Thứ Năm, 03/10/2024 07:24 SA
Hỏi đáp về bầu cử Quốc hội
Thứ Tư, 04/05/2011 10:00 SA

Câu 86: Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử được tiến hành như thế nào?

 

Trả lời: Việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức ở nơi người ứng cử cư trú thường xuyên tại thôn, tổ dân phố (không phân biệt có hộ khẩu thường trú hay tạm trú dài hạn) do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triệu tập và chủ trì. Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp được mời dự hội nghị.

 

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có những người ứng cử được mời dự hội nghị này.

 

Số lượng cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội nơi có dưới năm mươi cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm trên 50% số cử tri tham dự; nơi nào có số cử tri từ năm mươi cử tri trở lên thì không nhất thiết tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm ít nhất là bốn mươi cử tri tham dự. Thành phần dự hội nghị do Trưởng ban công tác Mặt trận phối hợp với Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng Tổ dân phố mời.

 

Trường hợp người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, người tự ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân có lý do chính đáng mà không đến dự hội nghị được thì ủy quyền cho người đại diện của mình đến dự. Người được ủy quyền phải là người từ 21 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Khi đến dự hội nghị, người được ủy quyền phải báo cáo với hội nghị về lý do được ủy quyền, giải trình những vấn đề có liên quan đến người tự ứng cử mà hội nghị nêu lên; đồng thời không được lợi dụng diễn đàn hội nghị để tuyên truyền những nội dung trái với chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc tuyên truyền vận động cho lợi ích cá nhân của người ủy quyền và phải tuân theo sự điều hành của người chủ trì hội nghị.

 

Câu 87: Nội dung và chương trình của Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú là gì?

 

Trả lời: Tại hội nghị cử tri nơi công tác và nơi cư trú, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội để có ý kiến bày tỏ tín nhiệm đối với những người ứng cử. Việc biểu quyết bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị quyết định.

 

Trong trường hợp hội nghị quyết định biểu quyết bằng cách bỏ phiếu kín, thì hội nghị cử ban kiểm phiếu từ ba đến năm người. Phiếu tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc phải có dấu của Ban chấp hành Công đoàn hoặc của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Phiếu tín nhiệm của cử tri nơi cư trú phải có dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã hoặc của Ủy ban nhân dân cùng cấp. Trên phiếu tín nhiệm ghi rõ họ và tên người ứng cử; nếu có nhiều người ứng cử thì ghi rõ họ và tên những người ứng cử xếp theo vần chữ cái A, B, C… Cử tri gạch tên những người ứng cử mà mình không tín nhiệm.

 

Hội nghị cử tri phải có biên bản ghi rõ tổng số cử tri được triệu tập, số cử tri có mặt, ý kiến phát biểu và sự tín nhiệm của cử tri đối với từng người ứng cử.

 

Biên bản hội nghị lấy ý kiến của cử tri về những người ứng cử đại biểu Quốc hội được cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngay sau khi kết thúc hội nghị. Biên bản hội nghị lấy ý kiến cử tri về người ứng cử đại biểu Quốc hội của địa phương được gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh ngay sau khi kết thúc hội nghị.

 

Chương trình hội nghị lấy ý kiến của cử tri đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội gồm có:

 

- Người chủ trì hội nghị tuyên bố lý do;

 

- Giới thiệu thư ký hội nghị và người làm thư ký phải được đa số cử tri dự hội nghị tán thành;

 

- Báo cáo số cử tri được mời, số người có mặt;

 

- Giới thiệu khách được mời dự hội nghị;

 

- Giới thiệu danh sách những người ứng cử;

 

- Thư ký đọc tiểu sử tóm tắt của từng người được giới thiệu ứng cử;

 

- Đọc Điều 3 (quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội) và Điều 29 (quy định về những người không được ứng cử đại biểu Quốc hội) của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội;

 

- Cử tri phát biểu ý kiến đối với từng người ứng cử;

 

- Người ứng cử, đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử phát biểu ý kiến;

 

- Hội nghị biểu quyết;

 

- Thông qua biên bản và kết thúc hội nghị.

 

Câu 88: Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương như thế nào?

 

 Trả lời: Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương.

 

Việc điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành như sau:

 

Sau khi nhận được biên bản của Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở Trung ương và địa phương về danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội do Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi đến, trên cơ sở trao đổi ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, chậm nhất là năm mươi ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được bầu làm đại biểu Quốc hội.

 

(Còn nữa)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek