Trong những năm hòa bình (1955 – 1964) ở Vĩnh Linh lưu truyền một câu chuyện do các cán bộ xã họp ở huyện về kể lại. Câu chuyện thế này:
Năm đó Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh triệu tập cán bộ chủ chốt các xã về họp triển khai nghị quyết của Trung ương và chuẩn bị tổng kết đánh giá vụ sản xuất đông xuân. Trong khi phổ biến một số công tác, đồng chí Bí thư Đảng ủy khu vực nói một cách thân mật với cán bộ các xã: Việc tổng kết đánh giá thành tích sản xuất vụ đông xuân là rất cần thiết. Phải đánh giá cho đúng thực chất tình hình năm qua mới hoạch định kế hoạch sản xuất năm nay sát đúng, khách quan. Hôm họp ở Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nói thế này: Nếu các tỉnh, bộ báo cáo không trung thực với Chính phủ, Chính phủ báo cáo cũng không trung thực với Trung ương, Trung ương sẽ báo cáo sai với Bác Hồ. Vậy, lãnh đạo các tỉnh, bộ có dám báo cáo không trung thực với Bác không? Rồi Bí thư nói tiếp: Bây giờ tôi cũng nói thế này, các cậu (chỉ số cán bộ xã) báo cáo láo với khu vực, khu vực sẽ báo cáo láo với Trung ương thì Trung ương sẽ báo cáo láo với Bác Hồ. Có đúng không? Vậy các cậu có dám báo cáo láo với Bác Hồ không? Có tiếng một số cán bộ xã vốn hay bạo miệng và hài hước, thốt lên: - Ai dám! Cả hội trường cười ồ, rồi bỗng im phăng phắc.
Nhắc lại câu chuyện này để thấy “bệnh thành tích”, “báo cáo láo” hiện nay tràn lan, trước hết là do cán bộ chủ chốt không nghiêm khắc với kỷ luật Đảng, với lương tâm trách nhiệm của người cán bộ trước nhân dân, trước cấp trên. Lãnh đạo cấp trên cũng mắc “bệnh thành tích” nên mặc nhiên để cho cán bộ cấp dưới báo cáo láo, góp “thành tích ảo” của cấp dưới thành “thành tích ảo” của cấp mình để mình “báo cáo láo” với cấp trên, với Trung ương. Không ai muốn bị phê bình “không hoàn thành nhiệm vụ”. Nếu “không hoàn thành nhiệm vụ” sẽ bị ảnh hưởng trong việc cất nhắc, đề bạt, vì vậy cứ tìm cách báo cáo cho hay, cho tốt để cấp trên đánh giá mình làm lãnh đạo tốt, chú ý đến mình nhiều hơn. Dần dần, ai cũng “báo cáo láo”, thành ra bệnh của xã hội, của Đảng: Đảng viên không trung thực với Đảng; cấp dưới không trung thực với cấp trên, địa phương không trung thực với Trung ương.
Dân gian có câu “Thẳng thắn, thật thà thì thua thiệt”, vì vậy “tội” gì mà thật thà, “thật thà là cha thằng ngốc”, “báo cáo láo” mà được “ăn tiền”, “ăn chức”, thì dại gì mà không báo cáo láo. Do đó bệnh càng ngày càng nặng, thật khó chữa.
Bước vào năm học này, ngành giáo dục nổ phát súng “nói không với tiêu cực”, chống bệnh thành tích. Muốn chống bệnh thành tích, phải trung thực với ‘thành tích”, có chừng nào báo cáo chừng ấy, không tô hồng, thổi phồng, tạo thành tích ảo, không báo cáo láo để được khen thưởng… Đó là tín hiệu đáng mừng. Song, chỉ một mình ngành giáo dục chống bệnh thành tích sẽ trở nên đơn độc. Giáo dục – đào tạo cũng là một thành tố của xã hội. Vậy nên, để giúp ngành giáo dục chống bệnh thành tích đạt hiệu quả, thiết nghĩ, toàn xã hội phải vừa góp sức, góp chí với ngành giáo dục, vừa phải “tự giác” chống bệnh thành tích của ngành mình, đơn vị mình, địa phương mình. Và trên hết, tất cả những người có trách nhiệm ở ngành, đơn vị, địa phương đều không được “báo cáo láo”, có như vậy chúng ta mới tạo ra được một đời sống lành mạnh, trung thực, một xã hội văn minh, tiến bộ.
TRẦN HỮU