Câu 84: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức khi nào? Thành phần, nội dung và cách thức tiến hành Hội nghị?
Trả lời: Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức chậm nhất là sáu mươi ngày trước ngày bầu cử.
Thành phần hội nghị như hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (xin xem câu 80).
Nội dung Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tương tự như nội dung hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở trung ương (xin xem câu 83).
Hội nghị hiệp thương cấp tỉnh còn có trách nhiệm xem xét về người tự ứng cử do Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chuyển đến để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử.
Biên bản Hội nghị hiệp thương được gửi ngay đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử và Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Câu 85: Hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với người ứng cử được tiến hành như thế nào?
Trả lời: Việc lấy ý kiến của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc đối với những người ứng cử đại biểu Quốc hội được tổ chức ở nơi những người ứng cử công tác hoặc làm việc. Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc thì tổ chức lấy ý kiến của cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên. Việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri được thực hiện như sau:
1. Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác chuyên trách tại các cơ quan Đảng các cấp thì tổ chức lấy ý kiến hội nghị cử tri của văn phòng ở tổ chức đó. Đại diện ban lãnh đạo của cơ quan Đảng và đại diện Ban Chấp hành công đoàn văn phòng triệu tập và chủ trì hội nghị.
Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác tại các Đảng ủy xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) thì tổ chức lấy ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ. Đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy cấp xã triệu tập và chủ trì hội nghị.
Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các cơ quan chuyên môn của tổ chức Đảng (các ban, học viện, trường Đảng, viện nghiên cứu…) thì lấy ý kiến hội nghị cử tri cơ quan của tổ chức đó. Đại diện ban lãnh đạo của các tổ chức trên và đại diện Ban Chấp hành công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
2. Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của văn phòng các cơ quan đó. Đại diện ban lãnh đạo và đại diện Ban Chấp hành công đoàn văn phòng triệu tập và chủ trì hội nghị.
Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của cơ quan đó. Đại diện ban lãnh đạo của cơ quan và đại diện Ban Chấp hành công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
3. Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác tại cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của cơ quan và Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành của tổ chức đó. Đại diện ban lãnh đạo của tổ chức và đại diện Ban chấp hành công đoàn hoặc tổ công đoàn cơ quan triệu tập và chủ trì hội nghị.
4. Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các tổ chức xã hội ở trung ương thì lấy ý kiến của hội nghị cử tri của cơ quan và Ban Thường vụ hoặc Ban chấp hành của tổ chức đó. Đại diện ban lãnh đạo của tổ chức và đại diện Ban Chấp hành công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị.
Những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở tổ chức xã hội ở địa phương thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của cơ quan và Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành của tổ chức đó. Đại diện ban lãnh đạo của tổ chức và đại diện Ban Chấp hành công đoàn hoặc tổ công đoàn triệu tập và chủ trì hội nghị.
5. Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các đơn vị sự nghiệp thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của đơn vị đó. Đại diện ban lãnh đạo đơn vị và đại diện Ban Chấp hành công đoàn hoặc tổ công đoàn của đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.
6. Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các tổ chức kinh tế thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của tổ chức đó. Đại diện lãnh đạo và đại diện Ban Chấp hành công đoàn hoặc tổ công đoàn của tổ chức triệu tập và chủ trì hội nghị.
Trong trường hợp nơi công tác hoặc nơi làm việc của những người ứng cử đại biểu Quốc hội chưa có tổ chức Công đoàn thì việc lấy ý kiến của hội nghị cử tri do đại diện lãnh đạo của tổ chức đó triệu tập và chủ trì.
7. Những người ứng cử đại biểu Quốc hội công tác ở các đơn vị vũ trang nhân dân thì lấy ý kiến hội nghị cử tri của cơ quan hoặc hội nghị quân nhân của đơn vị đó. Đại diện lãnh đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì hội nghị.
Số lượng cử tri tham dự hội nghị lấy ý kiến về những người ứng cử đại biểu Quốc hội ở những nơi có dưới một trăm cử tri thì tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải bảo đảm ít nhất là hai phần ba tổng số cử tri tham dự. Nơi nào có từ một trăm cử tri trở lên thì không nhất thiết tổ chức hội nghị toàn thể, nhưng phải có ít nhất bảy mươi cử tri tham dự.
Ở những cơ quan, tổ chức, đơn vị có tổ chức công đoàn thì Ban Chấp hành công đoàn phân bổ số lượng người, tổ công đoàn cử đại diện dự họp; ở những cơ quan, tổ chức, đơn vị không có công đoàn thì các bộ phận chuyên môn cử người đại diện đến dự.
Những người ứng cử đại biểu Quốc hội được mời dự hội nghị cử tri cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình công tác hoặc nơi làm việc.
(Còn nữa)