh sách những người trúng cử;
- Những khiếu nại, tố cáo do Hội đồng bầu cử giải quyết;
- Những hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa mới;
- Những việc quan trọng đã xảy ra và cách giải quyết.
Biên bản được lập thành năm bản, có chữ ký của Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng bầu cử. Biên bản được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Câu 113: Thời hạn giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử được quy định như thế nào?
Trả lời: Mọi khiếu nại về kết quả bầu cử được gửi đến Hội đồng bầu cử chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày Hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử. Hội đồng bầu cử có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại về kết quả bầu cử trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Hội đồng bầu cử là quyết định cuối cùng. Đây là thủ tục đặc biệt để bảo đảm việc trình kết quả bầu cử tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới chậm nhất sáu mươi ngày sau ngày bầu cử. Sau khi trình kết quả bầu cử, các khiếu nại về kết quả bầu cử sẽ được các cơ quan chức năng tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Câu 114: Bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội là gì và phải tuân theo những thủ tục, trình tự nào?
Trả lời: Bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội là việc đơn vị bầu cử nào đó trong nhiệm kỳ Quốc hội khuyết đại biểu, không đủ số lượng ấn định ban đầu thì có thể được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho bầu cử bổ sung. Trường hợp thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội dưới hai năm thì không tổ chức bầu cử bổ sung.
Trình tự, thủ tục tiến hành bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội được quy định như sau:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc bầu cử bổ sung, thành lập Ủy ban bầu cử bổ sung, quyết định ngày bầu cử bổ sung và công bố chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày bầu cử;
- Các tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung: Ủy ban bầu cử bổ sung ở Trung ương, Ban bầu cử bổ sung ở đơn vị bầu cử cần phải bầu bổ sung, Tổ bầu cử bổ sung. Việc thành lập các tổ chức này theo các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban bầu cử bổ sung, Ban bầu cử bổ sung và Tổ bầu cử bổ sung được áp dụng theo quy định tương ứng về Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử; thể thức bỏ phiếu, trình tự bầu cử, xác định kết quả bầu cử bổ sung được áp dụng các quy định như cuộc bầu cử chung.
(Còn nữa)