Thứ Năm, 03/10/2024 16:10 CH
Ngày làm việc thứ ba Đại hội XI của Đảng:
Đề xuất các giải pháp thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011 - 2020
Thứ Bảy, 15/01/2011 07:21 SA

Ngày 14/1, các đại biểu làm việc tại hội trường. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước điều hành phiên họp buổi sáng; đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên họp buổi chiều. Các tham luận, ý kiến phát biểu được trình bày tại hội trường tập trung vào những vấn đề then chốt để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011- 2020).

 

dpy1110115.jpg

Đoàn Đại biểu tỉnh Phú Yên tại Đại hội XI của Đảng - Ảnh: N.TRƯỜNG

 

PHÁT TRIỂN CÁC NGUỒN LỰC

 

Mở đầu buổi làm việc buổi sáng, đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trình bày tham luận về “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước”, đã nêu bật vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới vừa qua, song đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận công nhân còn thấp chưa tương xứng với sự đóng góp của họ. Từ đó, đồng chí Đặng Ngọc Tùng kiến nghị với đại hội bốn vấn đề, trong đó mong muốn Đảng lãnh đạo, chỉ đạo Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách đối với công nhân lao động nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của người lao động. Trước mắt cần chăm lo về nhà ở, sinh hoạt văn hóa, chế độ tiền lương…, tạo điều kiện cho các tổ chức công đoàn hoạt động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong các doanh nghiệp, quan tâm đào tạo nâng cao kỹ năng lao động để nâng cao chất lượng nguồn lao động, đồng thời chú trọng phát triển Đảng trong công nhân, thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trình bày tham luận về những giải pháp bình đẳng giới. Để phụ nữ cống hiến nhiều hơn nữa cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phụ nữ để đến năm 2020 nước ta là nước có sự bình đẳng giới tiến bộ trên thế giới. Bên cạnh đó, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

 

Cùng chủ đề nâng cao nguồn nhân lực, đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam trình bày tham luận về một số giải pháp xây dựng giai cấp nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

Trong khi đó, tham luận về những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng, đồng chí Lê Hữu Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ: Đặc trưng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa là vấn đề mới còn tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện. Tuy nhiên có thể thấy, yêu cầu cao nhất trong bối cảnh hiện nay là Đảng và Nhà nước có chính sách tạo được động lực để mọi người, mọi thành phần kinh tế phát huy các nguồn lực thi đua làm giàu cho đất nước, cho bản thân họ một cách chính đáng. Còn đồng chí Võ Đức Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương cho rằng trong Báo cáo Chính trị cần xác định những nguy cơ hoặc những thách thức cụ thể để chúng ta lưu tâm cảnh giác và giải quyết. Đối với doanh nghiệp, Đảng cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng để bảo đảm cho các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước hoạt động đúng hướng, có hiệu quả, khẳng định được vai trò chủ đạo dẫn dắt nền kinh tế quốc dân.

 

KHAI THÁC TIỀM NĂNG, THẾ MẠNH CÁC ĐỊA PHƯƠNG

 

Trình bày tham luận về thực hiện chiến lược kinh tế biển, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho rằng đây là cơ hội để các tỉnh có biển phát huy tiềm năng lợi thế của biển, đảo góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương.  Tuy nhiên, do nguồn lực của các tỉnh này có hạn nên cần có sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương, nhất là hạ tầng kỹ thuật để đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhà nước cần tăng cường năng lực quản lý nhà nước về biển, vùng ven biển; thực hiện tốt công tác quốc phòng - an ninh, tích cực tham gia hợp tác khu vục và đối ngoại về biển; tạo điều kiện cho ngư dân được vay vốn ưu đãi để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền đáp ứng yêu cầu vươn xa để đánh bắt, khai thác hải sản và mua sắm các trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ thông tin liên lạc để tránh bão, phát hiện tàu thuyền lạ xâm lấn ngư trường, các hành vi phá hoại môi trường sinh thái và các hoạt động buôn lậu trên biển. Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng biển và ven biển. Quy hoạch vùng dành riêng cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh; đồng thời, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho các hoạt động kinh tế như nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm, trạm: dự báo thời tiết, khí hậu, cảnh báo sóng thần, động đất cùng với các phương tiện, trang thiết bị bổ trợ để khuyến khích người dân ra biển làm kinh tế.

 

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Thực tiễn phát triển ngành du lịch Thừa Thiên Huế thời gian qua khẳng định văn hóa nói chung và di sản văn hóa nói riêng là mục đích khám phá của khách du lịch. Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng du lịch trong khu vực, cần được xác định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, đa lĩnh vực, mang nội dung văn hóa sâu sắc và xã hội hóa cao. Do đó, quá trình thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành, các cấp, dưới sự chỉ đạo thống nhất của Nhà nước; phát triển du lịch theo hướng bền vững, trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ tốt môi trường cảnh quan. Vì vậy, Chính phủ, Bộ văn hóa- Thể thao và Du lịch sớm hoàn chỉnh và ban hành Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành Du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để thống nhất quản lý phát triển ngành du lịch. Theo đó, cần định hướng và tổ chức phát triển du lịch trên các vùng lãnh thổ phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch gắn với vùng kinh tế, vùng văn hóa, vùng địa lý, khí hậu và các hành lang kinh tế trong mối tương quan bổ trợ liên kết nội vùng và liên vùng. Ưu tiên đầu tư phát triển các trung tâm du lịch lớn ở phía Bắc, miền Trung, miền Nam; quan tâm đến các địa bàn trọng điểm, điểm đến nổi bật trong mỗi vùng, như Hà Nội-Quảng Ninh-Lào Cai-Quảng Bình-Quảng Trị-Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam-Đà Lạt-Nha Trang - TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác, tạo thành các cụm liên kết phát triển mạnh về du lịch để tổ chức tốt các hoạt động trên tuyến du lịch “Hành lang kinh tế Đông Tây”, “Hành trình qua các kinh đô cổ”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Con đường di sản miền Trung”. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước trong khối ASEAN, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, các tuyến du lịch quốc gia “Ba quốc gia, một điểm đến” với Lào, Thái Lan trên tuyến hành lang Đông-Tây.

 

Đề cập đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đắk Lắk Niê Thuật lưu ý cần có những giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng mối đoàn kết giữa các cộng đồng dân tộc; trong khai thác khoáng sản phải gắn với bảo vệ môi trường để Tây Nguyên phát triển bền vững. 

 

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG TỘI PHẠM, CHỐNG THAM NHŨNG

 

Trong tham luận về “Xây dựng lực lượng Công an nhân dân”, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ ra những thách thức trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trước sự gia tăng của các loại tội phạm mới, hoạt động xuyên quốc gia. Để lực lượng công an hoàn thành nhiệm vụ, đồng chí Lê Hồng Anh chỉ rõ: Đảng phải huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị xây dựng thế trận an ninh nhân dân. Riêng đối với lực lượng công an, trước phải xây dựng tổ chức đảng trong lực lượng thật sự trong sạch vững mạnh, làm nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh, kiên quyết đấu tranh chống các loại tội phạm có hiệu quả.

 

Trong tham luận về “Những giải pháp chủ yếu nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng”, đồng chí Vũ Tiến Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Ủy ban Phòng chống tham nhũng Trung ương cho rằng: Tình hình tham nhũng ngày càng diễn ra phức tạp nghiêm trọng hơn, tham nhũng đang là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của chế độ. Sau khi nêu lên những bài học kinh nghiệm về đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua, đồng chí Vũ Tiến Chiến đưa ra 9 giải pháp để ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng. Trong đó đặc biệt chú trọng việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng; đồng thời bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế- xã hội; mặt khác nâng cao vai trò giám sát của các cơ quan chức năng, của báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng…

 

Cũng về vấn đề đấu tranh chống tham nhũng trong công tác Đảng, đồng chí Trịnh Long Biên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là giải pháp quan trọng để góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong nhiệm kỳ Đại hội X, trong tổng số đảng viên bị kỷ luật ở 3 cấp: số bị kỷ luật ở cấp Trung ương do Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý chiếm 52,3%; ở cấp tỉnh thì do ủy ban kiểm tra xử lý chiếm 68,1%; ở cấp huyện, do ủy ban kiểm tra xử lý chiếm 64,3%. So với nhiệm kỳ Đại hội IX, kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm tăng 6%.

 

- Giai đoạn 2011- 2020, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân 7 - 8%/năm; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 USD.

 

- Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 45% trong tổng GDP.   

 

- Giá trị sản phẩm công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng ít nhất đạt 35%.

 

- Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt nhóm trung bình cao của thế giới; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi; lao động qua đào tạo đạt trên 70%; tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm. 

 

- Đến năm 2020, có một số lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục y tế đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; cải thiện chất lượng môi trường; chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng...

 

 KHÁNH HOÀNG - NGUYÊN TRƯỜNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek